Để nói thế này cho dễ hiểu, bộ não con người có hai phần bao gồm Ý thức và Vô thức. Cả hai tồn tại song song với nhau nhưng chức năng và tầm ảnh hưởng của chúng thì không có cân bằng. Nhiều người lầm tưởng Ý thức mới là thứ quyết định suy nghĩ, hành động, phản ứng nhưng no no no feng à, chúng ta không tỉnh táo đến vậy đâu.
Vô thức là thứ chúng ta khó có thể kết nối được, còn Ý thức thì dễ tiếp cận hơn. Ví dụ, tôi đang gõ chữ lộc cộc, gió từ quạt đằng sau lưng thổi lạnh cả sống lưng – tôi đang ý thức được hành động và cảm giác của mình. Còn Vô thức thì khác, chúng ta nằm mơ thấy gì, chúng nổi nóng mất bình tĩnh ra sao, chúng ta ghen tỵ với ai dù chúng ta không muốn mình là người ganh tị, đấy đấy, Vô thức nó tác động như vậy.
Như một tảng băng nổi giữa đại dương, chỉ có 1 2 phần nổi trên mặt nước có thể thấy được, 8 9 phần còn lại nằm sâu dưới đáy. Ý thức trên thực tế chỉ chiếm 10 20% những hành động của chúng ta, phần lớn thời gian còn lại chúng ta chỉ đang “phản ứng” với cuộc sống của mình – một hình thức Vô thức điều khiển trọn hành vi. Bạn biết đấy, có những người sống rất lành, ăn chay, đi chùa nhiều năm nhưng đụng chuyện họ vẫn mất bình tĩnh và vô cùng khẩu nghiệp.
Nói về Vô thức hay Ý thức rất dài, hạn chế trong post này sẽ không nêu ra hết được. Có dịp tìm hiểu kỹ, chứng nhiều hơn thì tôi sẽ chém thêm. Quay lại với tiêu đề, cách tận dụng Vô thức. Như đã nhắc ở trên kia, chúng ta gặp khó khăn trong việc giao tiếp với phần sâu thẳm mà cũng là phần quyền lực nhất trong tâm hồn mình. Nhưng không hẳn là không có cách, có một vài tips để chúng ta dùng Ý thức của mình để mà có 1 chút tác động đến Vô thức và từ đó thay đổi được bản thân.
Vô thức như một miếng hút, chúng sẽ hấp thụ tất tần tật mọi thứ mà bạn tiếp xúc trong một ngày. Tức là bạn học gì, giải trí gì, gặp biến cố ra sao, bộ não sẽ lưu rất sâu trong Vô thức. Đôi khi bạn nghĩ đã quên đi một chuyện, nhưng thực ra không phải, Ý thức quên đi thôi chứ tận sâu bên trong nó vẫn còn ở đó, không hề mất đi, chỉ bị dồn nén xuống dưới. Vì hấp thụ từ những điều chúng ta có dịp tiếp xúc mỗi ngày, nên chúng ta từ đó có thể tận dụng được để trau dồi bản thân.
Ví dụ thế này nha, mưa dầm thấm lâu, những thứ bạn tiếp xúc mỗi ngày trong thời gian dài dằng dặc sẽ định hình con người bạn trong tương lai. You are what you eat là vậy. Bạn tiếp xúc với nhạc âu sầu, thất tình, than thở thì sau nhiều năm, khi đụng chuyện bạn sẽ phản ứng yếu ớt hay thậm chí là bi lụy. Bạn thấy mấy thằng bị người yêu bỏ, xong tự phá nát cả tâm hồn lẫn thể xác mà cha mẹ nó ban cho không? Phần cũng từ việc tiếp thu âm nhạc và ấn phẩm ngôn lù yếu đuối, nơi mà mấy thằng đực rựa không có tí đặc tính nào của sự nam tính thuần khiết. Hơn nữa, nhạy cảm nè, bạn biết cái bài hát Xuân này con không về, viết cho quân đội miền Nam khi mà đất nước chia hai không? Đi ra chiến trường mà nghe mấy bài đó thì tinh thần đâu nữa mà đánh đấm, đúng không? Và nhiều dạng giải trí có hại khác mà phần đông chúng ta đâu ý thức được, cứ nghĩ lướt lướt cho vui thế chứ thực ra nó ảnh hưởng vô cùng. Đó là lý do tại sao nhạc của Bach, Mozart hay tranh của Van Gogh, Picasso ngày xưa chỉ có giới quý tộc mới được cơ hội tiếp xúc là vậy, content xịn với hình thức giải trí xịn, thì bộ não từ đó cũng xịn xò hơn. Vì thế mà giới quý tộc sau này trở thành tinh hoa, còn thân phận bèo trôi của dân đen thì cứ thế mà lầm than vì thiếu kiến thức xịn.
Dĩ nhiên chúng ta có thể tận dụng những quy luật như thế từ bộ não này haha.
