Một trong hai tác nhân chính ảnh hưởng đến giấc ngủ con người chúng ta chính là “Áp lực ngủ” (tác nhân đầu tiên là nhịp sinh học 24h – nếu muốn sẽ biên bài cho nó). Tại thời điểm này, cơ thể sản sinh ra một chất có tên gọi là adenosine – với chức năng gây buồn ngủ cho khổ chủ theo thời gian dần trôi trong ngày. Adenosine được sản sinh xuyên suốt một ngày và tích tụ dần cho đến khi ngủ. Bạn thức càng lâu, thì lượng adenosine tích tụ trong cơ thể càng lớn; dẫn đến việc bạn không thể nào tỉnh táo nổi và chỉ muốn đi ngủ ngay mà thôi – quá trình được gọi là Áp lực ngủ.
Adenosine – như đã nói, có xu hướng tích tụ theo thời gian trong ngày. Sáng sớm sau khi trải qua một giấc ngủ ngon là thời điểm mà adenosine đang ở mức thấp, cứ qua một tiếng thì adenosine lại nhiều thêm và tích tụ sẵn trong cơ thể. Và cứ thế tích tụ đến cuối ngày. Bản thân adenosine chỉ thực sự được giải phóng khi cơ thể chúng ta được nghỉ ngơi hoàn toàn – tức là trạng thái ngủ sâu chứ không phải là nghỉ ngơi nằm chơi xơi nước. Chất lượng giấc ngủ kém dẫn đến việc adenosine không được release hết, đó là lý do khiến cho chúng ta đôi khi đã ngủ vẫn thức dậy với tình trạng uể oải và muốn ngủ thêm – vì adnosine lúc đó vẫn còn và bạn chỉ có thể giải thoát cho nó bằng cách đi ngủ lại. Vấn đề là, nếu thời gian không cho phép bạn lăn ngược vào giường – vì bạn có công việc phải lo, giờ nếu ngủ thì ai thay mình đi kiếm cơm nữa?
Đây là lúc bạn tìm đến caffein. Caffein không cần giới thiệu, cũng biết nó xuất hiện một lượng lớn từ những tách Cà phê. Một cái nhìn sơ lược qua caffein nhé, đây là một chất kích thích gây nghiện hợp pháp tính đến thời điểm này. Bên cạnh rượu, caffein luôn nằm top đầu trong biểu đồ tiêu thụ trên toàn thế giới. Một số thông tin còn chỉ ra, caffein trên thực tế còn nằm trong các loại socola đen, kem, các loại thuốc giảm đau,… khiến cho nhiều người có xu hướng tiêu thụ những sản phẩm này thường xuyên rơi vào chu kỳ rối loạn giấc ngủ – và người ta đánh đồng nó với triệu chứng mất ngủ thông thường (một bệnh lý cơ thể). Là chất gây nghiện hợp pháp duy nhất mà được cả thế giới chấp nhận, thậm chí được đến tay sử dụng của trẻ em. Caffein từng được đưa vào nghiên cứu tác động của nó trên loài nhện, nhằm so sánh với các loại gây nghiện khác như cần sa, ma túy,… Kết quả cho thấy, những con nhện gặp khó khăn trong việc bện được những mạng nhện đúng theo hình dáng vốn chuẩn – và riêng mạng nhện được con nhện tiêu thụ caffein lại có hình dáng hỗn loạn hơn cả các chất gây nghiện khác. Bạn có thể research để xem hình ảnh cụ thể.
Caffein lưu truyền trong máu, thực sự đánh bại adenosine bằng cách bám quyền ở các tế báo và thụ thể mà adenosine vẫn hay lui tới. Làm cho chất này mất tác dụng trong việc gây buồn ngủ cho cơ thể, đó chính là lý do tại sao caffein lại làm chúng ta tỉnh táo đến như vậy. Vấn đề ở đây là, caffein ngăn chặn adenosine tìm đến các thụ thể nhưng bản thân adenosine vẫn cứ thế tích tụ dần mà không mất đi. Càng lúc càng nhiều hơn, điều này dẫn đến việc sau thời gian đào thải hết caffein trong cơ thể, thì đó là lúc bên trong chúng ta mãnh liệt một cơn buồn ngủ không thể cưỡng lại. Lúc này lượng adenosine đã tích tụ quá nhiều.
Caffein đạt đỉnh từ sau 30p kể từ cơ thể ta tiêu thụ. Trong giới y học có một thuật ngữ là “Thời gian bán hủy” – chỉ ra số giờ cần thiết để cơ thể đào thải 50% lượng thuốc vừa nạp vào. Thời gian bán hủy của một tách cà phê là 5 đến 7 tiếng đồng hồ. Tức là chúng ta cần đến hơn 10 tiếng mới có thể đạt đến trạng thái sạch sẽ caffein ở trong máu. Caffein được đào thải ra bên ngoài nhờ một loại enzym có trong gan của chúng ta. Có những người, gan của họ có khả năng đào thải với tốc độ rất nhanh. Những người hiếm hoi này có thể uống 1 ly đen đá không đường sau bữa tối và vẫn có thể ngủ ngon vào nửa đêm. Những người khác, với năng suất của gan thấp hơn, thức dậy với trạng thái uể oải không tài nào nghỉ được dù họ đã uống cafe cách đó tận 10 tiếng. Tốc độ xử lý của gan cũng thay đổi dần theo tuổi tác, do đó những người già thường rất mẫn cảm với caffein vì nó trực tiếp ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của họ. Khi mà caffein được phân hủy xong xuôi là lúc cơ thể bạn bị adenosine xâm chiếm lấy. Với những người lỡ mất ngủ vì một ly cà phê muộn hoặc vì phải làm đêm, thì đây là ác mộng cho họ. Khi lượng adenosine được dồn nén từ hôm qua phát ra và họ lại phải đến công ty, thì cách duy nhất tiếp tục giúp họ không ngủ gục trên bàn làm việc chính là nạp thêm caffein vào cơ thể mình. Đồng thời bắt đầu một chu kỳ mới phụ thuộc vào chất kích thích được hợp lý hóa trên toàn thế giới.