“Someret Maugham từng viết rằng trong mỗi lần cạo râu đều có một triết lý” – Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, Hakuri Murakami.
Mỗi hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần, lúc nào đấy nó cũng sẽ trở thành một hình thức thiền định. “Cạo râu” nhìn chung là một hành động có ý thức, khi người đàn ông chú tâm hoàn toàn từ động tác tay của mình đến cảm nhận của làn da trên mặt. Sự chú tâm đấy đôi khi đem lại cảm giác “trống rỗng”, không phải cảm giác tiêu cực nhé, chỉ là cảm thấy không có gì để lo lắng, suy nghĩ trong khoảnh khắc đó mà thôi.
Cái quan niệm rằng chơi thể thao, hay chạy bộ chỉ là một hình thức rèn luyện thể chất đơn thuần; tôi nghĩ những người mang quan điểm ấy là những kẻ thực chất ít vận động. Nhiều người xung quanh chúng ta không đánh giá cao các hoạt động thể xác, là sinh vật tự cho mình lý trí, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến những thứ thuộc về não bộ, trí thông minh. Chúng ta còn tự đặt cho mình cái tên gọi không mấy khiêm tốn – Người tinh khôn. Số người còn lấy lý do không muốn trở nên “To con, rẻ tiền” chỉ để biện minh cho sự lười biếng vận động của mình (tôi cũng từng như vậy).
Chạy bộ, nhìn chung, là một hành động mang tính lặp đi lặp lại liên tục và không có gì thú vị. Một kiểu cử động thân thể, một kiểu bước chạy cứ như thế lặp lại cả tiếng đồng hồ. Nên so với các môn thể thao khác, nó cũng có phần kém hấp dẫn hơn trong mắt nhiều người. Thề là xưa tôi cũng từng chạy, và thứ duy nhất tôi thấy hấp dẫn là bộ môn này không hấp dẫn như mình nghĩ, mệt bỏ xừ chứ không đùa. Giờ thì khác, giờ tôi thấy hơi nghiện haha.
Một hình thức thiền định – như đã đề cập ở trên, tôi không nghĩ nhiều khi chạy bộ cho lắm. Thật ra, cũng không có gì để nghĩ nhiều, tôi mãi bận chú tâm đến từng hơi thở của mình, những cơn đau mà hai bên đùi đang mang lại. Cơ bản là tôi chạy, trong một thứ cảm xúc ảm đạm, không vui cũng không sầu. Đôi lúc có vài suy nghĩ vụt qua trong đầu, dĩ nhiên rồi – chúng ta làm sao ngăn được những ý niệm ấy, đón nhận và nhanh chóng để nó trôi đi mà tôi không có chút băn khoăn gì nữa. Người ta tìm tới thiền định, phần vì mong muốn tìm thấy sự tĩnh lặng nội tại, để người ta rèn giũa cái sức khỏe tinh thần.
Với tôi thì việc chỉ ngồi yên 1 chỗ và không cho những ý niệm liên tục xen vào quả thật khó khăn, vì thế mà chạy bộ giúp tôi tiến tới đó dễ dàng hơn (hoặc đó là tôi đang mù mờ cảm nhận được). Không dễ để diễn giải ra thành lời, chỉ khi một người thực sự bắt tay, à không, bắt chân vào việc chạy bộ đường dài thì mới có thể cảm nhận cảm giác ấy.
