Xuyên suốt lịch sử loài người, mỗi khi có một phát minh mới ra đời, có hai điều chắc chắn sẽ xảy ra. Đầu tiên, thế giới sẽ phân cực thành hai phe: những người lạc quan về công nghệ (“Thật tuyệt vời!”) và những người bi quan về công nghệ (“Đây là điều tồi tệ nhất trong lịch sử loài người!”). Nhưng điều thứ hai, thường thấy ở những người có tư duy trung lập. Những người này sẽ nói, “Không có công nghệ nào tốt hay xấu. Chính cách con người sử dụng chúng mới quyết định điều đó.”
Máy in có thể in sách khoa học và luận thuyết triết học, nhưng cũng có thể in sách khiêu dâm và công thức chế tạo bom. Máy bay không người lái có thể được sử dụng để giao giấy vệ sinh khẩn cấp hoặc thả bom vào một ngôi nhà. Súng không giết người; người mới giết người.
Nhưng không chỉ các phát minh mới như vậy; mà tài năng bẩm sinh của chúng ta cũng vậy. Các nhà khoa học thông minh có thể mang đến cho chúng ta lò vi sóng và công nghệ vô tuyến, nhưng họ cũng có thể mang đến cho chúng ta tên lửa V2 và bệnh than. Khả năng thấu cảm của chúng ta cũng như vậy – chúng có thể trở thành công cụ phục vụ cho mục đích tốt hoặc xấu. Sự đồng cảm làm con người ta sẵn sàng hy sinh, sẻ chia với đồng loại; nhưng đồng thời, sự đồng cảm cũng có thể trở thành công cụ để người ta thao túng người khác vì lợi ích cá nhân.
1. Thuyết Tâm trí: Chỉ vào những vật thể
“Đồng cảm” là một khái niệm khá phức tạp, chứa đựng nhiều học thuyết chồng chéo và thường có thể thay thế cho nhau. Đồng cảm thường được coi là sự kết hợp giữa “thuyết tâm trí” và “lòng trắc ẩn”. Thuyết tâm trí là khả năng suy luận về suy nghĩ của người khác. Nếu chúng ta đang có một cuộc trò chuyện kéo dài hai tiếng về kỳ nghỉ trên du thuyền của bạn và tôi kiểm tra giờ trên điện thoại, bạn sẽ suy luận rằng tôi đang hơi chán. Đó là thuyết tâm trí về hành động. Đôi khi, chúng ta suy luận về ý định của người khác thông qua ngôn ngữ cơ thể và các tín hiệu phi ngôn ngữ khác. Có thể là qua giọng điệu, nhịp điệu và âm sắc trong lời nói của họ. Nhưng phần lớn, chúng ta xác định qua chuyển động của mắt.
Vào những năm 1990, nhà tâm lý học lâm sàng Simon Baron-Cohen đã đề xuất rằng trẻ sơ sinh học thuyết tâm trí thông qua “sự chú ý chung” (“joint attention” nghĩa là khi trẻ cùng ba mẹ chia sẻ những trải nghiệm). Ví dụ, người bố chỉ vào một chiếc máy bay và nói: “Nhìn vào đây nè! Đây là một chiếc máy bay!”. Người bố và đứa trẻ cùng nhìn vào một vật thể. Cả hai cùng có chung một sự chú ý. Đứa trẻ học được rằng hai người có thể suy nghĩ theo cùng một cách.
Dĩ nhiên, mỗi người có mức độ thuyết về tâm trí khác nhau. Hầu hết mọi người đều suy luận về người khác để hòa nhập và đây là cách xã hội hoạt động. Tuy nhiên, có người nhận ra rằng họ có khả năng đặc biệt về thuyết về tâm trí – họ có thể đọc được suy nghĩ của mọi người và dự đoán ý định của họ dễ dàng hơn nhiều so với những người khác. Họ biết lý do tại sao một đồng nghiệp đang khóc mà không cần phải hỏi. Họ biết khi nào bạn bè sẽ cần sự giúp đỡ của họ. Họ đặt đúng câu hỏi và dẫn dắt cuộc trò chuyện một cách tinh tế. Họ được ban tặng một công cụ. Họ sẽ sử dụng nó như thế nào?
