Erik Erikson là nhà phân tâm học xây dựng nên học thuyết “khủng hoảng danh tính”. Ông đã phát hiện ra rằng con người thường trải qua 8 giai đoạn trong cuộc đời.
Ông sinh năm 1902 tại Đức, tuy cha mẹ là người Đan Mạch nhưng ông được nuôi dưỡng bởi người cha dượng là người Do Thái. Erikson lớn lên với một nền giáo dục khác hoàn toàn với bạn bè cùng trang lứa.
Năm 1927, nhà phân tâm học Anna Freud (con gái út của Sigmund Freud) mời Erikson đến giảng dạy tại một trường tư ở Vienna.
Erikson bắt đầu hành trình dạy về phân tâm học và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quan điểm của Freud về tác động của sự nuôi dưỡng thời thơ ấu đến tính cách và sự phát triển của con người. Và ông đưa ra lập luận như sau:
“Mỗi người trưởng thành, dù là người tuân theo hay là người dẫn dắt, dù là thành viên trong một đám đông hay thuộc tầng lớp ưu tú, đều từng là một đứa trẻ. Họ đều từng nhỏ bé. Cảm giác về sự nhỏ bé này hình thành một nền tảng không thể xoá bỏ trong tâm trí họ. Những thành công của họ sẽ được đo lường dựa trên sự nhỏ bé này; còn những thất bại của họ sẽ củng cố nó.”
Nhưng ông cảm thấy rằng các lý thuyết của Sigmund Freud về thời thơ ấu quá nhấn mạnh vai trò của tính hướng trong sự phát triển của con người. Erikson tin rằng các yếu tố xã hội và văn hoá đóng vai trò quan trọng hơn trong cách chúng ta phát triển với tư cách là một con người.
Vì vậy, ông mở rộng nghiên cứu về lý thuyết của Freud và tập trung vào việc hiểu sự tương tác giữa:
– Bản chất sinh học của một người
– Đặc điểm tâm lý cá nhân
– Giáo dục văn hóa và xã hội
Erikson đã nghiên cứu và phỏng vấn trẻ em đến từ các nền văn hóa và xã hội khác nhau. Và ông phát hiện ra rằng những đặc điểm tính cách của con người được bộc lộ qua 8 giai đoạn.
Khi trải qua mỗi giai đoạn, chúng ta sẽ trải qua những thách thức và trở ngại nhất định. Nếu chúng ta giải quyết những thách thức này một cách tích cực: Chúng ta sẽ phát triển. Nhưng nếu không, chúng ta trì trệ.
🌱 8 giai đoạn phát triển
Lý thuyết về sự phát triển tâm lý xã hội của Erikson là một trong những lý thuyết về tính cách được công nhận nhất trong tâm lý học. Erikson cho rằng tính cách của một cá nhân phát triển suốt cuộc đời, và sự phát triển này diễn ra theo chuỗi 8 giai đoạn.
Mỗi giai đoạn thể hiện một xung đột hoặc khủng hoảng mà con người phải giải quyết để phát triển lành mạnh.
– Tin vưởng và Hoài nghi (0-2 tuổi): Vì một đứa trẻ sơ sinh là đối tượng cực kỳ phụ thuộc người khác nên sự tin tưởng được hình thành ở đây sẽ dựa vào mức độ đáng tin và phẩm chất của người chăm sóc. Trong giai đoạn phát triển này, đứa trẻ sẽ cực kỳ phụ thuộc vào người chăm sóc trong tất cả mọi phương diện mà nó cần để sinh tồn, bao gồm thức ăn, tình yêu thương, hơi ấm, sự an toàn và chăm sóc nuôi dưỡng. Nếu trẻ xây dựng niềm tin thành công, nó sẽ bắt đầu cảm thấy an toàn và yên tâm trong thế giới của mình.
– Tự chủ, Tủi hổ và Nghi ngờ (2-4 tuổi): Ở giai đoạn này, trẻ mới bắt đầu có được một chút cái gọi là độc lập tự chủ. Nếu được khuyến khích và được hỗ trợ, trẻ sẽ trở nên tự tin và an tâm hơn rằng trẻ có thể hành xử có suy tính, biết suy nghĩ và có giới hạn.
Hãy tưởng tượng một đứa trẻ đang học cách mặc quần áo. Nếu được cha mẹ khích lệ, trẻ sẽ phát triển ý thức tự chủ và tự tin vào khả năng xử lý công việc của mình. Nhưng nếu đứa trẻ cảm thấy bị chỉ trích hoặc bị chế nhạo quá mức, chúng có thể cảm thấy xấu hổ.
– Chủ động và Cảm giác tội lỗi (4-5 tuổi): Trẻ bắt đầu khẳng định sức mạnh và sự kiểm soát thế giới qua hoạt động đóng kịch và các hoạt động tương tác xã hội khác.
Ví dụ, một trẻ mẫu giáo có thể muốn tổ chức một trò chơi tưởng tượng với bạn bè. Nếu sự sáng tạo của chúng được nuôi dưỡng, chúng sẽ học được cách lãnh đạo và cải thiện khả năng ra quyết định. Nhưng nếu bị coi là phiền toái, chúng có thể cảm thấy tội lỗi vì đã chủ động.
– Siêng năng và Tự ti (6-11 tuổi): Ở đây, Erikson nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phát triển của trẻ về niềm tự hào của mình. Thông thường ở trường, trẻ em từ 6-11 tuổi bắt đầu có cái nhìn cụ thể hơn về thành tích và năng lực của mình.
