Tất cả chúng ta đều từng nhận được những món quà kỳ lạ từ những người chúng ta yêu thương. Tôi nhớ mình đã nhận được một thẻ quà tặng của công viên giải trí Six Flags từ bạn gái thời đại học. Chúng tôi chưa hẹn hò được lâu nên cô ấy không thực sự hiểu rõ về tôi. Thực ra, tôi không thích công viên giải trí. Tôi không biết làm cách nào để cô ấy nghĩ ra ý tưởng đó, nhưng khi nghĩ lại, tôi nghĩ điều đó cũng khá tuyệt đấy chứ.
Hồi đó, giống như một kẻ ngốc vậy, tôi đã cau mày ngay lập tức khi cô ấy tặng tôi món quà. Và cô ấy biết tôi không thích nó. Vài ngày sau, tôi hỏi cô ấy xem cô ấy có thể được hoàn lại tiền không.
Nếu tôi có Tư duy Khắc kỷ vào thời điểm đó, tôi đã không đánh giá món quà một cách vội vàng như vậy. Tôi đã thử trải nghiệm nó. Có lẽ chúng tôi sẽ có một ngày tuyệt vời và tạo ra nhiều kỷ niệm thú vị. Bạn không bao giờ biết được điều đó sẽ xảy ra.
Gần đây, tôi đọc lại cuốn “Suy Tưởng” của Marcus Aurelius. Tôi để ý ông viết rất nhiều về việc chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra với ta trong cuộc sống. Đó là một trong những nguyên tắc cốt lõi của Chủ nghĩa Khắc Kỷ. Nhưng những người theo Chủ nghĩa Khắc Kỷ không chỉ đơn thuần là chấp nhận những sự kiện bên ngoài.
Hầu hết mọi người đều thích trời nắng quanh năm, nhưng kể cả khi trời mưa, chúng ta vẫn buộc phải chấp nhận. “Ôi không, trời lại mưa rồi!” Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta: Thương tích, mất mát, nền kinh tế, hành động của người khác, v.v. Nhưng tất cả đều phụ thuộc vào cách chúng ta đón nhận chúng. Hầu hết chúng ta chấp nhận mọi thứ vì chúng ta nhận ra mình không còn lựa chọn nào khác. Nhưng những người theo Chủ nghĩa Khắc Kỷ chấp nhận mọi thứ như thể họ muốn nó ngay từ đầu. Đó là một sự khác biệt nhỏ, nhưng có tác động rất lớn đến cách bạn sống. Marcus gọi đây là khả năng “chấp nhận thực tế mà không phán xét”.
Khi bạn hài lòng với những gì mình có và chấp nhận mọi điều xảy ra, bạn không cần phải đấu tranh với thực tại nữa. “Tại sao điều này lại xảy ra với tôi? Tại sao trời lại mưa?
Tại sao đại dịch lại xảy ra? Tại sao vắc-xin không được phát minh ra sớm hơn? Tại sao đồng nghiệp không thể phản hồi nhanh hơn?” Chúng ta tiêu tốn rất nhiều năng lượng tinh thần vào những việc như thế này. Đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta không chấp nhận các sự kiện bên ngoài hoặc chấp nhận chúng với sự phán xét.
Đây dường như là phản xạ bẩm sinh của chúng ta đối với cuộc sống. Chúng ta cần có được những gì mình muốn và cần tránh những gì mình không muốn. Nhưng mọi thứ thường diễn ra ngược lại. Chúng ta nhận được những gì mình không muốn và không thể tránh khỏi những kết quả không mong muốn. Nhiều người cố tránh không nhiễm Covid, nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng mình không miễn nhiễm với vi-rút trừ khi có kháng thể.
Vì vậy, đừng mong đợi mọi thứ như ý mình. Thay vào đó, hãy sẵn lòng đón nhận tất cả như thể bạn muốn chúng xảy ra. Đây là một thủ thuật của tâm trí. Và về cơ bản là bạn đang tự đánh lừa mình. Nhưng phương pháp này thật sự có hiệu quả. Marcus cũng có những suy nghĩ tích cực về vấn đề này: “Hãy hài lòng với những thứ ngươi đang có, và chấp nhận thực tại – mọi thứ trong đó. Hãy thuyết phục bản thân rằng mọi thứ đều là món quà từ thần linh, rằng mọi thứ đều tốt đẹp và sẽ luôn như thế, bất kể thần linh có quyết định hay thai nghén điều gì cho cái thực thể hoàn hảo ấy – sự tốt đẹp, công bình, và đẹp đẽ, tạo ra mọi thứ, kết nối và nâng niu trân trọng chúng, và thu thập những mảnh vụn rời rạc để tạo thêm nhiều những thực thể tương tự.”
Tôi thích việc tự thuyết phục rằng mọi thứ đều là món quà của Tạo hoá. Cần nhấn mạnh rằng, cách ta nhìn thế giới cũng đòi hỏi việc thực hành. Vậy nên, nếu bạn cho rằng lời khuyên trên có vẻ điên rồ, thì bạn đúng, tôi cũng từng thấy thật điên rồ khi coi những thứ ta không muốn là một món quà. Nhưng hãy thử xem. Bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thoải mái hơn rất nhiều. Bởi khi đó, không có gì có thể làm hại bạn. Chúc các bạn mọi điều tốt đẹp.