Nếu bạn từng đọc bài viết của tôi trước đó, bạn có thể sẽ thắc mắc, “Ơ tôi biết bạn là ai mà”.
“Ồ, bạn biết sao?” Tôi sẽ hỏi lại.
Bạn sẽ nói, “Bạn là một nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động cộng đồng, người cha, người chồng và vô cùng bận rộn.”
Tất cả những điều đó đều đúng, nhưng tôi lại thấy mình lạc lối hơn bao giờ hết. Có lẽ chính việc không thể nhìn thấy phía trước đã gây ra điều này. Nếu tôi biết mọi chuyện sẽ đi đến đâu, tôi sẽ không cảm thấy không có mục đích đến thế.
Khi còn bé, bố mẹ đã nói rõ cho tôi biết về định hướng tương lai của mình. Tôi sẽ học trung học rồi đại học, sau đó tìm hiểu xem mình nên làm gì với cuộc đời mình. Tôi sẽ chọn một công việc và hạnh phúc.
Thế chẳng phải là tôi sẽ không dành cả cuộc đời mình để đi loanh quanh, cố gắng biến sở thích này thành sở thích khác.
Ồ, chờ đã. Nhưng đúng là tôi đã loay hoay như vậy.
Trong thời gian học trung học, tôi đam mê và sống trong âm nhạc và biểu diễn. Tôi bắt đầu chơi nhạc cụ từ lớp sáu và khá giỏi so với những bạn khác ở trường. Tôi luôn là người đứng thứ hai sau một cậu bé tên là Michael, cùng tuổi với tôi. Tuy nhiên, tôi đã tham gia biểu diễn trong concert, các buổi diễu hành và hoà nhạc hàng đầu. Tôi thậm chí còn chơi trống cho dàn nhạc trong các vở nhạc kịch. Việc tiếp tục hành trình âm nhạc của mình tại Đại học Bắc Texas, một trong những trường âm nhạc hàng đầu trong nước, dường như là điều hiển nhiên.
Còn phải làm gì nữa? Đó là tất cả những gì tôi biết, điều duy nhất tôi có vẻ làm tốt và thích thú.
Bạn bè bảo tôi nên “theo học về máy tính” như thể họ biết ý nghĩa của cụm từ đó. Tôi thích trò chơi điện tử như bao thiếu niên sống ở thập kỷ 90 khác, và cuối cùng tôi bắt đầu tự chế tạo máy tính của riêng mình, nhưng sở thích không phải lúc nào cũng trở thành lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Vì vậy, vào năm 2001, tôi bắt đầu học đại học tại UNT và nhận ra khả năng của mình không hề nổi bật so với người khác, nhưng cũng không tệ. Tôi được coi là tài năng, nhưng lẽ ra tôi có thể xuất sắc hơn. Sau học kỳ đầu tiên, tôi gọi cho mẹ và muốn thay đổi ngành học, nhưng mẹ khuyên tôi hãy kiên trì và rồi tôi sẽ điều chỉnh, cải thiện được.
Tuy nhiên, sau 2 năm rưỡi và hàng nghìn đô la khoản vay sinh viên, tôi không biết phải làm gì vì tình yêu dành cho âm nhạc của mình đã cạn kiệt.
Ngoài âm nhạc ra, tôi còn thích làm gì? Tôi thích trò chuyện. Tất cả những người quen tôi đều nhận định rằng tôi là một người giỏi giao tiếp. Bạn bè, người yêu và bố mẹ đều thích trò chuyện với tôi. Việc lựa chọn ngành truyền thông dường như là một quyết định hiển nhiên.
Tất cả, từ diễn xuất, diễn thuyết, tranh luận, biện luận,… đều đến với tôi một cách tự nhiên do tôi đã có thời gian đứng trên sân khấu ở trường cấp hai và cấp ba. Không ai biết rằng tôi thấy chán chường và lạc lối.
Còn gì tôi có thể làm nữa? Đó là tất cả những gì tôi biết, điều duy nhất mà tôi có vẻ làm tốt và thích thú.
Thêm 4 năm trôi qua, và vào năm 2007, tôi tốt nghiệp chuyên ngành Truyền thông. Tôi có thể nói chuyện cùng bạn một cách vòng vo và luôn sử dụng nó để thắng trong những cuộc tranh luận với bạn bè và vợ tôi, những người đã từ chối tham gia vào hầu hết các cuộc tranh cãi. Mặt khác, các anh tôi vẫn biết phải “xử” tôi thế nào.
Sau khi tốt nghiệp, tôi lại phát hiện ra tất cả những kỹ năng tôi đã học được chỉ là một phần rất nhỏ ở thế giới bên ngoài. Thú vị là, tôi đã xem các tin tuyển dụng và nhận thấy không ai cần một “Người Giỏi Lắng Nghe” hay “Người Có Nền Tảng Về Giao Tiếp”. Vì vậy, ở tuổi 25, khi sắp có đứa con đầu lòng, tôi quay trở lại với sở thích đã mất từ lâu của mình – máy tính.
Tôi sẽ làm gì khác? Đó là tất cả những gì tôi biết, điều duy nhất tôi có vẻ làm tốt và thích thú.
Tôi đã có được công việc mơ ước của mình tại Apple Store ở Fort Worth, và chứng kiến sự ra mắt của những chiếc iPhone đầu tiên và thậm chí là cả iPad. Tôi cũng ở lại đủ lâu để chứng kiến Steve Jobs già đi, mắc bệnh ung thư và qua đời. Tôi đã nhiều lần làm việc qua đêm đến tận 6h sáng hôm sau, với tư cách là thành viên của đội ngũ thiết kế hình ảnh. Đồng thời, tôi làm việc bán thời gian với mức lương 10 đô la một giờ.
