“Ngươi phải sẵn sàng thiêu đốt chính mình ở trong ngọn lửa; làm sao ngươi có thể tái sinh nếu như ngươi không biến thành tro bụi trước tiên?” Nietzsche, Thus Spoke Zarathustra.
Làm cách nào để ta thay đổi nhân cách của mình? Liệu chúng ta có thể trở thành một con người khác như thể mình được sinh ra lần nữa? Hầu hết mô hình phát triển con người có một mối liên kết chặt chẽ đối với khả năng tự thay đổi định hướng của chính mình. Bởi ta là một sinh vật bảo thủ. Chúng ta thèm muốn trật tự và có một nhu cầu sâu kín đó là cảm thấy bản thân của mình ổn thỏa. Theo như những mô hình này, thì sự thay đổi sẽ trọn vẹn nhất nếu như nó được thực hiện một cách từ từ. Chúng ta cần loại những bỏ thói hư tật xấu, vun trồng nên thói quen tốt và qua thời gian những thay đổi nhỏ nhặt này sẽ dần tích lũy và tạo nên những thành quả đáng kinh ngạc.
Cách thức thay đổi bản thân này có rất nhiều lợi ích và nó nên là cách mà đa số con người sử dụng để đạt được sự phát triển về bản thân. Nhưng nó không phải là cách duy nhất ta dùng để thay đổi, và nó cũng không phải là phương thức phù hợp cho mọi trường hợp. Bởi, trong khi chúng ta là một sinh vật bảo thủ, ta cũng là những sinh vật phàm trần bị giới hạn về thời gian và khả năng chịu đựng nỗi đau khổ. Một sự thay đổi chậm rãi và từ tốn sẽ hiệu quả hơn nếu ta có sẵn một nền tảng vững chắc, nhưng nếu ta đã rơi quá sâu xuống địa ngục cho chính mình tạo ra, hay nếu cuộc sống trở nên bất ổn đến nỗi từng bước đi nhỏ đều bị chặn lại bởi những thứ đối nghịch với cuộc sống của mình. Đôi khi cuộc đời cần một sự thay đổi chóng vánh, không chỉ đơn thuần là thay đổi 1 hoặc 2 thói quen, mà là một sự thay đổi đáng kinh ngạc đến độ nó dẫn tới một thứ được gọi là sự tái sinh về mặt tâm lý. May mắn thay, sự biến đổi này là điều khả thi và xảy ra ở trong cuộc sống nhiều hơn những gì ta nhận ra, hay như nhà tâm lý học Micheal Mahony giải thích.
“Sự biến đổi chóng vánh về mặt nhân cách có xảy ra…[sự biến đổi như này] tạo nên những biến chuyển về cách nhìn nhận bản thân của con người và góc quan của họ về thế giới. Hiện tượng biến đổi một cách lượng tử hay chóng vánh xứng đáng có những nghiên cứu lâu dài về mặt lý thuyết. Nó có vẻ phổ biến hơn những gì các nhà tâm lý học giả định. Thêm nữa, ta càng nhận thức rõ ràng hơn về những tác động của sự thay đổi này đối với ý tưởng của ta về tiềm năng của con người.” Micheal Mahoney, Constructive Psychotherapy
Nhưng bản thân ta có thể tạo ra một kiểu thay đổi như này ở mức độ nào? Trong khi, còn nhiều bí ẩn xoay quanh quá trình này, ý tưởng về sự thay đổi đột ngột về nhân cách hay tái sinh tâm lý đã khơi gợi nên trí tò mò của nhân loại từ lâu. Tâm lý học hiện đại có thể không tập trung nghiên cứu về vấn đề này, nhưng có một số manh mối mà ta có thể xem xét về cơ chế của quá trình này, thứ sẽ giúp ta mở khóa được bí mật của sự thay đổi bản thân.
