“Hãy xem sự nghiệp như gia đình,
và xem gia đình như một sự nghiệp.”
Bài trước tôi có trả lời nhanh như vậy, nhiều anh em muốn tôi diễn giải thêm nên giờ biên sâu hơn để anh em có thêm góc nhìn.
Người ta hay trăn trở, làm sao để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình?
thật ra nó không hẳn là ‘bài toán cân bằng’, mà bản chất là ‘bài toán bạn muốn gì” thì nó sẽ đi sâu hơn và đúng hơn.
Vậy câu hỏi đúng, nó sẽ là
“anh em đang muốn gì ở cuộc đời này?”
nếu đứng trên góc nhìn, tất cả mọi thứ diễn ra đều là trải nghiệm,
thì sự nghiệp sẽ là trải nghiệm A hay sự nghiệp A,
và gia đình sẽ là trải nghiệm B hay sự nghiệp B.
nên việc tôi nói, hãy xem gia đình như một sự nghiệp là như thế. Sự nghiệp chuyên môn và sự nghiệp gia đình.
Anh em phải trả lời được anh em muốn gì,
hoặc ‘không gian hạnh phúc’ của anh em ở cuộc đời này là gì.
Không gian hạnh phúc, là khái niệm tôi từng biên rồi, nó là tổ hợp những thứ hay những điều kiện, để anh em thấy hạnh phúc.
Có người, không gian hạnh phúc của họ, là được đi làm việc phục vụ cộng đồng, không chồng, không vợ, không con, cũng không sao cả. Ngày ăn 3 bữa đơn giản, miễn hôm đó giúp được ai đó tý ty là hạnh phúc rồi.
Nhưng cũng có người, không gian hạnh phúc của họ, là có 10 triệu đô trong tài khoản, chạy siêu xe, được công nhận trong một cộng đồng nào đó, gia đình phải nề nếp, con cái thành đạt v.v…
Rồi cũng có người, không gian hạnh phúc của họ là có gia đình vợ con yên ấm, đủ ăn, làm nghề tay chân cực tý cũng không sao… miễn là họ có nhiều thời gian để chăm lo cho gia đình.
nôm na là như thế, nhưng có 4 sự thật về không gian hạnh phúc mà anh em nên quan sát ra được:
Một, không có ‘không gian hạnh phúc’ của ai hơn của ai cả.
Cho nên hãy tôn trọng không gian hạnh phúc của người khác.
Hai, mình có quyền muốn nhiều thứ cho ‘không gian hạnh phúc’ của mình nhưng nhớ là, chúng ta không sống một mình.
Anh em có tự do hạnh phúc của riêng anh em, nhưng cũng đừng làm phiền đến tự do hạnh phúc của người khác.
Ba, khi đặt 2 khái niệm ‘không gian hạnh phúc’ của 2 người vào làm chung hay vào sống chung, thì bắt buộc phải có va chạm và mâu thuẫn xảy ra. Vì mỗi người sẽ có cái muốn khác nhau, cho nên, muốn bền, thì cốt lõi là cả hai phải tìm ra và đồng thuận được một cái không gian hạnh phúc mới, mà có cả 2 trong đó. Vợ chồng là điển hình.
Bốn, không gian hạnh phúc không cố định, vẫn có thể thay đổi theo thời gian và sau những sự kiện va chạm quá mạnh.
Tôi từng gặp một trường hợp, Chú ấy là giáo sư, vừa nghiên cứu vừa đi giảng dạy, bên ngành Y. Vợ chú ấy sau 20 năm chung sống thì thấy cả hai không còn thuộc về nhau nữa, vì bảo 5 năm nay, Chú tập trung gần hết cuộc đời để dạy những bác sĩ trẻ sắp ra trường, nghiên cứu thêm, còn lại vẫn ra vào bệnh viện thăm khám bệnh nhân, tối về thì nghiên cứu bệnh án tiếp. Tiền nhà không thiếu, nhưng Chú để toàn bộ việc gia đình 2 bên và nuôi dạy con cái cho Cô quản hết. Thậm chí Chú không buồn ý kiến gì về các vấn đề trong gia đình luôn.