Cuối cùng, tôi được ký hợp đồng làm việc toàn thời gian và leo lên bậc thang để trở thành một thiên tài đứng sau Genius Bar. Đối với những người không quen với thuật ngữ này, tôi là một kỹ thuật viên sửa máy tính và iPhone. Nhưng, sau 5 năm, tôi không thể chịu đựng được việc bỏ lỡ các kỳ nghỉ, các cuộc họp mặt gia đình, hay xa rời con mình. Tôi rời Apple vào năm 2013 và chuyển sang làm Công nghệ Thông tin cho một tổ chức phi lợi nhuận trong nhóm hỗ trợ kỹ thuật của họ.
Sau 5 năm nữa, bước vào tuổi 32, tôi không muốn làm kỹ thuật viên hỗ trợ và chuyển sang điện toán đám mây. Tôi đã thử qua các công việc khác nhau, làm việc cho các nền tảng E-Learning khác nhau và tôi vẫn đang tiếp tục.
Cách đây vài năm, khi gần 40 tuổi, tôi bị chẩn đoán mắc ung thư (may mắn là không phải ung thư) và chuyện này đã làm thay đổi quan điểm của tôi về cuộc sống. Sự thay đổi trong niềm tin tôn giáo, tinh thần và triết lý của tôi. Tôi tìm hiểu sâu hơn về triết học và Đạo giáo, nuôi dạy 3 đứa con ở tuổi thiếu niên, và phát hiện ra rằng con trai tôi có tính hướng đặc biệt.
Sau tất cả những lựa chọn trong sự nghiệp, gia đình và cuộc sống, tôi nhận ra mình có hàng chục năm kinh nghiệm có thể chia sẻ. Vì vậy, tôi đã cố gắng truyền tải những cảm xúc mãnh liệt mà trước đây tôi vẫn kìm nén thông qua mong muốn được viết lách. Tôi đã sáng tác thơ và truyện ngắn khi còn học đại học, nhưng đã bỏ qua nó vì máy tính. Bây giờ, tôi bắt đầu luyện viết trở lại và tập hợp những người xung quanh có cùng mong muốn với tôi.
Còn làm gì khác được nữa? Đó là tất cả những gì tôi biết, điều duy nhất điều duy nhất tôi có vẻ làm tốt và thích thú.
Steve Jobs từng nói, “Bạn không thể kết nối các điểm để tiến về phía trước, bạn chỉ có thể khi nhìn lại phía sau.” Nhưng thật khó để nối bất kỳ điểm nào khi tôi nhìn vào cuộc đời mình. Tôi không thấy một đường thẳng từ điểm này đến điểm khác như con chim hay máy bay. Thay vào đó, tôi thấy một mạng lưới – một tập hợp các đường ray tàu trải rộng khắp thành phố rộng lớn nơi tôi sống.
Không bao giờ có bản đồ hay hướng dẫn viên. Tôi nghĩ về những thách thức mà cuộc sống đặt ra và đưa ra lựa chọn. Không có cuốn sách hay giọng nói nào vọng từ thiên đường chỉ dẫn tôi phải làm gì khi bạn gái 19 tuổi của mình mang thai, hoặc tôi nên chọn trường đại học nào. Câu nào trong Kinh Thánh hay Đạo Đức Kinh đã dạy tôi nên chọn chuyên ngành gì? Tôn giáo và triết học không trả lời những câu hỏi của tôi hay cho tôi lời giải cho những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng đã cung cấp cho tôi những giới hạn.
Nếu tôi là một chiếc xe, và cuộc đời của tôi là một hệ thống đường xá rối rắm (chào mừng bạn đến với Dallas), vậy thì Đạo giaó là dải phân cách màu vàng của tôi. Không phải là Google Maps hay GPS, vì nó không chỉ cho tôi biết phải đi đâu, nhưng nó sẽ giúp tôi đi đúng đường. Đạo giáo giúp tôi biết mình có thể đi đâu. Tôi có thể nhìn xung quanh và xem ai đang đi cùng đường. Chúng ta không có cùng một điểm đến, nhưng chúng ta đi cùng nhau.
Bây giờ tôi đi chậm hơn. Tôi đưa ra quyết định khi chúng phát sinh và không bao giờ lo lắng về quá khứ. Ngay cả khi nhìn lại, cuộc sống không phải lúc nào cũng là trò chơi nối các điểm, vì không ai có thể hiểu được hàng nghìn tỷ hành động đã dẫn bạn đến ngày hôm nay.
Câu chuyện về người nông dân Trung Quốc của Alan Watts dạy chúng ta rằng không ai có thể biết một sự kiện là may mắn hay bất hạnh. Vì vậy, nhìn lại cuộc đời chính mình, tôi chỉ biết tất cả những gì tôi trải qua đều đã xảy ra. Những hoàn cảnh không nhất thiết phải xảy ra như chúng đã xảy ra, và tôi hiếm khi chọn một con đường không kết thúc bằng một giải pháp hoàn toàn khác so với dự định của tôi.
Hành trình, cuộc sống và những trải nghiệm của tôi tạo nên bức tranh về nguồn gốc của tôi, nhưng không phải là quả cầu pha lê về đích đến của tôi. Không ai có thể biết chắc số phận của mình, và suy đoán của bạn cũng giống như của tôi về nơi cuộc sống sẽ đưa bạn đến. Tuy nhiên, tôi biết một sự thật duy nhất mà tôi muốn chia sẻ.
Tôi là tôi, và tôi đang đi. Vậy hãy đi tiếp nào.