Con người được sinh ra với ba cơn khát (theo cấp bậc từ thấp lên cao): Cơn khát vật chất – Cơn khát tinh thần và Cơn khát tâm linh.
Đô ăn, tiền, sự giàu sang, kể cả danh vọng là những thứ giúp thoả mãn cơn khát vật chất của bạn, cấp độ thân thể lẫn tâm trí.
Cái đẹp, nghệ thuật, tình yêu là thứ giúp thoả cơn khát tinh thần, tức cơn khát của trái tim.
Thiền, sự giải thoát, giác ngộ là thứ giúp giải toả cơn khát tâm linh – cơn khát của linh hồn.
Trong Kito giáo thường nhắc tới “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra và nước ấy chảy tới những đâu thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên: Halleluja. Halleluja.” Nước này đại diện cho thứ giải toả cơn khát của linh hồn bạn.
Kito giáo rất giỏi trong việc vận dụng mọi yếu tố nghệ thuật vào các buổi lễ: từ âm nhạc, ca hát: mọi lời kinh cầu đều được phổ nhạc; rồi quần áo trang phục của linh mục lẫn người đi lễ nhà thờ đều rất được chú ý quan tâm. Rồi nghệ thuật vẽ, điêu khắc, cắm hoa, bài trí… mọi thứ đều được tính toán và cân đo đong đếm cẩn thận. Mỗi nhà thờ đều theo một kết cấu bài trí chung nhưng cũng mỗi nhà thờ đều có nét cá tính riêng độc đáo về trang trí, hoạ tiết, thiết kế. Thật thú vị.
Kito giáo cho rằng nghệ thuật có thể là chiếc cầu đưa bạn tiếp cận một thế giới khác. Phật giáo cho rằng nghệ thuật là thứ cản trở bạn tiếp cận thế giới khác. Ai đúng ai sai? Thật ra chẳng có gì đúng cũng chẳng có ai sai. Theo cách tiếp cận của tôi, theo sở thích “hoà hợp” mọi quan điểm của tôi thì hai cách nhìn của hai tôn giáo này bổ sung cho nhau, làm hoàn thiện nhau một cách hoàn hảo tuyệt vời.
Đây là cách nhìn của tôi về Nghệ thuật: Nghệ thuật là cây cầu giữa thế giới vật chất và tâm linh như thế nào?
Nó quả thực là cây cầu đó, nhưng là cầu vồng. Bạn thấy cầu vồng chứ: sự kết hợp hoàn hảo và tinh tế của nắng và mưa, tia ánh sáng và hơi nước. Bạn đã từng thấy ai bước trên cầu vồng chưa? Rõ là chưa vì nó không có thật. Một thứ vừa có thật vừa không có thật, tuỳ vào cách nhìn của bạn về nó.
Nghệ thuật cũng vậy. Hãy thử nghĩ về cơn đói. Khi một người nghèo với cái bụng đói quặn lên, run rẩy. Liệu người đó sẽ ăn bất cứ gì trên bàn ăn hay người đó sẽ nhịn cho đến khi được phục vụ món sushi cá hồi? Tất nhiên người đó phải nhét đầy cái bụng mình cho nó hết đói đã. Người đó thậm chí còn chẳng biết rằng trên đời có những người mà việc ăn uống của họ không phải để thoả mãn vị giác, nhưng là để no tất cả các giác quan khác nữa.
Người Nhật với tiêu biểu là món sushi và sashimi, được thế giới coi như một biểu tượng trong nghệ thuật ăn uống. Người Nhật làm mọi thứ với một tinh thần nghệ thuật rất cao, từ việc ăn cho đến cả uống trà, tất cả đều đượm một tinh thần nghệ thuật bậc thầy.
Khi người ta giàu có và văn minh hơn mức vật chất trung bình của xã hội thì người ta sẽ càng ngày càng chú trọng vào các yếu tố nghệ thuật, tinh thần.
Một nước giàu có luôn xem trọng nghệ thuật hơn các nước nghèo đói. Một người giàu có cũng thường có điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật nhiều hơn và nhờ đó mà nâng cao khướu thẩm mĩ cùng phong cách sống của họ ngày càng tinh tế, điệu nghệ. Nhưng giàu-nghèo không phải lý do. Lý do nằm ở việc khi người ta có điều kiện thì người ta sẽ chọn “nuôi dưỡng” cơn đói nào: cơn đói của tâm trí hay cơn đói của tâm hồn?
Khi người ta giàu về vật chất, người ta sẽ bận tâm tới những nhu cầu cao cấp hơn. Người giàu sẽ ủng hộ dùng tiền thuế để xây nhà hát, nhà triễn lãm, trung tâm văn hoá nghệ thuật. Người nghèo chỉ muốn tất cả tiền thuế để xây thêm trường học, bệnh viện, nhà tình thương-tình nghĩa… mà thôi. Ai cũng có lý do của họ.