William James chính là một nhà tâm lý học dành rất nhiều thời gian nghiên cứu hiện tượng này. Hầu hết những gì ông học đều được viết rất chi tiết ở trong cuốn The Varieties of Religious Experience và từ tác phẩm này chúng ta có thể tìm ra manh mối đầu tiên về thứ dẫn đến một sự tái sinh tâm lý. Theo như James thì có một số kiểu người nhất định dễ dàng thay đổi đột ngột về mặt tâm lý và thường là những người cần đến nó nhất. Sự thay đổi đột ngột về mặt tâm lý không xảy ra ở những người bằng lòng với cuộc sống mà thay vào đó nó xảy ra ở những người rơi vào đáy sâu của tuyệt vọng. Cơn đau đớn cực độ, một trạng thái trầm cảm kéo dài, một cơn nghiện nguy hiểm, hay bị vỡ mộng hoàn toàn với đời chính là nguồn đất dồi dào để sự tái sinh tâm lý xuất hiện. Hay như James viết:
“Cách chắc chắn nhất để đạt được một kiểu hạnh phúc cực độ do những người tái sinh tạo nên, được người đời tôn vinh như một hình tượng nổi tiếng trên thực tế phải trải qua một cảm giác cực kỳ bi quan hơn bất kỳ điều gì mà mình chưa nghĩ đến.” William James, The Varieties of Religious Experience
*Twice-born: Tái sinh, hoặc sinh 2 lần, một khái niệm tôn giáo Hindu.
Tuy nhiên, dù nhiều người cũng rơi vào một địa ngục trần gian nhưng chỉ có một số ít là trải qua cảm giác thay đổi về bản thân, thứ giúp họ tự định hình lại cuộc đời. Điều gì làm nên sự khác biệt giữa những người mắc kẹt trong nỗi đau khổ của chính mình và những người thoát ra khỏi nó? Bằng cách quay trở lại với thần thoại, nguồn gốc cổ xưa nhất của tâm lý con người, những manh mối sâu xa hơn về quá trình này có thể được sáng tỏ. Bởi sự tái sinh là một trong những chủ đề phổ biến nhất của thần thoại. Rất nhiều câu chuyện kể về một nam hay một nữ anh hùng phải đối mặt với những thử thách khó nhằn để vượt qua chúng và trong quá trình đó trải nghiệm được một sự thay đổi đột ngột về nhân cách của mình.
Điểm tương đồng của những câu chuyện như này đó là yếu tố hy sinh. Sự tái sinh chỉ được ban cho người đàn ông hay đàn bà làm hài lòng các vị thần đầu tiên. Nhưng ta không cần một vị thần để hiểu điều tất yếu của việc hy sinh bởi có một cách giải thích theo kiểu tâm lý học về lý do tại sao sự hy sinh có thể tạo nên một sự thay đổi tức thì về nhân cách.
“Sự hy sinh luôn có nghĩa là phải từ bỏ một phần giá trị của bản thân, và qua đó kẻ hy sinh mới tránh việc bị nuốt chửng.” Carl Jung, Psychological Types.
Sự hy sinh là điều khó khăn, nhưng lại là bước cần thiết để loại bỏ một khía cạnh của bản thân và giúp cho những điều mới mẻ hơn xuất hiện. Sự hy sinh là điều cốt yếu trong quá trình tái sinh bởi lý do đơn giản rằng những thứ khiến cho ta mắc kẹt mãi trong vấn đề của mình đó là do ta không có đủ khả năng nhận ra rằng lối sống từng phù hợp với chúng ta ngày trước có thể biến những yếu tố giúp ta hạnh phúc thành nguyên nhân chính gây nên nỗi đau khổ của mình. Một sự hy sinh có nhiều hình thức khác nhau và nó có thể đơn thuần là kết thúc một mối quan hệ, bỏ một công việc không có triển vọng, hay từ bỏ một thói quen nghiện ngập. Sự hy sinh chưa bao giờ dễ dàng nếu như đó là kiểu hy sinh có thể đem đến sự tái sinh tâm lý. Nhưng, như Nietzsche đã nói “con rắn sẽ chết nếu nó không thể tự lột xác của mình.”
(Nietzsche, Dawn of Day) và cũng tương tự như vậy, những người đàn ông hay phụ nữ chưa bao giờ dám từ bỏ quá khứ của mình sẽ phải đối mặt với số phận lụi tàn trong sự trì trệ đến từ lối sống vốn đã cũ nát của mình.
“….một thái độ hay một ham muốn chết đi, nếu xét ở mặt khác thì nó có thể là sự ra đời của một điều gì đó mới mẻ (một quy luật phát triển trong tự nhiên không bị giới hạn ở con người). Một người có thể từ bỏ một cách sống loạn thần, một sự lệ thuộc, một sự bám víu, và sau đó nhận ra rằng anh có thể sống như một con người tự do hơn… “Cái chết” của một phần bản thân thường theo sau đó là sự nhận thức rõ rệt về bản thân, ý thức về tiềm năng của mình được nâng cao hơn.”
