Chào bạn! Mừng bạn trở lại với Blog của tôi, một trang đăng tải những chia sẻ và tản mạn của tôi về tài chính cá nhân và phần còn lại trong cuộc sống. Và nội dung hôm nay vẫn là một chủ đề không hề mới – tài chính – với hy vọng có thể để lại cho bạn những luồng tư duy tài chính cốt lõi nhất trong lộ trình của mình. Hôm nay tôi sẽ nói tiếp về dòng tiền – một trong những trụ cột quan trọng nhất trên lộ trình tài chính cá nhân (đối với bản thân tôi).
Đương nhiên tôi không đủ sức để thuyết phục bạn là phải làm theo tôi ở bất kỳ nội dung nào cả. Những thứ tôi chia sẻ cũng không phải là chân lý, bạn hãy đọc và xem nó là một quan điểm. Tuy nhiên, hy vọng những bài viết này sẽ giúp bạn nhìn ra được 2 yếu tố xương tuỷ của tài chính cá nhân.
1 – tài chính là thứ bạn phải đối mặt trong suốt quãng đời của mình. Đừng e sợ và trốn tránh nó. Giống như tất cả những nỗi sợ khác trong cuộc đời. Một nỗi sợ bị giấu đi thì nó luôn nằm ở đó, trong vô thức của bạn dù bạn có giấu kỹ đến đâu đi nữa. Cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ là lôi nó ra và đối mặt với nó mỗi ngày. Hãy đào bới tất cả những vấn đề tài chính và sự nghiệp ra mỗi ngày, làm quen với việc tìm giải pháp cho vấn đề. Đừng bao giờ có tư duy là chưa đến lúc, nó phà sau gáy bạn đến nơi rồi đấy
2 – tài chính rất đơn giản. Nó không chỉ là một bộ môn dành cho các chuyên gia kinh tế và tài chính. Vì không phải chỉ có chuyên gia tài chính mới cần tiền để tồn tại và phát triển. Tài chính cá nhân bao gồm 3 trụ cột chính: kiếm tiền, quản lý tiền và đầu tư tạo tài sản. Đối với chuyên gia tài chính, kiếm tiền và quản lý tiền là 2 trụ cột có điểm chung về chuyên môn. Đừng nhầm lẫn, dù bạn có chuyên môn là gì đi nữa, quản lý tiền và đầu tư vẫn là thứ gắn liền với cuộc sống của bạn – nếu bạn muốn có một cuộc sống thịnh vượng.
Sẵn tiện nếu bạn nào chưa đọc bài viết trước của tôi “Bạn đang ở đâu trên lộ trình tự do tài chính?”, thì bạn hãy quay lại đó đọc trước rồi hẵn sang đây, nhé!
*Hãy đưa mọi thứ về với sự đơn giản nhất!
Trước hết, chúng ta sẽ đi tìm cốt lõi của vấn đề. Lý do vì đâu mà vấn đề tài chính lại xa rời với bạn như hiện tại.
Người Việt chúng ta thường có 2 trạng thái khi nói đến tài chính. Một bên là đề cao sự phóng khoáng và xem nhẹ đồng tiền, bên còn lại xem tiền bạc là chuyện tế nhị và tránh đề cập trong các mối quan hệ xã hội. Thậm chí sự rạch ròi kiểm soát chi tiêu còn có thể bị xem là thực dụng. Những lý do trên khiến cho tầm quan trọng của tài chính cá nhân bị hiểu sai và người trẻ thì ngại nhắc đến tiền bạc từ quá sớm.
Nếu không phải là một sinh viên kinh tế hay tài chính thì có lẽ thứ tài chính mà bạn tiếp xúc hầu hết là tài chính kinh tế vĩ mô qua bản tin thời sự, hay gần đây là xu hướng đầu cơ crypto, chứng khoán, forex, hay thậm chí là B.O đa cấp,…. Thật khó để hình dung làm sao để bạn có được một tư duy tài chính không sai lệch.
*Đi vào nội dung chính ngày hôm nay!
Ở bài trước, tôi có nhắc đến 2 khái niệm dòng tiền và tài sản. Tôi cũng liên tục nhắc đi nhắc lại về tầm quan trọng của dòng tiền trong cuộc sống của bạn. Và một câu tôi cũng sẽ hay nhắc đi nhắc lại, Dù là Quốc gia, Doanh nghiệp hay là cá nhân bạn, động lực về tài chính cốt lõi cũng chả khác nhau là mấy đâu.
