Cuộc đời ta đôi khi kém phần thỏa mãn so với điều nó đáng lẽ nên mang lại, bởi một quan niệm không may mắn và sai lầm đã ăn sâu vào tư tưởng tập thể: rằng mục đích tối thượng của đời người là khiến bản thân hạnh phúc nhất có thể. Dưới sự dẫn dắt của quan niệm này – vốn đang chiếm lĩnh suy nghĩ thời hiện đại – ta bị thôi thúc phải kiếm càng nhiều tiền càng tốt, rồi tiêu xài hoang phí vào những món đồ xa hoa, hiếm có, mải miết chìm trong vô vàn hình thức giải trí và tìm cách để người khác thỏa mãn hết mức các mong muốn, sở thích của mình.
Đó là một viễn cảnh đầy quyến rũ, nhưng sự thật tâm lý tinh tế và bất ngờ hơn nhiều: sự mãn nguyện của con người thực ra bắt nguồn từ một nơi hoàn toàn khác. Nó đến từ cảm giác mình đang được cần đến bởi những người xung quanh. Ta tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn khi biết rằng mình đang làm dịu bớt nỗi đau hay mang đến niềm vui cho người khác. Bản chất con người vốn dĩ đã được lập trình để muốn tạo ra giá trị cho cuộc đời người khác, ngay cả khi ta – gần như tất cả chúng ta – hoàn toàn vô vọng trong việc duy trì hạnh phúc cho chính mình quá mười lăm phút.
Tâm hồn ta luôn chống lại những nỗ lực tối đa hóa khoái lạc. Những phức tạp trong tâm lý con người cứ mãi đeo bám ta, ngay cả khi ta đang ở giữa những nơi chốn xa hoa nhất, tưởng như đáng ao ước nhất. Những cuộc cãi vã nảy lửa vẫn xảy ra giữa những hành lang lát đá cẩm thạch của các khách sạn sang trọng. Nỗi tuyệt vọng vẫn đổ bóng lên những hòn đảo thiên đường. Sự u sầu lơ lửng trên quầy bar bên hồ bơi. Và ngay cả trong một ngày spa đắt đỏ, ta cũng có thể bị nỗi chán chường xâm chiếm, để rồi chỉ mong được trở về nhà, cuộn mình trong giường và bật khóc.
Nhưng, với thời gian, ta có thể chạm đến một nhận thức đầy an ủi: con đường dẫn đến sự mãn nguyện không phải là mãi nghĩ về bản thân, mà là mạnh dạn gạt bỏ những suy tư ấy sang một bên, để toàn tâm toàn ý giúp người khác vơi đi khổ đau. Niềm vui đích thực đến từ những hành động phục vụ. Có thể chính ta là những kẻ lạc lối không cứu vãn được, nhưng người khác – những con người với những nhu cầu rõ ràng và cấp bách hơn ta – lại mang đến cơ hội lớn lao để ta phát huy tài năng, bộc lộ năng lực, và cảm nhận giá trị của chính mình.
Hàng ngàn thế hệ đã qua, con người phát triển để phục vụ cho cộng đồng của mình: chúng ta đi tìm thức ăn, giã hạt làm bột, canh gác xuyên đêm để bảo vệ sự an toàn cho mọi người, và đưa ra những quyết định sống còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả bộ lạc. Bất kỳ danh dự hay sự kính trọng nào mà ta nhận được cũng đều bắt nguồn từ những điều tốt đẹp mà ta làm cho người khác. Tự hào, mãn nguyện và lòng tự trọng của ta vốn cắm rễ từ chính nơi ấy.
Thế nhưng, trong những xô bồ của xã hội hiện đại, bản năng đóng góp ý nghĩa vào cuộc sống của người khác đã dần phai nhạt và mất mát. Cơ cấu kinh tế ngày nay khiến ta hiếm khi cảm nhận được mình đang thực sự giúp ích cho bất kỳ ai.