Tâm trí chúng ta được ví như mặt sông, hồ, biển gì đấy; lúc gợn sóng, lúc ồ ạt cũng có lúc lặng yên như tờ. Năng suất, sự sáng tạo thuần túy không suất hiện trong mớ bồng bông tạp niệm nhảy ra hằng ngày – mà nó xảy ra, khi tâm bình lặng. Nhiều người có đóng góp vĩ đại cho nhân loại cũng đều chọn làm việc 1 mình ở vùng nông thôn, hay chí ít là tự giam mình trong phòng riêng khi làm việc. Chạy bộ cũng vì thế mà đem lại nhiều ý niệm cho cá nhân người chạy. Chúng ta là con người, sinh vật cộng đồng, phải sống cùng với nhau chứ không thể sống 1 mình; nhưng đôi khi điều đó bóp chết đi cái không gian riêng tư mà ai cũng cần có. Chạy bộ bên ngoài, xe cộ ồ ạt, hóa ra lại là cách mà chúng ta có khoảng riêng tư cho bản thân. Chạy 1 mình, không phải trò chuyện cùng ai, không chào hỏi ai, không muộn phiền ai – chỉ có mình và cái bóng trải dài dưới chân trong những ngày trời nắng. Và được ở một mình, như là hình thức tự phục hồi tinh thần vậy. Chạy đến một ngưỡng nhất định khi mà tim mệt, chân đau – là khi ý thức được về cơ thể mình rõ ràng hơn hết, như thể ta đang lắng nghe “tiếng gào thét từ những thớ cơ của mình”, cóp văn chương vậy thôi chứ tôi chả nghe được gì ha ha.
Một ý niệm khác mà tôi nhận ra từ việc chạy là về cái nhu cầu mãnh liệt được người khác công nhận, nể phục, trầm trồ – đây là thứ ham muốn rất cơ bản, chúng ta không ai không hứng thú với điều ấy. Chạy bộ nhiều tuần liên tục giúp tôi nhận rằng sự cố gắng của chúng ta thực ra không mấy ai buồn quan tâm. Tôi chạy đường dài, đôi lúc thấy tự hào vì hì hục liên tù tì qua từng con cầu cao vót; bên trong sinh ra nhiều ý niệm rằng những cái mình làm những người chạy xung quanh ít ai làm theo được – mình đáng ra phải được công nhận. Thực ra thì, khi chạy như thế, chúng ta bắt gặp nhiều người, sau đó không gặp lại nữa; họ không biết thành tích của mình, và tôi không thể vừa chạy vừa khoe tôi đã chạy 8km được. Phần lớn đều là những suy nghĩ tự tôi làm hại mình thôi. Rồi tôi cũng nhận ra không ai quan tâm cả, chỉ có mình đối đãi với mình. Và mình chạy, chỉ cho mình; một thằng như tôi, cũng gọi là thích hơn thua thế nên nhiều khi thấy người khác chạy vượt qua mình là tôi bị giục. Sau 1 2 ngày phải trả giá vì tăng tốc độ để vượt người khác, tôi không hoàn thành đúng chỉ tiêu ban đầu đề ra nữa. Tôi nghĩ chạy bộ và việc sống ở đời cũng có điểm tương đồng, những gì chúng ta cố gắng thì không ai thấy cả – và chúng ta chỉ nên chạy đua với bản thân của mình, chứ không phải người khác. Dần thì tôi cũng bỏ hẳn những cái ganh đua nhỏ nhặt đó, cũng có người vượt lên, lúc đó thử thách của tôi không còn phải vượt người ta nữa; mà là cố gắng giữ được tốc độ và nhịp thở của mình ổn định để không bị tâm thúc giục mà tôi từng thấy nữa. Thử thách sau này có vẻ khó hơn đôi chút.