Một người no đủ vật chất sẽ bắt đầu hướng tới tinh thần. Một người no đủ về tinh thần sẽ bắt đầu hướng về tâm linh. Đây là ba tầng trong kim tự tháp nhu cầu của con người muôn thời đại.
Tiền bạc vật chất nếu được sử dụng đúng cách có thể khiến cuộc sống con người trở nên đủ đầy, toàn vẹn, sâu sắc hơn. Nó sẽ hướng người ta tới thế giới của cái đẹp, của nghệ thuật.
Thế rồi nghệ thuật nếu được sử dụng đúng cách sẽ đưa con người vượt lên trên tất cả, hướng tới một thế giới mà luôn được mọi tôn giáo đề cập tới: nơi người ta sẽ không đói khát bao giờ, nơi chỉ có an yên phúc lành tràn ngập, nơi chỉ có tình yêu và tình yêu vĩnh hằng…
Tôi sẽ giải thích cái cách mà nghệ thuật đưa tôi tới thế giới ấy, đúng hơn là một thoáng nhìn về thế giới ấy.
Ngày xưa tôi bận tâm về tiền bạc nhiều. Tôi rất thích kinh doanh và làm gì cũng chỉ mong nó sinh nhiều lợi nhuận. Khi đời sống vật chất tương đối đảm bảo, kết hợp một tinh thần sống đơn giản, tôi bắt đầu hướng bản thân theo nghệ thuật. Bây giờ thì việc tôi làm mang tính nghệ thuật nhiều hơn, kể cả khi nó là việc kinh doanh, nó cũng mang tính nghệ thuật sáng tạo.
Cái hay ở chỗ khi bạn làm việc trong tinh thần nghệ thuật thì dần dà nó đều sinh lợi theo cái cách mà chính bạn cũng không ngờ. Nghệ thuật làm giàu cuộc sống bạn theo cách đẹp hơn, thơ hơn kinh doanh rất nhiều.
Để bạn dễ hình dung, tôi tạm chia khả năng cảm thụ nghệ thuật làm ba bậc.
Bậc một cho người mới “nhập môn” là khi bạn chỉ thấy cái đẹp khi có nghệ sĩ phô bày tác phẩm sáng tạo của họ. Ví dụ bạn chỉ thấy một cô gái là đẹp sau khi cô ấy đã được trang điểm. Bạn chỉ thấy mặt trăng đẹp khi đọc thơ ai đó tả về trăng. Bạn chỉ thấy hoa sen đẹp khi ai đó vẽ chúng trên vải và trưng bày trong phòng triễn lãm. Bạn chỉ thấy âm nhạc là hay khi nó đi kèm với lời hát hay.
Bậc hai khi khả năng cảm thụ nghệ thuật, cảm nhận cái đẹp của bạn được nâng lên. Bạn bắt đầu chuyển qua nghe nhạc giao hưởng, nhạc không lời vì biết rằng âm nhạc đó thuần khiết hơn, lời hát chỉ là thứ trang trí nhất thời. Bạn bắt đầu mê mẩn ánh trăng và ngắm nhìn trăng vào những ngày trăng tròn thật đẹp. Bạn bắt đầu yêu quý vẻ đẹp của hoa sen đến nỗi tất cả vẻ đẹp của hoa khác đều bị lu mờ trước hoa sen. Bạn nhìn hoa sen theo cách không một ai khác nhìn ra: sự thanh tao của nó, vẻ đẹp của những giọt sương đọng trên cánh hoa hay trên tàu lá. Bạn cũng có thể cho rằng hoa sen mới xứng đáng là nữ hoàng, không phải hoa hồng. Bạn bắt đầu nhìn những cô gái với đôi mắt của một nghệ sĩ trang điểm: ai cũng có thể trở nên xinh đẹp như hoa hậu, chỉ cần biết tìm một “phù thuỷ hoá trang”. Đây là cấp bậc thứ hai của nghệ thuật. Theo tôi, những nghệ sĩ còn nhiều cái tôi và nhấn mạnh phong cách cá nhân thường ở cấp độ này.
Thế rồi có một cấp độ thứ ba của nghệ thuật: cấp độ tâm linh. Khi cái tôi và tâm trí phân biệt của người nghệ sĩ lẫn người thưởng thức nghệ thuật tan biến đi, chỉ còn một trái tim vô tư thuần khiết và một đôi mắt trong veo luôn trầm trồ kinh ngạc trước cuộc triễn lãm nghệ thuật lớn nhất trên đời: chính là Thế giới này, Trái đất này, Cuộc sống này.
Cấp độ tâm linh này xảy ra khi người ta bắt đầu nhận ra: Thượng đế chính là nghệ sĩ tài ba nhất và công trình sáng tạo của Ngài, tức cuộc sống này là tác phẩm sáng tạo tuyệt hảo nhất.