Khoảng cách giữa người lao động và người thụ hưởng thành quả đã trở nên mênh mông và rối rắm. Ta có thể đang làm công việc hằng ngày để giúp một công ty mà bản thân chẳng mấy cảm tình xuất xưởng những bộ phận nhỏ bé để làm bồn tắm sủi bọt. Hoặc ta hỗ trợ các công ty bảo hiểm trốn tránh trách nhiệm khi họ không thực hiện đầy đủ cam kết sau các trận bão mùa đông. Hoặc, có khi ta được trả hậu hĩnh để tiếp thị vé vào sòng bạc hay bán thẻ hội viên quán bia cho những người đáng lẽ nên dùng tiền cho những mục đích ý nghĩa hơn.
Bề ngoài, có vẻ ta đang sống ổn theo những chuẩn mực của thời đại. Nhưng sâu thẳm, ta bị tước mất cảm giác rằng trí tuệ của mình đang được hướng đến điều gì đó thực sự cao quý.
Rồi một ngày, ta nhận tin rằng một người bạn không khỏe. Lẽ ra, ta đã có thể dành buổi chiều đi xem phim, tận hưởng một buổi massage, hay phân vân giữa việc làm xoăn tóc hay đầu tư vào một hầm rượu. Nhưng giờ đây, một cơ hội lớn lao hơn đã xuất hiện.
Ta không phải bác sĩ phẫu thuật, và khả năng chữa lành của ta chắc chắn có giới hạn. Nhưng điều đó không ngăn cản ta làm một việc ý nghĩa. Ta có thể nấu một nồi súp gà thật lớn (cho thật nhiều hành và cà rốt), chia vào những hộp dễ mở, và đánh dấu từng hộp dành cho từng ngày trong tuần. Ta có thể gom vài khay trái cây, một ít sô cô la, bánh mì tươi và một túi ngũ cốc yến mạch.
Có thể, ta đã thất bại trong nhiều thứ. Có thể, ta đang ở cuộc hôn nhân thứ hai và mối quan hệ với con cái chẳng mấy êm đẹp. Nhưng giờ đây, ta tìm thấy một lý do để tồn tại, bởi ta đang chứng minh rằng mình có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với một người vừa trở về từ ca phẫu thuật tim và còn gặp khó khăn khi phải bước xuống cầu thang mà không có ai trợ giúp.
Tin vui là, một khi chúng ta thật sự nhận ra sức mạnh của mình trong việc tạo ra sự khác biệt cho cuộc đời người khác, cánh cửa hành động sẽ mở ra theo vô vàn hướng. Xung quanh ta luôn có những người đang bệnh tật, cô đơn, tan vỡ trái tim, u sầu hoặc kiệt quệ tinh thần.
Thật dễ thương khi một người bạn cảm ơn chúng ta rối rít vì đã tử tế với họ, như thể ta vừa làm điều gì đó xứng đáng được ca ngợi đặc biệt. Nhưng sự thật là, ta đã tận hưởng niềm vui ấy nhiều hơn những gì bản thân dám thừa nhận – niềm vui từ cơ hội được rõ ràng, dứt khoát và hiệu quả làm một việc tốt đẹp.
Người bạn cần đến ta đã trao cho ta một cơ hội để nhận ra rằng cuộc sống của mình thực ra không hoàn toàn vô nghĩa, rằng ta không phải là những kẻ thất bại, gắt gỏng hay đầy thất vọng; rằng ta không phải là người vụng về trong các mối quan hệ hay kiêu căng, khó chịu nơi công sở; rằng ta, dù ở đâu đó trong sâu thẳm, vẫn có khả năng trở thành một con người tử tế và hữu ích.
Nhìn đúng ra, lời cảm ơn ấy lẽ ra phải chảy ngược chiều. Người đáng biết ơn hơn chính là chúng ta – vì họ đã giúp ta nhìn thấy giá trị đích thực của mình.
Tranh: Tintoretto, Mary Magdalene, 1598
Nguồn: OUR SECRET LONGING TO BE GOOD – The School Of Life