Cái ngày Cô bảo Chú là sẽ dừng lại mối quan hệ này, Chú nhắn tôi, vậy rút cuộc là Chú đang sai, hay là Cô sai vì Cô đang mong đợi ở Chú quá nhiều.
Không có ai sai ở đây cả, tôi nhắn Chú.
Cả hai đều đã làm điều tốt nhất trong nhận thức của mình rồi,
Cái cốt lõi là không gian hạnh phúc của Chú và của Cô không còn khớp với nhau nhiều như xưa nữa.
Muốn đi tiếp thì cả hai phải cùng ngồi lại điều chỉnh để tìm được phần chung nhiều hơn trong cái không gian hạnh phúc chung đó thôi.
Kết quả là, cả hai vẫn quyết định dừng lại, vì cơ bản lý tưởng sống, hay việc chúng ta muốn gì, không còn chung ‘nhịp sống’ nữa, nói nhẹ hơn, là hết duyên hết nợ rồi.
Rồi cũng một gia đình khác, tôi mới đọc hôm qua, Anh chồng làm tài xế xe bus, Chị vợ làm tiếp viên bán vé xe ngay trên xe đó, cả hai có 1 đứa con trai. Tối chạy xe xong là cả gia đình sinh hoạt và ngủ trên chiếc xe bus đó luôn, cả 3 người.
Nếu nhìn trên nền tảng ‘không gian hạnh phúc’ thì chắc chắn hai vợ chồng này phải có rất điểm giao thoa chung trong cái không gian hạnh phúc đấy.
Hiểu đến đây, nó không còn là chuyện anh em chọn giữa gia đình hay sự nghiệp nữa… mà là anh em sẽ chọn ‘không gian hạnh phúc’ của mình sẽ có gì trong đó và sẽ có ai trong đó. Cốt lõi là vậy.
Không nhất thiết phải lập gia đình thì anh em mới hạnh phúc,
Cũng không nhất thiết là anh em phải lên đỉnh cao trong sự nghiệp chuyên môn thì anh em mới hạnh phúc,
Cũng không nhất thiết phải là chọn 1 trong 2, vẫn có thể là chọn 1 thôi cũng được… còn nếu sự nguồn lực và nội lực anh em đủ lớn thì chơi luôn cả 2 đều đến đỉnh cao, cũng không sao.
Nói cái này làm tôi nhớ đến câu, Tu thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ.
nếu nhìn góc độ hạnh phúc, thì cách hiểu của tôi sẽ thế này,
Tu thân là học cách làm cho mình hạnh phúc,
Tề gia là học cách làm cho cả mình và những người sống chung với mình hạnh phúc,
Trị Quốc là học cách làm nhiều người hơn hạnh phúc,
Bình thiên hạ, là học cách làm tất cả hạnh phúc.
nhìn thế nào thì cuộc đời anh em sẽ đi theo hướng đó,
Như viết Nghệ, chia sẻ với anh em, đó cũng là một phần trong không gian hạnh phúc của tôi… và rất may, vợ tôi cũng là một fan cứng của Nghệ, nên không gian hạnh phúc của vợ tôi cũng có một phần là dành tý thời gian cho chồng mình được viết gì đó giải trí tý.
Cheers,
Bác 7B
——
Hình của Johnson Tsang
===
NGHỆ
tôi có đứa cháu gái, từ nhỏ nó đã thích mặc đồ con trai, nó là đứa chịu học và thương gia đình, nên Ba Mẹ nó kêu nó học cái gì thì nó ráng vâng lời học cái đó để Ba Mẹ nó thấy hạnh phúc.
Tất nhiên có cố ‘không là chính mình’ hoài cũng không được, năm nó 18 tuổi, nó lên gặp Mẫu thân và tôi để tâm sự… rằng nó muốn nói với Bố mẹ nó là nó không thích làm con gái, không thích lấy chồng… và nó đang có cô bạn gái đồng giới.