Dòng tiền hiểu đơn giản thì nó là sự dịch chuyển ra vào của tiền (thu nhập và chi tiêu của bạn). Quản lý tài chính cốt lõi là việc quản lý dòng tiền hiệu quả.
Để một Doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô, một cá nhân/ quốc gia phát triển thì ngoài việc có được dòng tiền để tồn tại, bạn phải tạo ra dòng tiền thặng dư để đạt được những mục tiêu đó.
Bạn phải hình dung là một người có thu nhập cao chưa chắc dòng tiền đã Dương và người duy trì dòng tiền âm thì tương lai chắc chắn sẽ bất định.
Dòng tiền dương sẽ là keyword đầu tiên!
Vậy làm thế nào để dòng tiền thặng dư Dương?
Dòng tiền thặng dư Dương sẽ được tạo ra khi thu nhập lớn hơn chi tiêu. Và để tạo ra được điều này, tăng thu và giảm chi sẽ là công thức nằm lòng của bạn.
Chúng ta cùng đi từ dễ tới khó, đầu tiên là giảm chi!
Chi tiêu hiệu quả không phải là một điều dễ dàng với bất cứ cá nhân nào. Chi tiêu như thế nào mới hiệu quả? Và khắc phục như thế nào với những khoản chi đã lỡ không hiệu quả?
Hãy tập trung vào mục tiêu của bạn!
Dù là bất cứ một hành động hay chiến lược nào, sẽ không bao giờ có một hành động hợp lý và hiệu quả nếu bạn không biết mục tiêu của hành động.
Hãy viết ra những mục tiêu lớn cho riêng mình theo từng khoản thời gian (tối ưu đối với tôi là mục tiêu 1 tới 3 năm tới), mind-map mục tiêu thành những mục tiêu nhỏ hơn với kế hoạch cụ thể (bạn cần học gì? làm gì? gặp gỡ ai? trong bao lâu để đạt được target?) và chia nhỏ khoảng thời gian ra (thành từng quý, tháng, tuần, ngày,…).
Khi đã có kế hoạch cụ thể cho những mục tiêu của bạn, giờ thì hãy đặc biệt lưu ý, đây là lúc bạn đưa sự kỷ luật từ khắc kỷ vào trong lộ trình của mình. Tất cả những to-do-list và khoản chi tiêu của bạn đều phải nhằm mục tiêu duy trì và phát triển những mục tiêu lớn của bạn. Nghĩa là, không có khoản chi nào là vô lý nữa.
Để có thể kiểm soát điều này, đơn giản bạn chỉ cần note lại tất cả những khoản chi của mình trong một ngày và xếp nó vào 3 cột: một là những khoản chi thiết yếu (những khoản mà không có thì bạn sẽ không thể sống nổi), 2 là những khoản chi tiêu chuẩn (phục vụ cho những mục tiêu lớn của bạn), và 3 là những khoản hoang phí. Đương nhiên là bạn sẽ không thể nào biết được mình hoang phí trong lúc chi tiền, cho nên việc note lại ghi nhận sau là một điều vô cùng cần thiết.
Việc còn lại chỉ là đều đặn theo dõi và tối ưu những khoản chi của bạn (bằng cách rà soát những khoản tiêu chuẩn và thiết yếu, đồng thời loại bỏ đi những khoản mà bạn cho là hoang phí). Tôi nhắc lại là tối ưu! Chứ không phải là tối thiểu nhé. Tôi không bao giờ khuyến khích bạn vì đạt được mục tiêu mà phải chi tiêu kham khổ và dè sẻn, điều đó đi ngược lại với mục đích tối ưu cuộc sống và thịnh vượng tài chính. Và cũng đi ngược với khắc kỷ nữa. Bởi vì ngoài giảm chi tiêu, phương pháp còn lại mới là thứ tôi khuyến khích bạn tập trung thực hiện, Tăng thu!
Tăng thu nhập bắt đầu từ đâu?
Nếu như ở việc giảm chi, bạn chỉ cần xác định được mục tiêu để chi tiêu một cách hợp lý. Thì đối với tăng thu, cái bạn cần nắm rõ còn là nguồn lực của bản thân bạn. Ai cũng biết tăng thu nhập không phải là một điều dễ dàng với một nguồn lực (quỹ thời gian, sức khoẻ và năng lực) hạn chế. Tuy nhiên, đó là khi bạn chưa chịu thay đổi góc nhìn của mình.