Ví dụ, một học sinh tiểu học gặp khó khăn với môn toán có thể phát triển năng lực nếu được giáo viên và cha mẹ cổ vũ. Nhưng nếu bị người khác trêu chọc hoặc bỏ mặc, trẻ có thể cảm thấy tự ti và nghi ngờ năng lực của mình.
– Định hình cái tôi và Bối rối về vai trò (12–18 tuổi): Giai đoạn này đóng một vai trò thiết yếu trong sự phát triển cảm nhận về định hình (bản dạng) cái tôi, bản dạng này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hành vi và sự phát triển của toàn bộ cuộc sống sau này. Thông thường, chúng ta đưa ra những lựa chọn về giáo dục lớn nhất ở giai đoạn này: Bạn sẽ theo học trường trung học nào? Bạn sẽ nộp đơn vào trường đại học nào?
Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng, chẳng hạn như khả năng tài chính của gia đình để gửi bạn đến một số trường nhất định. Hoặc nếu cha mẹ bạn ủng hộ con đường học tập nào bạn sẽ theo, thay vì ép buộc theo ý muốn của họ. Ngoài gia đình, những người bạn chơi cùng cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của bạn.
– Gắn bó và Cô lập (19–40 tuổi): Đây có thể là giai đoạn mà nhiều người trong chúng ta hiện đang trải qua. Giai đoạn này thường bao gồm cuộc sống của bạn trong thời gian học đại học, công việc đầu tiên của bạn ngoài trường đại học, nỗ lực đầu tiên của bạn trong việc xây dựng doanh nghiệp, đi du lịch nước ngoài một mình hoặc ngay cả lần đầu tiên đầu tư!
Đối với những người khác, điều này cũng có thể có nghĩa là kết hôn, con cái, làm việc ở công ty, xây nhà, v.v. Rất nhiều người trải qua cái gọi là “khủng hoảng một phần tư cuộc đời” vào thời điểm này. Nhưng khi nhìn vào các giai đoạn khác ở trên, bạn sẽ thấy rằng cuộc khủng hoảng giữa một phần tư cuộc đời của ai đó không chỉ xảy ra trong giai đoạn một phần tư cuộc đời.
Thay vào đó, có thể có những thách thức chưa được giải quyết trong các giai đoạn trước. Điều này dẫn đến sự phát triển cá nhân kém lý tưởng ở hiện tại. Khi bạn hài lòng với công việc, tài chính và cuộc sống cá nhân, bạn thường thấy mình có những mối quan hệ lành mạnh và trọn vẹn hơn. Ngược lại là cảm giác bị cô lập.
– Kiến tạo giá trị và Đình trệ (40–65 tuổi): “Khủng hoảng tuổi trung niên”. Ở giai đoạn này, nhiều người đã thiết lập được sự nghiệp và các mối quan hệ cá nhân. Khi điều đó xảy ra, bước tiếp theo thường là tìm ra hướng đi hoặc mục đích mới.
Điều này dẫn đến hai kết quả: Không biết phải làm gì, nên cuộc sống trở thành vấn đề “bù đắp” cho những thứ nhất định, như lái những chiếc xe sang trọng hay mua những ngôi nhà đắt tiền.
Hoặc tận dụng những hiểu biết tích lũy cả đời để sống một cuộc sống thỏa mãn. Khi vượt qua giai đoạn này một cách tích cực, bạn sẽ tập trung vào việc học và sống nhiều hơn.
– Trọn vẹn và Thất vọng (trên 65 tuổi): Khi nghỉ hưu, người cao tuổi có thể hài lòng suy nghĩ về những thành tựu trong cuộc sống, cảm thấy trọn vẹn (bản ngã chính trực).
Người lớn tuổi cần nhìn lại cuộc sống và cảm thấy thỏa mãn. Thành công ở giai đoạn này dẫn đến sự thông tuệ. Những người nhìn lại với sự tiếc nuối cuối cùng sẽ đổi về cay đắng và tuyệt vọng.
Điều quan trọng cần lưu ý là ngay cả Erikson cũng tin rằng mọi người có thể phải đối mặt với những xung đột trên ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời, không chỉ ở độ tuổi mà ông xác định.
Ngoài ra, việc điều hướng thành công một giai đoạn không có nghĩa là khủng hoảng sẽ không xuất hiện trở lại. Cuối cùng, bạn có thể cần phải giải quyết lại chúng. Nhưng bằng cách hiểu rõ những giai đoạn này, chúng ta có thể điều hướng hành trình cuộc sống của chính mình tốt hơn.
✨ Bạn là những gì còn sót lại trong bạn
Như Erikson đã kết luận: “Tôi là những gì còn sót lại.” Chúng ta được định nghĩa không chỉ bởi con người hiện tại mà còn bởi cách chúng ta quản lý những trải nghiệm trong quá khứ.
8 giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của Erikson cung cấp lộ trình để hiểu được sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của chúng ta trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời.
Từ việc học cách tin tưởng trong những năm đầu đời, tìm kiếm sự gắn bó khi trưởng thành, đến suy ngẫm về những thành tựu của chúng ta khi về già, mỗi giai đoạn đều mang đến những thách thức và cơ hội phát triển riêng.
Với mỗi xung đột được giải quyết, chúng ta định hình bản sắc của mình và để lại dấu ấn trong thế giới xung quanh.