Tôi nghe, rồi bảo nó, thế con nghĩ ‘không gian hạnh phúc’ của con sẽ có gì trong đó và sẽ có ai trong đó.
Nó trả lời rất nhanh, nó muốn cả nó và cả bố mẹ nó đều hạnh phúc mà nó cũng không cần giấu nữa.
Tôi nói, đời đâu có dễ ăn thế, nhưng tôi xúi nó lấy học bổng đi Đức du học đi. Vì ở đó, nó vừa có sự nghiệp mới vừa có thể sống đúng giới tính nữa.
Chắc phước nó cũng dày, nó luyện 2 năm lấy được học bổng đi Đức thật.
Năm rồi, nó ra trường, mà trong lúc đi học, vừa đi làm gửi thêm tiền về cho Bố Mẹ nữa. Giờ đang làm hồ sơ định cư… rồi nó cũng công khai giới tính thật, thật ra Mẹ nó cũng cảm nhận lâu rồi mà không chịu chấp nhận sự thật… nhưng thấy Con học thành tài trên đất khách, nó cũng bù lại một phần kỳ vọng khác của Bố Mẹ.
Cuộc đời nó muôn màu, muôn vàn sự lựa chọn, và luôn có một con đường để mình dung hoà được, chỉ là mỗi người có chịu nương nhau một tý hay không thôi. Đối phương không chịu nhường thì đúng là chưa đủ duyên vậy.
=
” Hiểu đến đây, nó không còn là chuyện anh em chọn giữa gia đình hay sự nghiệp nữa… mà là anh em sẽ chọn ‘không gian hạnh phúc’ của mình sẽ có gì trong đó và sẽ có ai trong đó. Cốt lõi là vậy.”
Con cảm ơn Bác. ❤
=
Đỗ Đức Hải
Em có đọc được 4 bước trước của tu thân nữa. Và đọc NGHỆ chính là một trong những cách để làm được 4 bước này. Tiện đây Bác 7 nói về hạnh phúc em cũng mạn phép chia sẻ cùng mọi người.
Muốn mình hạnh phúc thì trước đấy cần tu dưỡng bản thân, tâm tư ngay thẳng [về hạnh phúc](CHÍNH TÂM)
Muốn tâm tư ngay thẳng, trước hết cần có ý nghĩ thành thật [về hạnh phúc](THÀNH Ý)
Muốn có ý nghĩ thành thật trước hết cần có nhận thức đúng đắn [về hạnh phúc] (TRÍ TRI)
Muốn có nhận thức đúng đắn lại cần phải tìm hiểu tận gốc nguyên lý – cơ chế của sự vật – hiện tượng (ở đây là về hạnh phúc là gì) (CÁCH VẬT)
=
Kim Khí Hoa Mỹ
Cảm ơn Thầy chia sẻ về “Không gian Hạnh Phúc”. Rất ấn tượng và dễ hiểu để ai cũng nhìn lại được chính không gian hạnh phúc mình đang có hoặc mình đang mưu cầu để hướng đến. Cân đối và điều chỉnh để bản thân và những người bên mình đều đc Hphuc ạ❤️❤️❤️
=
Cún Mập
Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
Từ rất lâu em đã suy nghĩ miên man về vấn đề này thì nay đọc được bài viết của bác Nghệ. Rất là biết ơn bác, làm cho người đọc cảm giác giải trí mà lại là bài giải cho các bài toán trong cuộc sống ❤
=
Hưng Tuấn
Bản thân em như 1 sự giao thoa vậy. Em đang đọc cuốn sách Đúng Việc, nghe những nội dung chia sẻ trên youtube của thầy Giản Tư Trung, rồi đến hôm nay đọc thêm bài viết này của Nghệ. Cảm giác như khi kiểu tâm trí mình được khai mở, rất khó diễn tả bằng lời.