Ban nãy viết về các kiểu người học, tự dưng nhớ ra có một yếu tố cực quan trọng trong việc duy trì khả năng tiếp thu và học tập của anh em. Đó là một giấc ngủ đủ và chất lượng.
Content về giấc ngủ ở page này là tương đối nhiều, thiệt ra anh em có thể thấy nhàm rồi skip qua luôn bài này cũng được, nhưng mà những thứ quan trọng thì xứng đáng được xuất hiện nhiều lần hơn cần thiết he he.
Anh em sẽ trải qua hai giai đoạn ngủ luân phiên trong một đêm dài 8 tiếng bao gồm giấc ngủ NREM (non rapid eyes movement) và giấc ngủ REM (rapid eyes movement – gọi là giấc ngủ mơ). Và cả hai đều quan trọng ngang hàng nhau.
Sóng não của giấc ngủ NREM sẽ dài, chậm và đều đặn, nhẹ nhàng hơn là giấc ngủ REM. Với sóng não dài và sâu như thế, mọi thứ kiến thức anh em tiếp thu ban ngày sẽ được sóng NREM đưa đến và lưu lại vào bộ nhớ sâu thẳm nhất của não bộ. Sau quá trình NREM, càng dần về ban ngày, NREM dần ít đi, nhường chỗ cho những giấc mơ được xuất hiện ra bên ngoài. REM sẽ lấy những ký ức cảm xúc, những thứ anh em được học, những thứ được lưu trữ trong não bộ, lôi ra làm tư liệu cho các giấc mơ. Và vì thế, một giấc ngủ tự nó cũng sẽ học hành trong khi anh em không hề ý thức về nó.
NREM có thể xem như một quá trình sắp xếp thông tin ban ngày vào kệ sao cho thật quy củ và ngăn nắp. Trong khi giấc ngủ REM lôi sách từ kệ xuống và cùng anh em ôn bài thông qua những mộng mị hàng đêm. Với lượng thông tin càng lớn, bộ não sẽ càng thèm khát thời gian phục hồi và đưa mọi thứ về nơi “có kế hoạch hơn” – có nghĩa là, anh em và bộ não ngốn 20% năng lượng đó, luôn đòi hỏi một giấc ngủ phục hồi mới.
Trong thời đại mà khối lượng thông tin khổng lồ dù muốn hay không, dù tốt hay xấu đều sẽ mặc nhiên đi vào đầu anh em – thì anh em càng cần hơn những giấc nghỉ dài chất lượng. Một giấc ngủ ngắn NREM 30 – 45p vào buổi trưa sẽ phần nào hỗ trợ bộ não trong quá trình tổng hợp kiến thức từ nửa đầu của một ngày dài. Luôn luôn cần thiết.
Chưa bàn đến tác động của giấc ngủ đến các cơ chế miễn dịch khác, mỗi việc học thôi đủ tác động rất nhiều rồi. Ngày xưa tụi học sinh bọn tôi có cái trò thức khuya học bài cực kỳ thiếu khoa học, vậy mà vẫn cứ áp dụng đều đều.
Chưa kể đồng hồ sinh học của thiếu niên sẽ trễ hơn so với mặt bằng chung từ 1 đến 2h, tức là 11h đêm mới là giờ chúng thực sự muốn đi ngủ. Nhưng hệ thống giáo dục yêu cầu các em lên trường vào 6h30 sáng. Vậy tính ra trong giai đoạn não bộ phát triển nhất, học vào nhất, lại chính là giai đoạn được nghỉ ngơi và phục hồi ít hơn cả.
Hiện tại nhiều anh em vẫn thức khuya, điều này vẫn sẽ bình thường thôi nếu anh em đáp ứng đủ 8 tiếng chất lượng. Tuy nhiên việc phải vào làm giờ hành chính, vào học các môn trên trường từ 7h 8r sáng thì việc thức khuya nhiều khả năng đồng nghĩa với ngủ thiếu giấc. Hư tổn do thiếu ngủ tích luỹ theo thời gian, biểu hiện thì chưa thấy vì anh em còn trẻ khoẻ lắm, thử duy trì chơi chơi cái thói quen thiếu ngủ đó đi rồi qua 25 anh em biết liền à.