Hôm nay viết tý chuyện đời, sẵn dịp Bà chị quen ở VN phone qua, bảo tôi cho vài lời khuyên cho đứa con sắp đi làm của chỉ, có cần chuẩn bị gì không?
Bữa cũng có bạn hỏi, “nơi nào để tu tâm tốt nhất vậy Bác7 ơi?”
Chẳng có nơi nào luyện tâm tốt hơn là chốn công sở cả, không cần lên núi hay vào rừng sâu đâu,
Cứ đi làm thì chắc chắn sẽ có đủ thứ drama để anh em luyện tâm và thực hành trực tiếp luôn.
Tôi kết hợp trả lời cả hai câu, không phải dạy anh em về kỹ năng đi làm, mà sẽ nói về ‘tâm thế’ khi đi làm thì nên như thế nào cho đúng lẽ.
1. Đi ‘xin’ việc
Khi anh em không có đồng nào trong túi, mà đói quá, đến tiệm bánh bao, xin 1 cái bánh ăn. Đó gọi là đi xin.
Còn nếu anh em bảo, cho tôi 2 cái bánh bao, bù lại tôi sẽ nhồi bột hay phụ bán cho bà trong 4 tiếng.. nếu bà chủ đồng ý thì đó gọi là ‘trao đổi’ giá trị. Tôi bán sức lao động để lấy 2 cái bánh bao.
Cho nên, anh em chỉ dùng ‘đơn xin việc’ khi anh em không có kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức gì cả để trao đổi với bên tuyển dụng… thì đó gọi là ‘xin’. Sinh viên mới ra trường, chưa có gì thì dùng từ đơn xin việc nghe hợp lý. Lúc vào làm, có thể không nhận lương vì người ta dạy kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức cho.
Khi đã có nghề, có kỹ năng, thì sau đấy là ‘đơn ứng tuyển’, chứ không phải đơn xin nữa. Từ đấy trở đi, là trao đổi giá trị, chứ không có ai xin ai cả.
Chỉ cần hiểu rõ phần này thì không phải lụy ai trong công ty, ngay cả thằng giám đốc, chứ huống chi thằng sếp hiện tại.
2. Mình là chủ của chính mình
Anh em nên tập bỏ cái tư tưởng ‘chủ – tớ’ đi, hay chủ với nhân viên đi.
Nói đúng, anh em là đối tác (partner) của công ty,
Sức lao động, chất xám, tư duy, kiến thức, thời gian của anh em trộn lại là ra 1 output (1 sản phẩm),
Với output công việc đó thì công ty sẽ mua với giá cụ thể (tương ứng với mức lương của anh em).
Mỗi vị trí trong tổ chức, chính là 1 công ty khởi nghiệp nhỏ, khi anh em nhận việc gì thì giống như nhận đơn đặt hàng, rồi anh em xử lý, rồi ra thành phẩm..
Thành phẩm càng chất lượng hơn thì tất nhiên giá phải trả anh em cũng bắt đầu tăng lên.
Cho nên, đi làm, đừng bao giờ so đo xung quanh, ai làm ít hơn, nhiều hơn, kệ họ, mình tập trung tốt nhất vào ‘công ty nhỏ’ của mình.
Một là làm sao để ra output tốt nhất, hai là làm sao cải tiến và nâng cấp công ty lên.
Khi ‘công ty’ anh em đã chất lượng lên, bước ra ngoài đổi đối tác, thì thằng nào cũng muốn mua ‘sản phẩm’ của anh em cả.
3. Luôn hết mình và tử tế với mọi người,
Nhưng đừng mong mọi người phải đáp lại như vậy.
Con người mà, mau quên lắm,
Một cái chớp mắt thì quên sạch những gì anh em đã làm cho họ.
Đừng trách họ vô tình, chỉ trách mình quá kỳ vọng mà thôi.
Sống, làm gì, thì cứ hết lòng… giúp được cứ giúp, nhưng đừng mong họ phải cảm kích, trân trọng hay trả ơn… cứ nghĩ đây là việc mình nên làm thôi.
Làm tốt, chẳng cần ai đền đáp hay công nhận cả,
Trước mắt là tâm mình thanh thản,
Tiếp theo là nhân quả sẽ lo tiếp, mình sởi lởi cho đi, làm đúng đạo thì trời đất không bao giờ phụ mình.
Cứ hết mình nhưng đừng kỳ vọng,
Không làm chỗ này thì làm chỗ khác, game đời thôi mà, làm gì phải xoắn.
4. Bị đổ oan, bị hiểu lầm, bị sỉ nhục
Bước ra đời kiếm tiền thì phải gặp ma quỷ thôi,
Nhưng ma quỷ đó đã được vũ trụ sắp xếp để cho anh em học những bài học cần thiết và tương ứng đúng với tâm thức lúc đấy của anh em.
Nếu giải thích hay minh oan cho mình được thì cứ giải thích,
Giải thích xong hết rồi mà kết quả không đổi thì cứ chấp nhận đi chơi game chỗ khác.
Đời người, không nên chấp vào 1 sự kiện hay 1 chương sách… game đời có rất nhiều chương mà, nên mình đã hết lòng mà người ta vẫn không hiểu mà còn quay lại cắn mình thì chịu thôi. Vui vẻ bye bye… có không giữ thì mất đừng tìm… cứ để nhân quả take care tiếp, ai sai, ai quấy rồi cũng phải trả quả của họ thôi.