Thứ nhất là thay đổi cách chúng ta nhìn nhận phương tiện giải trí, nên nhớ là Vô thức tiếp thu hình ảnh, âm thanh, mùi vị rất nhanh, nhanh hơn nhiều so với từ ngữ. Những thằng hay coi phim người nhớn cẩn thận nghe bay. Hạn chế content rác là một cách hay, tốt nhất nên dành hẳn một ngày để lọc lại những thứ mà ta thấy ở trên feed hoặc không thì lập cái facebook mới ra rồi chỉ follow những gì phù hợp. Nhạc thì không ép buộc, nhưng khuyến khích chuyển sang nghe nhạc thính phòng hay ngắm tranh cổ, bây giờ free thì sướng quá, ông bà ngày xưa còng lưng dưới nắng còn chưa chắc nghe hay ngắm được. Đồng thời cẩn thận với những content nhồi não như “làm sao lấy được chồng giàu mà không biết và không phải nấu cơm” chẳng hạn.
Thứ hai, chúng ta sẽ gửi tín hiệu xuống cho Vô thức thông qua một số hành động đơn giản. Có một cái mẹo mà rất nhiều nhà tâm lý khuyến khích thực hiện để bạn trở thành một con người mà bạn mong muốn hơn, đó là trò chuyện với Vô thức thông qua các cụm từ ngắn gọn được lặp đi lặp lại nhiều lần. Thử thế này, muốn cho mình trở nên tự tin, lì đòn hơn, thói quen mới được nhanh quen hơn thì mỗi ngày thức dậy hay trước khi đi ngủ hãy tụng một câu khẩu hiệu ngắn khoảng trên dưới 200 lần, ví dụ thế này:
“Tui tự tin” “Tui chịu được” “Tui ngủ sớm” “Tui bế tinh” etc
Bạn có thể thấy nó buồn cười, nhưng nó hiệu quả. Vô thức nhận diện được thông điệp mà bạn kiên trì gửi xuống cho nó, về lâu về dài sẽ hình thành nên cái core belief về bản thân (gọi là niềm tin cốt lõi). Khi đứng trước một tình huống căng thẳng mà bạn trước đây hay mất bình tĩnh, thì cái câu “Tui bình tĩnh” bạn tụng cả ngàn lần sẽ dội ngược lên lại từ sâu thẳm, lúc đó bạn biết phải dừng lại một chút trước khi có bất kỳ phản ứng hay quyết định nào. Cái câu tôi hay niệm không biết bao nhiêu lần khi chạy bộ cả tiếng đồng hồ chính là “Tui chịu được”. Nhìn chung, nghe thì hài thế, chứ thử đi rồi mới thấy nó đáng.
Thứ ba, Vô thức không phân biệt được giữa phủ định và khẳng định, nó chỉ đơn thuần là nhận thông tin.
Ví dụ, thử với tôi, đừng nghĩ đến ổ bánh mỳ, có thể bạn vừa thấy ổ bánh mỳ đâu đó trong tâm trí. Bạn biết tại sao mấy thằng cha trượt tuyết không ngại va phải những cái cây ngán đường không? Trong thân tâm mấy cha này chỉ nhắm đến con đường chả đi, chứ không nghĩ đến cái cây để né. Trong tầm mắt chỉ có con đường trải tuyết mà thôi. Điều này áp dụng được trong việc bạn dần dần từ bỏ thói quen xấu, thay vì nói “Từ nay không hút thuốc” thì hãy nghĩ “Nhai kẹo cao su”. Bộ não chỉ thấy chữ hút thuốc, không nhận diện được chữ “Không”, chúng không phân biệt được phải trái hay phủ – khẳng định.
Thứ tư, bạn càng chú tâm nhiều vào điều gì, bạn càng có xu hướng thực hiện điều đó. Chẳng hạn, bạn muốn dừng việc lướt web quá giờ để ngồi tập trung viết lách, trong trường hợp bạn cứ nghĩ đến việc bản thân sẽ bỏ lướt web chắc chắn bạn sẽ lướt web trở lại. Cứ chú tâm vào việc bỏ thuốc, bạn sẽ hút trở lại.
Cứ chú tâm vào việc bỏ content hư não, bạn sẽ lại mở phim người nhớn. Cứ thế, giống tip số ba, bạn chỉ nên chú tâm vào điều bạn “cần” và điều “khẳng định” thay vì cái thói xấu vẫn đang ám ảnh bạn. Thay vì cố gắng quên đi người yêu cũ, hãy tập trung vào việc khác cần làm. Thay vì cố gắng không click chuột vào Diu túp, bạn gấp máy lại mở sách vở ra, ok không?
Bên trên là bốn tips, tôi thực hiện rồi và thấy hiệu quả. Vô thức là người bạn quý giá từ bên trong, chăm chút nó một chút để sau này dễ tập trung học hành, làm việc. Dĩ nhiên tôi vẫn chưa phải là siêu nhân, tôi vẫn là con người với nhiều khuyết điểm, tôi share với bạn hôm nay những thứ như này, cốt là để giúp chúng ta có thêm nhiều công cụ để cùng nhau phát triển, ái chà self help ghê hì. Vậy đó, hoặc ngược lại, bạn nghĩ mấy cái cách này nó xàm xàm với buồn cười, cũng không sao. Chỉ là một vài trong số vô vàn những phương pháp hiệu quả, tôi chỉ recommend từ trải nghiệm cá nhân thôi, bạn áp dụng hay không thì tùy.