Trong quyển “Đố Kỵ”, Joseph Epstein nói rằng, trong bảy mối tội đầu của con người, chỉ có đố kỵ là không mang lại bất cứ niềm vui hay sự thoả mãn nào. “Envy” có nguồn gốc từ tiếng Latin “invidia”, có nghĩa là “mất-thị-giác”. Trong trường ca Thần Khúc, hình phạt dành cho những người phạm tội đố kỵ là bị khâu chặt mí mắt bằng dây chì, ngụ ý rằng sự đố kỵ hoặc được sinh ra, hoặc là kết quả của tầm nhìn hạn hẹp và sự mù quáng.
Để đố kỵ phát sinh cần ba yếu tố. Thứ nhất, chúng ta bị so sánh với một cá thể nào đó vượt trội hơn về tố chất, thành tựu đạt được hoặc tài sản. Thứ hai, chúng ta khao khát ưu thế của người đó, hoặc mong muốn họ bị mất đi ưu thế. Và yếu tố cuối cùng đó là chúng ta bị đau khổ bởi những cảm xúc liên quan đến sự đố kỵ. Tóm lại, đố kỵ là nỗi đau giày vò gây ra bởi những ưu thế của người khác. Trong Old Money, Nelson miêu tả nỗi đau đó như là “cảm giác điên cuồng về sự trống rỗng bên trong bản thân, cứ như vòi bơm của trái tim đang hút phải chân không”.
Đố kỵ là ích kỷ và khốn khổ, và thường được cho là tội lỗi đáng xấu hổ nhất trong thất đại tội. Sự đố kỵ của chúng ta rất khó để thổ lộ, ngay cả đối với bản thân. Nó ẩn sâu trong bản chất con người và phổ biến ở mọi thời đại. Trong thần thoại Hy Lạp, sự đố kỵ của Hera đối với Aphrodite đã tạo nên cuộc chiến thành Troy. Theo Sách Khôn Ngoan, “qua sự đố kỵ của ma quỷ mà cái chết đã bước vào thế giới con người”.
Còn trong Sách Sáng Thế, vì đố kỵ mà Cain đã giết chết người em trai Abel của mình. Và Hindu Mahabharata thì cho rằng đó là do sự đố kỵ ghê tởm mà Duryodhana đã tiến hành chiến tranh chống lại người anh em họ là Pandavas.
Sự đố kỵ thường phát sinh từ những người mà chúng ta hay so sánh với bản thân mình, như người hàng xóm hoặc người họ hàng của chúng ta. Bertrand Russell từng nói, “những người ăn xin không ghen tỵ với các triệu phú, nhưng họ sẽ ghen tỵ với những người ăn xin khác kiếm được nhiều tiền hơn mình”. Thời đại của sự bình đẳng và bùng nổ truyền thông khuyến khích chúng ta so sánh bản thân mình với bất kỳ ai ở mọi lúc mọi nơi, càng tiếp thêm dầu vào lửa đố kỵ. Bên cạnh đó, tâm lý hiện nay là đề cao vật chất, tài sản hữu hình hơn so với những giá trị vô hình và tâm linh. Điều này đã loại bỏ một lực lượng đối kháng có thể làm dịu bớt lửa đố kỵ và làm cho nỗi đau của sự đố kỵ càng trở nên trầm trọng.
Nỗi đau này không phải bắt nguồn từ khao khát những ưu thế của đối phương, mà từ cảm giác thấp kém và thất vọng xuất phát từ việc thiếu hụt các ưu thế đó ở bản thân chúng ta. Nỗi đau đó làm ta phân tâm, ngăn cản bản thân đạt được tiềm năng tối đa. Nó làm ta mất đi bạn bè, đồng minh đồng thời gây áp lực, kiềm chế và suy yếu cả những mối quan hệ thân thiết nhất. Trong một số trường hợp, nó thậm chí có thể dẫn tới các hành động phá hoại, như một đứa trẻ phá vỡ món đồ chơi mà cậu ta biết là không thể có.
Theo thời gian, nỗi thống khổ và cay đắng của chúng ta có thể dẫn đến các vấn đề sức khoẻ như nhiễm trùng, bệnh tim mạch, ung thư và các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo lắng, và mất ngủ. Nếu không cẩn thận phòng tránh, đố kỵ sẽ bào mòn và phá hoại chúng ta một cách triệt để nhất.