Hai, con người mắt ai cũng còn bụi nên có nhiều nỗi sợ lắm, sợ nhiều quá thì đâm ra tham nhiều, sân nhiều… nên đi làm, chuyện bị sân si là rất thường.
Anh em nào càng tự hiểu mình thì thấy bản thân cũng tham cũng sân… nên đâm ra thấu hiểu những ai xung quanh mình cũng thế thôi… họ cũng chẳng biết họ đang làm gì. Trách họ làm gì.
5. Lù khù vác cái lu mà chạy
Càng hiểu về cái bản ngã của mình thì anh em sẽ càng dễ thấy cái bản ngã của người khác.
Đi làm, càng tỏ ra khôn ngoan thì không có ai chịu giúp hay chịu dạy anh em đâu. Vì cái tôi của họ không thích ai giỏi hơn hoặc tỏ ra khôn hơn họ… nên cái này thiệt thòi cho anh em.
Để hiểu rõ cái này, chỉ khi anh em đang tự hào mình ngon, tự nhiên trong tổ chức xuất hiện 1 thằng còn super hơn anh em, làm gì cũng giỏi hơn anh em, tốc độ lên level cũng nhanh hơn thì anh em sẽ thấy ngay cái bản ngã này sẽ hành hạ anh em cùng cực đến cỡ nào, con ma đố kỵ và con quỷ sân si sẽ dắt mũi lôi anh em ngay.
Càng hiểu mình thì đôi lúc, anh em nên ngốc nghếch tý, giả ngu tý (hoặc không cần giả haha), thì người ta sẽ thương rồi dạy nghề và chỉ bảo anh em thêm.
Dù có giỏi thực sự thì cũng đừng bao show ra hết, cứ để cái bản ngã người ta hơn mình thì sẽ luôn có lợi cho cả mình và cả họ. Win win đấy.
Ít ai đủ trí tuệ để hoan hỷ với thành công của người khác cả.
Biết cúi đầu, biết nhẫn nhịn là anh em thắng chắc ở mọi game, không chỉ riêng việc đi làm.
6. Người chọn nghề, hay nghề chọn người?
Không có ai chọn ai cả, anh em cứ lao động nhiệt thành đi,
Phải trải qua đủ các dạng công việc, cứ can đảm thử cái mới thì anh em sẽ thấy mình làm được nhiều nghề hơn mình từng nghĩ rất nhiều.
Trước tôi làm quản trị, thì lâu lâu vẫn có người bảo, tôi sinh ra để làm cái nghề quản trị này, vì tôi thuyết phục con người rất tốt, biết nhìn người và biết dùng người… hự hự
Qua Mỹ, sau 3 năm làm kỹ sư, thì bọn đồng nghiệp lại bảo, tôi sinh ra để làm kỹ sư !!
Rút cuộc, là sinh ra để làm đa nghề…
Sự thật, khi anh em đủ nhiệt thành với 1 việc nào đó, thì anh em lúc nào cũng sẽ vào top 10% cả…. Tin tôi đi, anh em sẽ làm tốt đến mức mà người ta sẽ nghĩ nghề đó dành cho anh em.(Tất nhiên, để vào top 3-5% cao hơn, thì anh em phải có vài kỹ năng và năng lực trời phú nữa, cứ không phải cố hát là thành diva được)
Nên đừng bao giờ giới hạn mình ở 1 job hay 1 nghề gì cả,
Tại sao 1 đời người không thử nhiều nghề, thú vị mà.
7. Vậy cuối cùng, cái gì quan trọng nhất?
Bữa có bạn hỏi tôi, “vậy game đời này, cái gì quan trọng nhất vậy ?”
Cái quan trọng nhất là nhận ra ‘không có gì quan trọng’ ở game đời này cả,
Tất cả chỉ là những bài học mà anh em được sắp xếp để học tập.
Nghề gì không quan trọng, chỉ là hình tướng để sinh mệnh anh em được trưởng thành hơn mà thôi.
Các mối quan hệ trong công ty, đa phần đều là có vay trả với nhau từ trước cả, không có gì mà tự nhiên đâu.
Những người đang xuất hiện trong cuộc đời anh em đều là những người cần gặp,
Những việc đang xảy ra với anh em đều là những việc cần phải xảy ra.
Nó hoàn hảo, tuy hình tướng sự việc thì vô vàn, nhưng khi anh em đã nhìn thấu bản chất thì game đời nó chỉ đơn giản vậy thôi…
Nên đừng có căng não quá, rồi làm mệt thân, mệt tâm làm gì,
Làm đủ ăn thôi, có tý tiền để dành, chăm lo được cho gia đình là ngon rồi… nên đừng bán mạng mình cho mấy việc không đáng.
Cái đáng làm nhất ở game đời này, chỉ là tìm về với chính mình thôi.
Chúc anh em đi làm với ‘tâm thế’ hoàn toàn mới nhé.
Cứ mỗi lần động tâm thì anh em cứ mở lại bài này mà đọc, khi đã thấm nhuần như hơi thở… thì đi làm cũng như đi chơi.
Cheers
Bác 7B
—-
Hình Stone and Marble Sculptures của Hirotoshi Ito