Điều này sẽ không quá là nghịch lý nếu bạn dành đủ sự tập trung trong thời gian làm việc của mình. Tôi từng là đứa dành cả một ngày học dài đằng đẵng để rồi nhận ra hiệu quả không được khả quan như mình mong đợi. Tôi dám chắc không ít người cũng từng trải qua tình huống tương tự như trên.
Lắm khi thời gian chúng ta bỏ ra là nhiều vô kể nhưng tiến độ công việc rất chậm. Kèm theo đó là cơn uể oải về cuối buổi học, hay thậm chí là từ giữa buổi cả cơ thể lẫn đầu óc đã có dấu hiệu đình công. Chà, mấy lúc như này là cơ hội tốt để tâm trí lang thang đâu đó, nhớ về mấy kỷ niệm xưa buồn cười, em nào ngon em nào không ngon, thằng nào láo thằng nào không láo, phim gì hay phim gì không, page nào bổ ích page nào lãng xẹt (như page này chẳng hạn),… sau đó chợt tỉnh rồi nhanh chóng trở về lại với nhịp học ban đầu trước khi lại có thêm một mảnh ký ức nào đó tòi ra, tiếp tục kéo thêm của chúng ta một khoảng thời gian trầm ngâm dài nữa.
Quen đúng không? Haha, tôi chứng như vậy không biết bao lần rồi. Cũng là lý do mà về lâu về dài chúng ta không thể thấy sự phát triển của bản thân, vì nó có phát triển được mấy đâu. Tình trạng này cũng không nên kéo dài cho lắm nếu bạn thực sự muốn mình học tốt hơn, chill với việc học hơn và cảm thấy phê khi hòa nhịp với nó. Tiện đây tôi cũng muốn recommend một phương pháp học mà có thể bạn đã từng nghe qua, từng biết rồi. Áp dụng cũng được vài tháng nay, tôi có thấy nó hiệu quả. Nhất là sau khi được công ty mời nghỉ việc, tôi nhanh chóng trở nên giàu có, một con người dồi dào thời gian.
Phương pháp có tên là Pomodro – phương pháp quản lý thời gian để tối ưu hiệu quả công việc thông qua sự tập trung cao độ. Phát minh bởi Francesco Cirillo – CEO một công ty phần mềm người Ý Ta Ly.
Pomodoro trong tiếng Ý có nghĩa là quả cà chua; ông này từng dùng chiếc đồng hồ có hình dáng tương tự để theo dõi thời gian làm việc của mình – sau dùng luôn cái tên đó để đặt cho phát minh của ông. Cũng có thể ông thích ăn cà chua nhưng mà trên Wiki nó không có ghi như vậy.
Sau một sự gián đoạn làm ngừng dòng chảy tập trung, chúng ta sẽ mất khoảng 15p mới có thể trở lại với nhịp độ ban đầu. Đó là lý do mà phần đông chúng ta không thể duy trì được sự tập trung đều đặn khi làm việc, học tập.
Phương pháp Pomodoro bao gồm 5 bước:
– Quyết định công việc sẽ làm
– Thiết lập bộ đếm thời gian cho phiên làm việc Pomodoro (truyền thống là 25 phút cho 1 Pomodoro)
– Tập trung làm một việc duy nhất đã định cho đến khi đồng hồ báo hết Pomodoro.
– Nghỉ ngắn từ 3 – 5 phút giữa các Pomodoro.
– Sau 4 phiên Pomodoro thì nghỉ dài hơn từ 15 – 30 phút.
Đó là phương pháp truyền thống, cá nhân tôi áp dụng khác đi một chút, bạn có thể tham khảo. Thường thì tôi học cả sáng lẫn chiều, tối nghỉ. Cả 2 buổi tôi chỉ học 3 phiên mỗi buổi:
Phiên đầu kéo dài 1 giờ – nghỉ 15p, phiên 2 kéo dài 45p – nghỉ 5p và phiên cuối thêm 45p nữa trước khi nghỉ hẳn.
Tôi thấy 25p học có vẻ là hơi ít (vì chưa kịp tập trung đã hết giờ), nhất là với tổng thời lượng học không quá nhiều như đã kể trên. Với bất kỳ ai có ý định học dài hơi hơn thì phương pháp truyền thống là khá hợp lý. Tôi từng theo dõi một kênh youtube về pp học này (bạn tự search ra cũng nhiều lắm) – người ta học gần như cả ngày đến tận 12 – 16 phiên và áp dụng mỗi 25p một lần là tối ưu.
Về hiệu quả tôi nghĩ là có, vì trong khoảng thời gian ngắn đó bạn có thể tập trung làm việc mà không bị khớp quá. Cứ nghĩ chỉ học 30 hay 45p sẽ được nghỉ thì sẽ yên tâm hơn, ít ra vẫn hơn việc ngồi vào bàn từ 7h sáng và xác định học liên tục đến 11h.
Điều lưu ý của phương pháp này mà ít ai đề cập đến chính là thời gian giữa các khoảng nghỉ chúng ta sẽ làm gì. Lời khuyên là tuyệt đối tránh xa điện thoại, sách báo, hay các nguồn phân tâm. Lý do bởi đó không phải là những hoạt động giải trí làm thư giãn đầu óc. Bộ não của bạn chỉ đơn thuần là hướng sự tập trung từ việc học sang sự tập trung vào điện thoại hay là trang sách, điều này sẽ khiến bạn mau chóng kiệt sức ở các phiên học tiếp theo. Đặc biệt nếu bạn học các môn cần độ thẩm thấu cao như ngoại ngữ, não thực sự cần được giải lao.
Ở các khoảng nghỉ ngắn, tôi chỉ đi uống nước, lên xuống cầu thang, vận động một tí để lưu thông khí huyết – đồng thời hướng tầm mắt xa nhất có thể. Vì khi học tầm nhìn của ta bị hạn chế trong các trang sách, vở – nếu lúc thư giãn bạn tiếp tục hướng nó cận đến chiếc điện thoại, não sẽ sản sinh thêm adrenaline kích thích sự tập trung và có thể gây ức chế. Vì thế mà việc hướng tầm nhìn ra xa hơn, có thể ngắm trời trăng mây gió, để bộ não được thực sự thư giãn cho các phiên học kế tiếp.
Lời kết: Đây là tip cải thiện quá trình học tập, không phải là tip để bạn có thêm động lực học. Việc quan trọng nhất không phải là bạn set thời gian bao lâu mà là việc bạn có ngồi vào bàn hay không. Thường thì rào cản lớn nhất nằm ở điểm bắt đầu, qua được ngưỡng đó bạn có thể sẽ thấy đỡ có chướng ngại hơn.
Trước giờ học ít nhất 30p nên set time và vứt điện thoại sang hẳn một bên, nó là nguồn cơn gây trì hoãn ghê gớm mà tôi không ít lần trả giá. Thêm nữa, việc tập trung sớm vào điện thoại trước giờ học có thể làm giảm chất lượng tập trung ngay sau đó.
Dù sao, hãy tập cho mình sự tự giác ngồi vào bàn học bất kể có hứng hay là không. Khi mà bạn bắt đầu được rồi thì trở ngại đó không có khó nữa, quan trọng là bạn chịu học – chứ không phải thời gian sao cho hợp lý – Chia sẻ từ một con người thường xuyên trì hoãn.