Thế thì người ta trân trọng vẻ đẹp trong bất cứ loại hoa nào người ta thấy, từ hoa sen, hoa hồng, hoa cúc, hoa ly, hoa vạn thọ hay kể cả bông hoa dại. Người ta yêu tất cả, không phân biệt.
Thế thì người ta nhận ra âm nhạc nguyên bản nhất không hẳn là nhạc không lời, nhưng là những âm thanh trong cuộc sống: tiếng lá reo rì rào trong gió, tiếng chim hót rả rích trong lùm cây, tiếng dế kêu ngoài sân một buổi tối mùa hè, tiếng nước chảy róc rách từ trong khe suối… Tất cả những âm thanh đó đều trở thành âm nhạc, âm nhạc tuyệt vời nhất. Cuộc sống người ta trở nên được bao quanh bởi âm nhạc, từ sáng tới tối.
Thế thì người ta không còn bận tâm bình luận người này đẹp hay xấu, người kia ngoại hình ra sao. Người ta đơn giản tôn trọng sự khác biệt của tất cả mọi người và thậm chí còn nhìn thấy cái đẹp ở khắp mọi nơi người ta để tâm tới. Một cô nàng bán cá ngoài chợ dù bao quanh bởi những mùi tanh của cá nhưng cô ấy vẫn luôn có nụ cười thật đẹp, thật tươi. Một cô bán đi thu gom rác có giọng nói sao mà ngọt ngào trầm ấm. Một cô hàng xóm có khướu hài hước ăn đứt mọi danh hài nhưng trước đây bạn chẳng để ý bao giờ…
Thế thì người ta bắt đầu thấy cái đẹp trong mọi sự, mọi người, mọi nơi. Rồi người ta cũng thấy sự hoàn hảo trong mọi tình huống. Khi thuận lợi – có cái đẹp. Khi khó khăn – có cái đẹp. Trong nụ cười có cái đẹp; trong nước mắt có cái đẹp. Trong nắng vàng có cái đẹp, trong cơn mưa xám cũng có cái đẹp. Trong sum họp có cái đẹp và trong chia ly cũng có cái đẹp. Cái đẹp và sự hoàn mỹ bao trùm lên mọi tạo vật, trong mọi hoàn cảnh. Sự sống này là một công trình nghệ thuật kì vĩ, đẹp tuyệt vời. Mà không chỉ sự sống mới đẹp đâu. Cái chết cũng đẹp nữa. Một người già qua đời hay thậm chí người trẻ qua đời cũng không phải chuyện để mà khóc than. Vì mọi sự xảy ra đều đáng xảy ra. Hoa mười giờ nở vài tiếng rồi tàn và nó đẹp. Hoa hồng nở một vài ngày rồi tàn và nó đẹp. Hoa anh đào, hoa mai chỉ nở một lần trong một năm, vẫn đẹp. Chỉ có hoa nhựa không bao giờ tàn, không bao giờ heó, không bao giờ chết… là không đẹp.
Sống có cái đẹp của sống. Chết có cái đẹp của chết. Âm nhạc có cái đẹp của âm và sự im lặng cũng có cái đẹp của nó. Khoảnh khắc bạn nhìn ra cái đẹp ở khắp mọi nơi trong cuộc sống và trân trọng chúng với tất cả lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ, lòng cảm mến. Đấy là bạn đã dùng nghệ thuật thành công như một cái cầu, một cái thang dẫn bạn đến thế giới tâm linh. Nghệ thuật phô bày cho bạn cái đẹp của thế giới bên ngoài.
Thiền, tức là im lặng, cảm nhận mọi thứ với trái tim rộng mở, cái đầu trống rỗng không phân biệt – là thứ sẽ mang cho bạn đôi mắt để nhìn thấy cái đẹp của thế giới bên trong. Thứ mà tôn gíao gọi là tâm thức của bạn.
Thiền theo cách hiểu đơn giản là nghệ thuật lau sạch tâm trí và nhờ đó lau luôn những bụi bặm đang bám trên con mắt thứ ba của bạn.
Khi con mắt này không còn đóng bụi, bạn sẽ nhìn thấy Niết bàn, thấy Thượng đế, thấy Luân hồi, thấy Đạo, thấy Chân lý. Nói đơn giản hơn nữa: thấy phúc lạc và bình an.
Tôi đã sử dụng nghệ thuật thành công như một cây cầu nâng nhận thức của mình về cuộc sống. Cuốn sách này là nỗ lực của tôi để mong bạn cũng có thể bắt đầu quan tâm tới nghệ thuật, tới cái đẹp, tới tâm linh và thiền sau khi thế giới vật chất không còn làm thoả cơn khát của bạn nữa…