Tôi chưa trải nhiều nhưng tôi biết cuộc đời sẽ còn lắm tà ma ngăn chặn mình, phàm là con người, ai cũng có đôi lúc áp lực đến muốn trốn đời. Và tôi nhiều khi cũng đưa mình vào mode tự hủy bởi suy nghĩ tiêu cực của bản thân. Phần đông chúng ta tìm đến bia, rượu để giải tỏa đi cái bế tắc mình gặp phải, quên hết sự đời. Tôi để ý trong những cuộc nhậu của mình, mọi câu chuyện bỗng vui đến kỳ lạ, do men là một phần, tôi nghĩ là khi uống mê man vào tôi chẳng còn nghĩ gì về những mối lo nữa, sự tập trung tăng cao, tôi nhìn chằm chằm vào cốc bia, dĩa mồi, điếu thuốc trên môi thằng bằng hữu,… giống như thể chánh niệm vậy. Lúc đó thực sự thấy phê ơi là phê. Hèn gì nhiều chú bác ra đời bươn chải áp lực quá toàn tìm đến rượu bia thuốc lá thôi. Cơ mà nó là cái trốn chạy tạm thời, vấn đề vẫn còn đó, và mối họa về sức khỏe theo sau đó vẫn đang tiềm tàn. Có thể thông cảm được, thời xưa sách vở, kiến thức chưa nhiều, nên lứa người lớn đi trước họ thiếu đi kỹ năng tự phục hồi. Bây giờ thì đến những người trẻ (những con người dễ dàng thu thập hàng tá kiến thức xịn) lại vẫn tìm đến cái thú chơi hư người này dù cho áp lực cuộc sống thậm chí còn chưa đến. Thất tình tí: nhậu, down mood tí: nhậu, high mood tí: nhậu. Cũng khá chật vật tôi mới thay thế những thú vui đó bằng việc chạy bộ và tập luyện.
Chạy bộ, cũng lại đem đến cái cảm giác tương tự. Chạy, chạy để trốn đời, chạy khỏi mớ rác rưởi mình vừa nhận. Chạy ra khỏi đó, đón nhận cảm giác bình yên từ cơn đau thể xác đem lại. Dù cũng chỉ là chạy thôi, trốn đời, vấn đề vẫn còn đó – nhưng lại lành mạnh hơn, niềm vui từ sự vận động nhẹ nhàng vi tế hơn nữa. Mọi hình thức sáng tạo thuần túy lại đều bắt nguồn từ một “tâm trí tĩnh lặng”, nơi không có rác rưỡi, không bị phân tâm, chỉ có những ý niệm sâu sắc – Nhiều lúc chạy xong, trên đường về tôi lại tìm ra được những giải pháp mà trước đó mất cả buổi vẫn không nghĩ ra.
Cái lợi của chạy bộ, cũng có phần không rõ ràng, nhưng nó ngấm ngầm trong tâm trí và thể xác người chạy. Chạy đủ lâu, đủ đều đặn – giống như hành thiền hằng ngày – thì tinh thần ta ngày càng nhẹ nhàng hơn (chí ít tôi thấy vậy). Chạy không vì thành tích, chạy không vì thời gian, không vì sự công nhận, không vì mưu cầu sức khỏe (dù mưu cầu là đúng) – chạy chỉ vì chạy mà thôi, như bông hoa nở nào cần lý do?
Chỉ cứ chạy vì ham thích được chạy, rồi chờ xem cái gì đến để ta vươn tay đón nhận.
À quên nữa, trong lúc chạy, hoàn toàn có thể luyện tập những tips nhỏ hay ho. Murakami từng tập diễn thuyết trước đám đông khi chạy bộ 2 30 dặm liên tục; ông biểu cảm, nhăn nhó; ông sắp xếp lại từ ngữ trong đầu – vừa tiết kiệm thời gian tập, ông vừa hạn chế nghĩ tới cơn đau thể xác. Nói chứ, được cảm nhận nhưng cơn đau, là còn có cảm giác được sống, chạy về thấy trong người phê hẳn. Tôi hay tập nhìn về điểm xa nhất trong tầm mắt của mình khi chạy bộ, không liếc trái liếc phải, không tia gái tia gú he he – cốt để luyện cho mình cái ánh mắt nhìn sâu vào người khác, và để đôi mắt có thần hơn!
Recommend mọi người phim Forrest Gump – cá nhân tôi thấy phim làm đơn giản, hơi hướng tích cực, có chạy bộ ở trỏng hề hề. Nhìn chung là đáng coi, tôi thấy không phí thời gian tí nào. Một trích rất hay trong phim:
“My mom always said life was like a box of chocolates. You never know what you’re gonna get.”
P/s: Bài này bàn về chạy bộ. Feng nào chạy liên tục 10km không nghĩ sẽ thấy những cảm giác rất vi tế mà ngôn từ tôi cho là không diễn tả hết được. Hoặc là do vốn từ tôi nghèo nàn. Hết :))