Ông Bà ta quá trí tuệ, một nồi nước sôi thì không bao giờ thấy được đáy và cũng không soi được mặt mình trên đấy.
Một mặt hồ dậy sóng thì mọi thứ trên nó đều xao động theo, lửa sân nó lên thì nó làm mất cân bằng hơi thợ, khí huyết nó đẩy lên mặt, nên đỏ tía, hơi thở sẽ gấp gáp ngay, nhất là đôi mắt, rất thất thần, thất thần là anh em đã mất kết nối với cái thần của mình, nơi kết nối trí tuệ và sự cân bằng của mọi thứ trên thân tâm.
Nên hơi thở là chìa khoá để bước qua cơn giận dữ, thở đều lại, chính là, làm cho mặt nước bớt sôi, để mọi thứ dưới đáy bắt đầu hiện ra.
Thở đều lại, để các kết nối trong thân tâm mình được kết nối và cân bằng lại và không xao động nữa. Người nào hài hoà được hơi thở dù trong bất kỳ tình huống nào là người có sức mạnh nội tại rất cao. Nó là một sự thực hành kiên trì rõ ràng, chứ không phải tự động mà có.
Chỉ cần 1 dao động nhỏ trên thân tâm thôi, hơi thở loạn nhịp, thì anh em sẽ bắt được ngay, thấy được sự sinh của nó, rồi nó duy trì thế nào rồi … nó diệt ra sao.
Quan sát hơi thở là một cách tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng sự kiên định và tăng trưởng cả lòng từ. Anh em hiểu tại sao người ta hay ngồi tập quán sát hơi thở ra, hơi thở vào, là có lý do của nó.
Thấy được hơi thở là bắt đầu có định, mà có định rồi thì như mặt nước yên tĩnh rồi, thì anh em mới soi được mặt mình, và soi tận dưới đáy có cặn gì hay không.
Nên khi thấy bất kỳ ai gặp điều bất như ý, thì cái đầu tiên tôi quan sát là ánh mắt và hơi thở họ đang thế nào, nó dễ thấy lắm, anh em nhìn lâu ngày, sẽ ra là người đó có đang chánh niệm với cảnh trần bên ngoài và cả thân tâm mình hay không.
Không chỉ điều mình không thích đâu, mà ngay cả khi đối diện với điều mình thích, thì hơi thở mình cũng thay đổi, nó kích hoạt tâm tham, từ thô đến tế, hơi thở đều sẽ thay đổi từ nhẹ đến mạnh.
Người dễ nổi giận có 3 nguyên nhân chính:
1. Người càng đau khổ bên trong thì càng dễ cáu, dễ sân, dễ giận với vật, với người, với chuyện bất như ý bên ngoài. Nên bên trong càng bộn bề thì khả năng sân hận luôn trực chờ từng giây từng phút. Người có sự an tĩnh bên trong lâu ngày, không dễ bị sân hận vì những bất như ý thông thường.
2. Không biết cách nhận biết và quán hơi thở khi tâm khởi. Mọi tâm tham sân trồi lên thì hơi thở luôn dao động đồng thời. Quán được sự thở là bước cơ bản để quán tâm mình sinh khởi và trụ diệt thế nào.
3. Tập khí xưa cũ quá mạnh, dù anh em có đọc và học thuộc bài này 100 lần nhưng sân thì vẫn sân, giận thì vẫn giận.
Anh em hiểu trên trí (lý thuyết) nhưng cái tiến trình tâm và tập khí cũ nó đã ăn sâu vào vô thức của anh em quá lâu rồi. Nên đụng chuyện là anh em vô thức giận luôn, không kịp nghỉ. Đó là tại sao, trước khi quán được sự thở thì anh em phải có giới luật. Giới luật là cái khiêng (shield) để bảo vệ anh em khi gặp đúng sự việc dễ làm anh em sân lên.
Ví dụ 1, anh em biết gặp người đó là anh em sẽ sân hận lắm, không cầm lòng được, vậy thì đừng gặp. Tạm né người đó ra.
Ví dụ 2, khi nghe điều anh em không thích, hay kết quả không như ý, biết tánh mình hay giận, thì xin phép đi ra chỗ khác, nghỉ làm 1 ngày, hay hẹn hôm khác nói chuyện tiếp. Lửa sân sôi sùng sục thì càng nói càng lú.
Cho nên, giận quá mất khôn là vậy, giận không xấu, con người ai cũng hỷ nộ ái ố đủ cả, nên chúng ta mới hồ đồ có mặt ở cõi này. Nhưng khi giận lên mà mình nói năng, hành động thiếu trí tuệ thì mình sẽ làm cái nhân quả của mình theo chiều hướng tệ đi, và tập khí cũ trở nên nặng nề hơn.
Rút lại, muốn bình tĩnh trước điều bất toại nguyện, một là có giới luật rõ ràng, để cản mình lại khi mình không quán được hơi thở nữa. Hai là định, quán hơi thở để mặt hồ lặng xuống, ba là biết rõ, do mình hiểu sai cái gì, (vô mình cái gì) mà lại giận như thế, đó là trạch pháp, biết tại sao mình sân.
Tập đi anh em, rồi sẽ thấy tâm mình đầy rác trong đó !
Cheers
Bác 7B
——-
Hình của Christa