Rollo May, Man’s Search for Himself.
Đôi khi chỉ mỗi việc hy sinh thôi cũng vừa đủ để loại bỏ những điều gây nên đau khổ cho ta. Thoát khỏi xiềng xích của quá khứ, ta có thể nhìn nhận thế giới với một con mắt mới mẻ và tiến về phía trước với một nhận thức mới lạ về ý nghĩa và tiềm năng của mình:
“…một sự hy sinh đau đớn có thể rủi ro hơn so với một ý chí nỗ lực kiên cường” Jung viết “Nếu thành công… thì sự hy sinh này sẽ mang lại những phước lành, và kẻ [hy sinh] sẽ tiến vào trạng thái được chữa khỏi hoàn toàn.” Carl Jung, Two Essays on Analytical Psychology.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra rằng chỉ mỗi việc hy sinh cũng có thể khiến căn bệnh của mình được chữa khỏi. Trong hầu hết trường hợp thì sự hy sinh lúc ban đầu sẽ có tác dụng ngược lại. Thay vì chữa khỏi những gì gây đau khổ cho ta và tạo nên một lối sống mới mẻ và quy củ hơn, thì sự hy sinh sẽ dẫn đến những chứng rối loạn. Bởi, từ bỏ một lối sống cũ đồng nghĩa với việc ta sẽ nhận ra rằng mình không còn bất kỳ điều gì để lấp đầy khoảng trống nữa. Sự hy sinh sẽ đẩy ta xuống một nơi đầy sự hỗn loạn và ở đấy tràn ngập những nguy hiểm. Ở mặt đối lập của những hệ thống phức tạp, như là cuộc sống của con người, thì sự hỗn loạn lại tạo ra các hình thức trật tự mới hay như Mahoney đã nói:
“…sự vô tổ chức có vẻ như là một tiền đề quan trọng cho sự tái tổ chức.” Micheal Mahoney, Human Change Processes.
Nhưng mặt khác, sẽ luôn tồn tại nguy cơ rằng hỗn loạn sẽ áp đảo chúng ta và thay vì dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp và quy củ hơn, thì rơi vào hỗn loạn sẽ dẫn đến cơn suy nhược thần kinh.
Một số nhà tâm lý học cho rằng sự tái sinh tâm lý chỉ khác cơn suy nhược thần kinh ở chỗ kết quả sau cùng. Nói cách khác, những giai đoạn dẫn đến một cơn suy nhược thường tương tự với những giai đoạn tạo nên sự tái sinh. Hay như Jung giải thích, việc mất cân bằng do sự hy sinh tạo ra:
“… có nguyên tắc tương tự đối với chứng rối loạn tâm thần; nghĩa là, nó chỉ khác mỗi giai đoạn đầu của các căn bệnh tâm thần bởi sau cùng nó giúp ta có một sức khỏe tốt hơn, trong khi cái thứ hai thì dẫn đến một sự hủy diệt kinh hoàng.” Carl Jung, Two Essays on Analytical Psychology
Để giảm thiểu nguy cơ mắc phải một cơn suy nhược thì một phương pháp hữu ích là điều cấp thiết.
Giống như những anh hùng trong thần thoại, chúng ta phải xem bản thân mình như những người khám phá sự hỗn loạn, chứ không phải những người quan sát thụ động bị những thế lực ngoài tầm kiểm soát lôi kéo và đưa đẩy. Mục tiêu ở giai đoạn này đó là thử nghiệm những phương pháp mới lạ dùng cho việc điều chỉnh cuộc sống để lấp đầy khoảng trống do sự hy sinh để lại. Nhưng, trong khi những phương thức mới lạ này là điều cần thiết để ta có thể thoát khỏi vùng đất hỗn loạn, thì việc thử nghiệm những điều mới lạ lại rất căng thẳng và thường đi kèm theo đó là trạng thái lo âu và sợ hãi tột độ. Tuy nhiên, nếu ta nhận thức được rằng đây chỉ là một phần tất yếu xảy ra trong quá trình và nó không phản ánh bất kỳ điều gì sai lệch với chúng ta, thì ta sẽ thấy dễ dàng hơn để tiến về phía trước dù cho sự hỗn loạn có bao vây lấy ta, hay như Mahoney giải thích:
“… các giai đoạn đau khổ cực độ và rối loạn về mặt cảm xúc thường phản ánh những cảm xúc tự nhiên (và, tất nhiên, là lành mạnh) của cá nhân trong quá trình đấu tranh để sắp xếp lại. Tất nhiên, những cuộc đấu tranh như này không phải lúc nào cũng thành công, nhưng ta có thể nhìn nhận bản chất của nó đỡ sợ hãi và nóng vội hơn nếu như ta hiểu nó như là những hoạt động của một hệ thống mở và phát triển đang tìm kiếm một “sự cân bằng hài hòa hơn” với thế giới của nó.” Micheal Mahoney, Human Change Processes.
