Từ việc đổ lỗi cho người bị hại, hạ thấp mức độ nghiêm trọng, đến việc lôi con cái vào cuộc.
NHỮNG Ý CHÍNH
– Khi chuyện ngoại tình bị lộ, “người có lỗi” thường vận dụng đủ mọi chiêu trò để mong được tha thứ.
– Nghiên cứu đã chỉ ra có tới 41 cách thức thuyết phục, từ việc làm nhẹ đi mức độ của sự việc đến đổ lỗi cho nạn nhân.
– Các chiến lược thuyết phục được sử dụng bởi người ngoại tình có thể khác nhau tùy theo giới tính, độ tuổi và tính cách của họ.
Người ta ngoại tình vì nhiều lý do, nhưng họ thường làm gì để mong người kia tha thứ?
Một loạt nghiên cứu đăng trên tạp chí Evolutionary Behavioral Sciences của Apostolou và Pediaditakis đã liệt kê ra 41 chiêu trò mà những kẻ không chung thủy dùng để năn nỉ người yêu hoặc vợ chồng cho họ cơ hội thứ hai.
Các tác giả đã thực hiện nhiều nghiên cứu với ba nhóm mẫu gồm 108, 657 và 416 người tham gia nói tiếng Hy Lạp, độ tuổi trung bình từ giữa 20 đến giữa 30 tùy từng nhóm. Mục tiêu của những nghiên cứu này bao gồm: xác định các phương pháp mà kẻ phản bội dùng để thuyết phục đối phương tha thứ, những chiến lược nào được sử dụng nhiều nhất và hiệu quả ra sao.
🌸 SÁU NHÓM CHIÊU TRÒ XIN THA THỨ THƯỜNG THẤY
Từ dữ liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu phát hiện 41 hành vi thuyết phục mà những kẻ “sai đường lạc lối” dùng để xin tha thứ. Dưới đây là sáu loại chiêu trò kèm ví dụ cụ thể:
1. Đổ lỗi cho đối phương (Đổ lỗi rằng đối phương đã thờ ơ, thiếu quan tâm, làm mình “sai lầm”).
2. Khẳng định giá trị của mối quan hệ (Nhắc đối phương về những gì cả hai đã cùng nhau xây dựng).
3. Làm nhẹ đi tội lỗi (Bảo rằng “chỉ là chút vui vẻ thoáng qua”, không có tình cảm gì).
4. Lôi kéo con cái, người thân, bạn bè (Nói rằng chuyện ly hôn sẽ ảnh hưởng xấu đến con cái).
5. Hứa hẹn lần sau sẽ khác (Xin lỗi, cam kết sẽ không bao giờ tái phạm).
6. Tìm cách hàn gắn (Đề nghị cả hai cùng đi tư vấn hôn nhân).
🌸 41 CHIÊU THỨC CẦU XIN THA THỨ TỪ NGƯỜI BẠN ĐỜI KHI BỊ PHÁT HIỆN NGOẠI TÌNH
Nguồn: Arash Emamzadeh (dựa theo Apostolou và Pediaditakis, 2023)
🌹 Mối quan hệ của chúng ta rất quan trọng
Anh/em sẽ nhắc lại những kỷ niệm đẹp mà hai ta từng trải qua.
Anh/em sẽ xin em/anh nhớ rằng cả hai đã có rất nhiều khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau.
Anh/em sẽ nói về ý nghĩa của mối quan hệ này.
Anh/em sẽ nhắc em/anh nhớ về bao công sức và tình cảm mà cả hai đã dành cho nhau.
Anh/em sẽ khẳng định rằng em/anh quan trọng thế nào trong cuộc sống này.
Anh/em sẽ nói rằng anh/em yêu em/anh biết bao.
Anh/em sẽ nói không thể sống thiếu em/anh.
🌹 Đổ lỗi cho người bị hại
Anh/em sẽ bảo rằng anh/em lạc lối vì cảm thấy bị em/anh bỏ bê.
Anh/em sẽ bảo rằng chính em/anh cũng có những lỗi lầm đẩy anh/em đến bước này.
Anh/em sẽ nói rằng điều đó xảy ra vì em/anh đã dần xa cách.
Anh/em sẽ đổ rằng vì em/anh làm anh/em cảm thấy không an toàn.
Anh/em sẽ nhắc lại những lần em/anh cũng từng lầm lỗi.
Anh/em sẽ nói rằng chuyện ấy xảy ra là do đời sống vợ chồng chưa trọn vẹn.
🌹 Làm nhẹ chuyện
Anh/em sẽ nói rằng “chỉ là chuyện thể xác”, không có tình cảm gì.
Anh/em sẽ bảo rằng nó chẳng mang ý nghĩa gì cả.
Anh/em sẽ bảo đó chỉ là chuyện phù phiếm.
Anh/em sẽ nói rằng đó là một phút yếu lòng.
Anh/em sẽ bảo là anh/em bị cám dỗ.
Anh/em sẽ thề thốt rằng đó là lần duy nhất.
Anh/em sẽ viện lý do là đầu óc không tỉnh táo.
Anh/em sẽ biện minh rằng bản thân cũng là con người, có những phút giây yếu mềm và đam mê.