Đố kỵ có thể dẫn đến một số phản ứng phòng thủ khó nhận thấy hơn như sự vô ơn, châm biếm, khinh miệt, cáu kỉnh và tự yêu bản thân, tất cả đều có điểm chung là sử dụng sự khinh thường để giảm thiểu mối đe dọa tồn tại bởi ưu thế của người khác. Một cách phòng thủ thường thấy khác đó là kích động sự đố kỵ ở những người mà chúng ta đố kỵ, lý luận rằng, nếu họ ghen tỵ với chúng ta, chúng ta không có lí do để ghen tỵ với họ. Ngoài ra, đố kỵ có thể biến đổi thành sự oán hận: chuyển nỗi đau gây ra bởi cảm giác thất bại và thấp hèn lên thành đối tượng bị oan, sau đó đổ lỗi cho bệnh tật, sự bức hại, cuối cùng là sự hi sinh. Đây là hệ thống phòng thủ tinh vi của tâm lý con người.
Mặc dù được nguỵ trang cẩn thận, đố kỵ thường bị bộc lộ bởi những biểu hiện gián tiếp. Schadenfreude, một từ tiếng Đức có nghĩa là “harm-joy”, được định nghĩa như niềm khoan khoái trước vận xui của người khác. Schadenfreude giúp bán được tin tức và đầy rẫy trên truyền thông ngày nay, như câu chuyện của một chính trị gia bị mất uy tín hay scandal của một người nổi tiếng.
Vấn đề cốt lõi của đố kỵ là nó làm chúng ta bị mù mờ trước bức tranh toàn cảnh. Giống như câu chuyện về Cain và Abel, sự mù mờ này phá huỷ cuộc sống của đối phương và cả chính ta. Khi chúng ta bị sự đố kỵ nắm giữ, ta như thuyền trưởng của một con tàu định phương hướng không phải bằng những vì sao, mà bằng sự méo mó của chiếc kính lúp. Con tàu đi ngang rẽ dọc rất nhiều hướng, để rồi sẽ bị hạ gục bởi đá, rạn san hô hoặc bão. Bằng cách kiềm hãm các năng lực của ta, sự đố kỵ làm cho chúng ta càng dễ lấn sâu vào nó, mở ra một vòng xoắn luẩn quẩn không lối thoát. Và với mí mắt bị khâu ngày càng chặt, chúng ta sẽ sống trong địa ngục trần gian vì bóng tối của sự đố kỵ.
Làm thế nào để làm chủ sự đố kỵ? Chúng ta đố kỵ vì mù mờ trước bức tranh toàn cảnh. Ví dụ, ta ganh ghét người hàng xóm vì chiếc xe mới cóng của anh ta, và hoàn toàn bỏ qua mọi nỗ lực và sự hi sinh để có thể mua được nó, những mối nguy hiểm và sự bất tiện khi sở hữu một tài sản dễ bị dòm ngó như vậy. Theo như Charles Bukowski từng viết,”Không bao giờ đố kỵ với một người đàn ông vì người phụ nữ của anh ta. Đằng sau đó là cả một địa ngục.”
Trong cuộc sống, chúng ta không chỉ giàu bởi những gì chúng ta có, nhưng cả bởi những gì chúng ta không có. Một tay quan tham với khối tài sản kếch xù, nhưng với chút lương tâm ít ỏi sót lại, hắn ta có còn đủ khả năng để tận hưởng những ưu thế của mình? Để làm chủ sự đố kỵ, ta cần phải đặt nó dưới các bối cảnh để phân tích. Bên cạnh đó, chúng ta cần tìm cho mình nguyên tắc và quan điểm sống để làm điều này một cách hiệu quả.
Đố kỵ cũng là một câu hỏi về thái độ. Bất cứ khi nào chúng ta đối diện với một người tốt và thành công hơn mình, chúng ta có thể có những phản ứng rất khác biệt: hứng thú, khâm phục, đố kỵ hoặc ganh đua. Đố kỵ là cảm giác khó chịu khi ta thấy người khác có những ưu thế hơn mình, còn ganh đua là cảm giác khó chịu khi ta thấy bản thân mình chưa có được những ưu thế đó. Đây là một sự khác biệt quan trọng.
Nếu phản ứng bằng sự đố kỵ, chúng ta đã tự đánh mất cơ hội học hỏi từ người khác, dẫn tới sự trì trệ và thất bại. Nhưng nếu phản ứng bằng sự ganh đua, chúng ta mở ra cơ hội học hỏi, từ đó cải thiện bản thân mình. Trong khi đố kỵ đem đến sự vô dụng và thất bại định trước, thì sự ganh đua mở ra con đường để ta phát triển, và dần dần đạt được những ưu thế của người mà ta ganh đua, từ đó đem đến thành công, sự thoả mãn và hạnh phúc.
Tại sao chỉ một số người có thể phát triển hơn nhờ sự ganh đua còn đa phần thì lại bị đố kỵ kiềm hãm? Aristotle cho rằng sự ganh đua thường được cảm nhận bởi những người có khuynh hướng xem trọng đạo đức, danh dự, có sự tôn trọng với bản thân và niềm tin rằng họ xứng đáng với những điều tốt đẹp mà họ chưa đạt được.