Những kỹ năng có thể làm nên sự khác biệt giữa việc liệu ta có thể thoát ra khỏi vùng đất đầy hỗn loạn khi ta tái sinh hay liệu sự hỗn loạn đó sẽ khiến ta quay trở lại lối sống trước kia, hay thậm chí là tệ hơn, đó chính là kỹ năng tái cân bằng và thư giãn. Những phương pháp như thiền định, hoạt động thể chất, các bài tập thở và những kỹ thuật khác có bản chất như này sẽ giúp ta định hình tốt hơn trong vòng xoáy hỗn loạn mà mình mắc phải:
“Khi những trải nghiệm mới mẻ làm mất cân bằng hệ thống của con người,” Mahoney viết “thì việc có những kỹ năng để tái cân bằng và quay trở lại cảm giác an toàn và che chở là điều rất quý giá. Con người càng thực hành và cải tiến những bài tập này, thì họ càng cảm thấy mình có tiềm năng hơn trong việc mạo hiểm du ngoạn tới những khía cạnh kỳ lạ của trải nghiệm.” Micheal Mahoney, Constructive Psychotherapy.
Tuy nhiên, sau cùng thì, tự nguyện rơi vào vùng đất hỗn loạn vẫn rất nguy hiểm kể cả khi ta đã trang bị cho bản thân mình những công cụ giúp ta định hình tốt hơn trong vùng đất này. Do vậy, khi biết rằng một sự thay đổi chóng vánh về nhân cách là điều khả thi và rằng việc hy sinh có thể tạo nên một sự tái sinh tâm lý, liệu ta có dám tạo nên một bước ngoặt, hoặc thay vào đó ta bám sát vào cách tiếp cận ít nguy hiểm hơn của phương thức thay đổi bản thân từ từ? Đây chính là câu hỏi mỗi người phải tự quyết định lấy. Nhưng nếu ta đã rơi quá sâu vào địa ngục do chính mình tạo ra, thì câu hỏi phù hợp hơn ở đây đó là liệu việc không hy sinh có khi nào lại là rủi ro lớn hơn? Bởi, tự nguyện hy sinh không phải là cách duy nhất để đi vào vùng đất hỗn loạn. Điển hình hơn chính là việc bị ép phải rơi xuống những vực thẳm đen tối này. Nếu ta cứ đi theo con đường suy đồi, nếu ta vẫn ở lại một nơi mà Jung gọi là “cột trụ bất động của quá khứ” thì khi đó phần trật tự mỏng manh của cuộc đời có thể mang đến cho ta sự hỗn loạn bất kể ta thích hay không. Ta sẽ buộc phải từ bỏ lối sống trước kia của mình, nhưng một sự hy sinh không tự nguyện, theo như lời của Jung, thì đó là một “tai ương kinh hoàng”; kết quả có thể là một cơn suy nhược tâm lý hơn là sự tái sinh tâm lý. Do đó, nếu ta cảm thấy cuộc sống mình đang đi theo hướng này, nếu hỗn loạn và rắc rối đang dần len lỏi vào, thì chúng ta có lẽ sẽ muốn kiểm soát quá trình này và tự nguyện hy sinh để thoát khỏi kết cục thảm khốc hơn:
“Không ai phủ nhận những nguy hiểm của sự suy đồi, nhưng ta có thể mạo hiểm. Không ai thích liều mình, nhưng chắc chắn sẽ có một vài người muốn làm thế. Và hãy để cho những người đi vào màn đêm với một con mắt rộng mở, bởi đó là một sự hy sinh khiến cho những vị thần run sợ. Tuy nhiên, sau mỗi lần đi xuống thì sẽ có những lần đi lên; những hình dạng vốn biến mất nay được định hình lại, và sau cùng thì sự thực chỉ có giá trị nếu như nó trải qua sự biến đổi và chứng kiến những hình ảnh mới lạ, bằng những thứ tiếng mới, giống như một loại rượu mới được đổ vào trong chai mới.”