2. Hoffman: Sự mệt mỏi vì lòng trắc ẩn
Một mình thuyết tâm trí không đủ để giải thích cho sự đồng cảm. Biết được người khác đang nghĩ gì hoặc cảm thấy gì không thúc đẩy bạn giúp đỡ người đó. Vì vậy, chúng ta cần lòng trắc ẩn. Ví dụ, tôi có thể biết bạn đang buồn và hành động của tôi đang khiến bạn buồn, nhưng tôi hoàn toàn không có bất kỳ động lực nào để giúp bạn. Hoặc, một nhân vật phản diện tàn nhẫn có thể rất giỏi trong việc thao túng cảm xúc của người khác và gây ra sự đau khổ, nhưng không có bất kỳ ý định nào giảm bớt sự đau khổ đó.
Vậy nên, theo định nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng thuyết tâm trí cần lòng trắc ẩn để trở thành sự đồng cảm. Thuyết tâm trí mang tính trung lập về mặt đạo đức. Những cảm xúc thúc đẩy chúng ta, như lòng trắc ẩn hoặc sự ích kỷ, biến thuyết tâm trí thành đúng hoặc sai.
Nhưng Triết học không bao giờ đơn giản, và cũng có một vấn đề khác ở đây. Đó là điều gì sẽ xảy ra khi một người quá giàu lòng trắc ẩn. Giả sử ai đó vừa có khả năng sử dụng thuyết tâm trí tốt vừa có một lòng trắc ẩn dạt dào. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra? Chính là “đồng cảm quá mức”. Họ sẽ cảm thấy kiệt sức bởi cường độ cảm xúc của người khác đến nỗi việc coi sự đau khổ của người khác thành sự đau khổ của chính mình. Điều này không hẳn là xấu. Bởi vì, nếu chúng ta cảm thấy đau khổ vì nỗi đau của người khác, thì chúng ta càng có xu hướng muốn giúp đỡ hơn. Lòng thương thái quá này sẽ dẫn đến “sự mệt mỏi vì lòng trắc ẩn” và dần dần chúng ta không còn muốn quan tâm đến người khác nữa. Chúng ta sẽ giảm bớt lòng trắc ẩn của mình. Chúng ta sẽ biến trái tim của mình thành sắt đá.
3. Dao động như một con lắc
Đồng cảm sẽ khiến ta mắc kẹt giữa hai lựa chọn khó khăn. Nếu ta không có lòng trắc ẩn, ta có nguy cơ chuyển sang thao túng hoặc chủ nghĩa Machiavellian. Nếu ta có quá nhiều lòng trắc ẩn, ta sẽ trở nên mệt mỏi và vô cảm, cuối cùng mất đi lòng trắc ẩn. Người làm chủ được sự đồng cảm là người có thể đi trên sợi dây giữa hai thái cực đó.
Áp dụng trong thực tế như thế nào? Điều đó phụ thuộc vào từng cá nhân và khả năng chịu đựng “sự mệt mỏi vì lòng trắc ẩn” của họ. Ví dụ, Mahatma Gandhi đã nói về việc tăng cường ý thức phục vụ và lòng trắc ẩn của chúng ta đối với các vòng tròn lớn hơn. Chúng ta bắt đầu với bản thân, mở rộng ra gia đình, sau đó là khu phố, rồi đất nước, rồi thế giới, rồi Vũ trụ.
Hầu hết mọi người sẽ trải qua một số dạng mệt mỏi vì lòng trắc ẩn trên hành trình này. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải đối mặt với hai lựa chọn. Hoặc là rèn luyện bản thân để trở nên từ bi hơn, rèn luyện các cơ đồng cảm của chúng ta để tiếp nhận nhiều hơn sự lây lan cảm xúc. Hoặc, chúng ta giới hạn lòng trắc ẩn của mình trong những vòng tròn hẹp hơn. Bạn có thể chịu đựng được lòng trắc ẩn đến mức độ nào?