🌹 Lôi kéo họ hàng và bạn bè
Anh/em sẽ nhờ con cái (nếu có) xin mẹ/ba tha thứ.
Anh/em sẽ nhờ một người thân trong gia đình nói giúp.
Anh/em sẽ nhờ một người bạn thân nói đỡ.
Anh/em sẽ mua cho em/anh một món quà thật đắt đỏ.
Anh/em sẽ nhắc nhở về con cái (nếu có) và suy nghĩ về ảnh hưởng đến chúng.
🌹 Hứa hẹn lần sau sẽ không thế nữa
Anh/em sẽ nói rằng bản thân rất xấu hổ về những gì đã làm.
Anh/em sẽ nhận đó là sai lầm và xin lỗi.
Anh/em sẽ xin lỗi bằng nước mắt.
Anh/em sẽ cam đoan rằng điều đó sẽ không bao giờ lặp lại.
Anh/em sẽ xin em/anh tha thứ.
Anh/em sẽ cầu mong em/anh đủ bao dung để tha thứ.
Anh/em sẽ hứa rằng sẽ không lặp lại lần nào nữa.
Anh/em sẽ chấp nhận mọi điều kiện mà em/anh yêu cầu để được tha thứ.
🌹 Cố gắng hàn gắn mối quan hệ
Anh/em sẽ nói rằng cả hai cần giúp đỡ (như đi gặp chuyên gia tâm lý) để cứu vãn mối quan hệ này.
Anh/em sẽ cùng em/anh xem xét lại chuyện của hai ta và những gì đã xảy ra.
Anh/em sẽ bàn luận lý do vì sao mọi chuyện lại đến mức này và cách sửa chữa.
Anh/em sẽ nhấn mạnh rằng điều này làm anh/em nhận ra tình cảm thật sự mình dành cho em/anh.
🌸 NHỮNG CHIÊU THỨC XIN THA THỨ CỦA NGƯỜI PHẠM LỖI – LIỆU CÓ HIỆU QUẢ?
Kết quả nghiên cứu cho thấy những chiêu thức này thực sự có khả năng thuyết phục khá cao. Hơn 40% người tham gia thừa nhận rằng, nếu người bạn đời của họ sử dụng những cách này để xin tha thứ, ít nhiều họ sẽ bị lung lay bởi ít nhất một trong số những chiêu đó.
Một phát hiện thú vị là những “người có lỗi” dường như khá rõ nên chọn cách nào để thuyết phục đối phương của mình. Thậm chí, các phương pháp mà người ta lựa chọn để thuyết phục cũng thường phản ánh chính những cách thức mà họ cho rằng sẽ tác động đến bản thân nếu ở vị trí ngược lại. Chẳng hạn, những người thích đổ lỗi cho đối phương khi bị phát hiện ngoại tình lại thường có khuynh hướng từng hoặc đang cân nhắc hành vi không chung thủy.
🌸 CHIẾN LƯỢC XIN THA THỨ KHI PHẠM LỖI – GIỚI TÍNH, TUỔI TÁC VÀ TÍNH CÁCH
🌹 Giới Tính
Dữ liệu chỉ ra rằng phụ nữ có xu hướng dùng các chiến thuật thuyết phục nhiều hơn so với nam giới. Tuy nhiên, nam giới lại có một chiến thuật “độc chiêu” riêng: họ thích lôi kéo bạn bè, người thân và thậm chí là con cái vào để mong người bạn đời mủi lòng.
🌹 Tuổi Tác
Những người lớn tuổi thường có khuynh hướng dùng chiến thuật đổ lỗi cho người kia hơn. Trái lại, khi dùng cách hứa hẹn “sẽ không bao giờ lặp lại nữa”, những người trẻ tuổi lại chiếm thế thượng phong.
Ngoài ra, những người tham gia nghiên cứu ở độ tuổi lớn hơn thường tin rằng chiến thuật “Mối quan hệ của chúng ta rất quan trọng” là cách thuyết phục hiệu quả nhất.
🌹 Tính Cách
Tính cách cũng góp một phần, nhưng không quá lớn. Những người có tính cởi mở hoặc dễ lo âu lại tỏ ra “miễn nhiễm” với các chiến thuật thuyết phục hơn.
Kết Luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người phạm lỗi có thể vận dụng sáu loại chiến thuật để mong được tha thứ:
Hứa hẹn sẽ không tái phạm.
Nhấn mạnh rằng mối quan hệ này là quá quan trọng để từ bỏ.
Đổ lỗi rằng đối phương cũng có phần khiến họ lầm đường.
Đề nghị hàn gắn mối quan hệ (như đi tư vấn hôn nhân).
Khẳng định rằng chuyện kia chỉ là thể xác, không có tình cảm gì.
Nhờ cậy bạn bè, gia đình, thậm chí là con cái để xin sự tha thứ.
Đáng chú ý, gần một nửa số người tham gia thừa nhận rằng họ có thể bị thuyết phục bởi ít nhất một trong những chiến thuật trên.
Còn bạn, bạn nghĩ mình sẽ bị lay động bởi cách nào nhất?
Image: Sammy-Sander/Pixabay
Nguồn: Psychology Today