Hầu như ai cũng muốn mình có thật nhiều tài sản và một cuộc sống thịnh vượng nhưng hầu hết lại đang không đi đúng con đường mà những người thịnh vượng tài chính thực hiện. Bạn có biết điểm chung của họ là gì không? Không phải crypto, không phải chứng khoán, không phải bất động sản hay bất kỳ tài sản tài chính nào cả. Thứ tài sản mà họ không ngừng nắm giữ và tích luỹ trong suốt sự nghiệp của mình từ ngày đầu khởi nghiệp, thứ tài sản giúp họ có được nguồn lợi nhuận khổng lồ và giàu có như hiện nay, thứ mà có thể bạn cũng chưa hiểu thấu tầm quan trọng và sức mạnh to lớn của nó, Tài sản vô hình!
Tài sản vô hình là gì?
Tài sản vô hình bao gồm 3 yếu tố chính: Năng lực, mối quan hệ và nhân hiệu.
Nếu bạn có từng nghe về tháp tài sản thì tài sản vô hình chính là lớp tài sản đầu tiên và rộng nhất bạn cần phải có trong danh mục.
Bạn có thể hình dung tài sản vô hình này chính là giá trị của bạn. Với tất cả những mục tiêu mà bạn muốn đạt được, bạn cần phải có tài sản vô hình tương xứng. Tôi đã từng nhắc đến điều này trong bài viết “tại sao tôi lại không thể đạt được những thứ mình mong muốn?”. Giá trị mà bạn được xã hội công nhận chính xác là giá trị mà bạn mang lại cho xã hội này. Nói cách khác, tất cả chúng ta có mối quan hệ cộng sinh với nhau. Dù cho bạn có muốn công nhận hay không, thì chúng ta kết nối với nhau luôn bởi vì ít nhất một lợi ích nào đó. Và nếu lợi ích đó sẽ là thứ mà bạn mong muốn đạt được. Bạn cần phải phát triển chuyên môn và kỹ năng để giá trị bạn tạo ra tương xứng với lợi ích đó.
Bên cạnh việc phát triển năng lực, yếu tố thứ 2 bạn phải trau dồi chính là mối quan hệ. Kết nối mình với những mối quan hệ chất lượng và cả kết nối những mối quan hệ chất lượng với nhau. Bạn sẽ trở thành một con người trao đi nhiều giá trị. Và đến một thời điểm nhất định, bạn sẽ nhận ra, những mối quan hệ chất lượng đó sẽ giúp bạn giải quyết hầu như mọi vấn đề (không chỉ là về tài chính), hơn thế nữa là những cơ hội bạn không ngờ tới.
Nhân hiệu là thuật ngữ thứ ba và cuối cùng trong tài sản vô hình tôi muốn đề cập đến. Giá trị và uy tín sẽ tạo nên một nhân hiệu vững chắc. Không ngừng trao đi giá trị đối với người khác. Và một điều cực kỳ quan trọng: Đặt uy tín về thời gian và tiền bạc lên hàng đầu. Niềm tin từ những người xung quanh sẽ tìm tới bạn, tạo nên một nhân hiệu tốt đẹp. Và bạn cứ tin tôi ở khía cạnh này, chỉ cần xác định mục tiêu, nguồn lực mà bạn hiện có, sau đó lên một lộ trình phát triển tài sản vô hình tương xứng với mục tiêu mà bạn mong muốn, bạn sẽ đạt được mọi thứ mà bạn mong muốn.
Dù bạn có hình dung câu chuyện tài chính (xây dựng thu nhập và phát triển tài sản) theo bất kỳ một hướng nào khác, xây dựng tài sản vẫn là câu chuyện của sự tích lũy: dù là tài sản vô hình hay hữu hình đi nữa thì duy trì mỗi ngày là điều tất yếu mà bạn cần phải thực hiện.
Và cuối cùng, tài chính cá nhân của mỗi người không phải bài học trong sách vở. Đó là cả một hành trình trải nghiệm thực tế, là thành công và cả sai lầm trong một thời gian nhất định. Và đó là tất cả những gì tôi muốn chia sẻ với các bạn về dòng tiền, và đặc biệt là tài sản vô hình, những nền móng, trụ cột quan trọng trong cuộc đời tài chính của bạn. Hy vọng nội dung này sẽ hữu ích với bạn. Hẹn gặp bạn ở những nội dung tiếp theo.