Từ lúc sinh ra thì anh em ai cũng có sẵn cái ‘tâm so sánh’ này trong vô thức. Dù muốn hay không thì nó cũng là một thành phần quan trọng của bản ngã hay cái tôi, để anh em thấy mình khác biệt và đặc biệt so với mọi người xung quanh.
Cái tâm so sánh đấy nó phát triển đồng thời với quá trình trưởng thành của ae, cụ thể từ so sánh ‘siêu thô’ đến so sánh ‘siêu vi tế’.
1️⃣ So sánh siêu thô:
Thường là so về Thân. thời đi học, tụi đực rựa hay so ‘hàng’ của nhau, xem cây kem thằng nào to hơn, đó là một loại so sánh siêu thô. Tất nhiên thằng nào to nhất lớp thì oai lắm, thấy mình ngon vl. Nâng cấp lên một tý, thì so về ngoại hình, vóc dáng, màu da, tóc tai, v.v…
.
2️⃣ So sánh thô:
Thường là so về vật chất, từ cái nhỏ đến cái lớn.
Nhỏ nhất thời đi học thì so nhau cái hộp viết, cây bút, cuốn sổ tay, cuốn sách, cuốn truyện… đến khi ra đời làm ăn rủng rỉnh tiền thì so nhau cái nhà, cái xe, đồng hồ, quần áo v.v… Cao hơn tý nữa là so về mối quan hệ, quen biết rộng.
.
3️⃣ So sánh vi tế (cấp độ 1):
Thường là so về tri thức, ai biết nhiều hơn ai.
Thời ít chữ thì ít khi chấp việc người ta nói gì lắm, nhưng biết được kha khá thì thấy ai cũng ngu hơn mình. Nhất là chung 1 ngành nghề, 1 lĩnh vực thì hay so găng về tri thức.
So sánh về tri thức thì nó xuất phát từ lúc nhỏ, thêm sự tác động của bậc phu huynh thúc đẩy con cái phải học cho nhiều vào, để không thể thua con nhà hàng xóm được. Nên suốt ngày cứ so với tri thức của ‘con nhà người ta’.
Lớn hơn, đến cả giáo sư tiến sĩ vẫn bị cái tâm so sánh vi tế này. Thằng nào nói đúng cái nghề của ông thì ông không ngồi im được, phải nói cho bọn nó biết là ông hiểu rất rõ, ông là nhất.
.
4️⃣ So sánh vi tế (cấp độ 2):
Hết so sánh về tri thức thì bắt đầu so sánh về ‘danh’.
Thằng đó ngu hơn mình sao nó nổi tiếng hơn mình, được mọi người công nhận và yêu mến hơn mình.
Cái so sánh về danh, vì nó vi tế nên không phải ai cũng dễ nhận ra. Phải tỉnh táo, quan sát thật kỹ, xem bên trong mình đang có sự đố kỵ ngầm hay không, dù bên ngoài vẫn tỏ ra tử tế, (vì có thể, tâm ta đã phát sinh sự so sánh ngầm mà ta không hề nhận ra).
Cả những người tu tập lâu năm, cái ‘danh’ vẫn chấp vào rất nặng, vì sao mình tu lâu rồi, biết rất nhiều thứ từ vũ trụ quan đến nhân sinh quan, mà sao ít người biết đến mình quá. Trong khi ông kia mới tu, mới nói vài bài mà người ta follow đông phết.
.
5️⃣ So sánh siêu vi tế:
Bỏ được phần so vật chất, so tri thức, so danh tiếng thì bắt đầu đến cái lớp gần cuối, so nhau về mặt tâm linh. Tôi hay gọi là ‘cái tôi tâm linh’ hay ‘bản ngã vi tế’. Tầng so sánh này thường xảy ra với những ai đã và đang đi trên hành trình tâm linh được một thời gian.
Cái so sánh siêu vi tế này, nó siêu nhỏ, nó không bao giờ để ae nhận ra dễ dàng. Tuy nhiên, có vài câu hỏi để kiểm tra nhanh xem cái so sánh siêu vi tế này có tồn tại hay không?
– có thấy mình đang đặc biệt hơn người khác không?
– có thấy bản thân mình quan trọng không?
– có thấy mình ‘giác ngộ’ hay ‘tỉnh thức’ không?
Nếu 1 trong 3 câu hỏi mà trả lời Có, thì xin chúc mừng, ae vừa thấy ra cái ‘bản ngã vi tế’ của mình, sự so sánh siêu vi tế giữa mình với thế giới xung quanh.
Đến giờ, với tôi, sự so sánh bản chất nó không xấu, nhưng cốt lõi là mình có biết tận dụng cái tâm so sánh để mình tốt lên hay không, thay vì tăng trưởng bản ngã thêm.
Nếu trung thực so sánh với người khác để mình phấn đấu lên, đồng thời hoan hỷ cho thành công của người khác thì so sánh đấy là đúng động cơ. Còn so sánh mà phát sinh thêm tâm đố kỵ, tham, sân nhiều hơn thì đó là sự so sánh do bản ngã nó đang dắt mũi ae kéo đi.
So sánh để tốt lên thì ae phải có quan sát hiện tượng / sự việc một cách rõ ràng và tỉnh táo. Vì có 2 cái nghịch lý hay xảy ra khi so sánh mà tôi thấy hay gặp:
Một, khi anh em đau khổ thì ae thấy cái khổ của mình là khổ nhất, còn cái khổ của người ta không bằng. Ví dụ như ae đau cái răng thì ae than như chết đi sống lại, chứ ai khác than với ae đau răng quá thì ae sẽ bảo ngay, đau có tý mà than hoài.
Hai, anh em thấy hạnh phúc của mình luôn ít hơn hạnh phúc của người khác. Nó vi tế đó, đôi lúc ae hạnh phúc hơn mặt bằng chung rất nhiều mà ae không nhận ra.
Khổ thì mình khổ nhất, còn hạnh phúc thì mình ít nhất. Đó là cách so sánh không đúng sự thật.
Khi tâm so sánh xuất hiện, ae phải tập quan sát, đừng phản ứng nóng vội, tất nhiên không phải ai cũng nhận ra ngay.
Chỉ khi cuộc đời làm ae đau khổ thật nhiều thì mới giúp ae tỉnh mộng ra. Lúc đấy ae mới chịu buông bớt cái tâm
So sánh đi và chuyển hóa nó thành động lực cố gắng để tu thân hoàn thiện hơn.
Cheers,
Bác 7B