Mắt thấy tai nghe còn chưa dám chắc sự việc đó là đúng, huống gì nghe truyền tai nhau thì thông tin nó còn méo mó đến cỡ nào. Người ta mang thông tin đến cho anh em, có thể đã là bản sao thứ 7 8 gì rồi, cứ mỗi bản sao lại có một điểm mới lạ gì đó mà “tác giả” tự động thêm thắt ý mình vào. Đó đôi khi không còn có thể được xem là một bản sao nữa, mà là một câu chuyện mới hoàn toàn.
Mà sự đời có phải nó cứ rành rành ra đó cho anh em chứng kiến đâu. Bao giờ đôi mắt anh em cũng chỉ thấy được một hướng, còn điểm mù ở bên hướng còn lại. Để câu chuyện trở nên toàn vẹn hơn, anh em chắc phải tự gom góp thêm chút phán đoán của cá nhân vào điểm mù đó – thậm chí nó có thể thay đổi hoàn toàn thông tin đến tai người nghe. Những thiếu xót trong câu chuyện của anh em, người đời lại tiếp tục thêm mắm muối vào đó, rắc lên ít tiêu cho câu chuyện thêm phần căng thẳng. Câu chuyện được chuyển tiếp càng nhiều thì thứ món ăn đó càng hỗn tạp.
Giờ ai cũng thích mấy dạng “kiến thức nhanh”, nghe vài ba câu giải thích nông cạn, xem vài ba cái clip viral trên media, xong nghĩ mình đã hiểu lắm rồi. Cái trào lưu Learn on Tiptop mà đi đâu đám bạn mình cũng cứ ra rả, tạo ra xu hướng tu học lười biếng và thiếu chủ động. Chỉ cần nghe nhanh là tin, chỉ cần xem nhanh là biết, đem cái đó ra phân tích thiên hạ, nghĩ mà thấy buồn cười.
Không còn là cuộc battle giữa những người thông thái, giờ đây chỉ cần ai có lòng tin lớn hơn về những gì mình lụm nhặt, có sự háu thắng trong những cuộc tranh cãi, mặc nhiên được xem là người đúng. Người thiếu cái gì thường mang nó ra thể hiện cho thiên hạ, nhằm tạo ra cảm giác lấp đầy đi khoảng thiếu xót ở bên trong. Người thực sự hiểu và thực sự giỏi về một lĩnh vực gì, mình hiếm khi thấy người ta nhào đầu vào những cuộc tranh cãi vô bổ, không mang lại ích lợi rõ rệt.
Nên anh em nghe người đời kể lể, phân tích gì, cũng phải giữ cho mình óc phản biện – mớ kiến thức họ mang ra đôi khi chỉ là những mảnh vụn vặt được nối lại với nhau vô tội vạ. Câu chuyện họ kể ra lại là một phiên bản cực kỳ méo mó từ chính những thứ méo mó sẵn. Thường những thông tin như vậy đem đến cho người những tiêu cực dành cho một đối tượng nhất định, bao giờ cũng sẽ có 1 chút drama, 1 hay vài kẻ phản diện nào đó – mà trên thực tế, có thực như vậy không thì anh em chịu, làm sao hay? “Nhìn sự việc như nó vốn là” nghe thì đơn giản, luyện được nó khó như đi lên trời. Đơn giản là bởi càng lớn thì những lớp filter đắp trên mắt anh em càng dày và khó tháo xuống hơn.
Biến chuyển
Thời gian trôi nhanh, và con người cũng mau thay đổi. Thay đổi ở ngoại hình, hay thay đổi trong tâm tính, ít nhiều đều diễn ra. Xưa mình làm thêm, thời gian rảnh rất hay chạy ra xe bán nước của bà gần quán, chuyện trò thân thiết, giờ mình gặp lại bà, mất cũng vài khắc bà mới nhận ra. Ông chú chở bánh mỳ cho quán mình dạo trước, nay gặp lại nhắc đi nhắc lại mãi mới nhớ ra thằng cu sinh viên hồi trước.
Anh em ngày hôm qua với ngày hôm nay đã là 2 con người khác nhau. Có thể là khôn hơn, cũng có thể là ngu hơn. Có thể minh mẫn hơn, hay thân tàn ma dại cũng là điều không khó hiểu. Con người thay đổi từng ngày từng giờ, tâm tính khó hiểu và phức tạp, đôi khi là buồn cười. Mời người ta đến nhà chơi mà không mấy lâu sau trong lòng muốn đuổi về cho gian nhà được yên ắng. Sáng nói yêu anh lắm, tối ghé thấy nhà thằng khác chơi, đời đôi khi cũng coi đó là chuyện thường tình.
Mình có nhiều mối quan hệ đi cùng nhau gần một thập kỷ, để rồi mình nhìn thấy cái biến chuyển trong tâm tính của cả một con người.
Thằng bạn mình từ hồi lên lớp 12 đã chững chạc hơn đám loi choi học cùng. Từ đó đến giờ chỉ thấy nó càng ngày càng vững vàng hơn, nhờ vậy thu hút nhiều mối quan hệ tốt lành đến chia vui trong cuộc đời của nó. Ông già bỏ nhà đi lâu rồi, mẹ với chị nó người thì không quá ổn định, người thì câm điếc bẩm sinh, tự cuộc đời đưa nó vào cái thế hơi ngặt nghèo. Số cái gia đình này may, hay do thằng này giỏi, mình cũng không rõ, mà thằng bạn mình từ lâu biết đứng ra làm trụ cột trong nhà, hơn khối đứa tụi mình hiện tại. Bỏ học đi làm, mẹ nó khóc một trận ra mưa, để rồi giờ lại vỗ đùi hài lòng vì thằng con càng đáng việc chăm lo gia đình tốt quá.
Ở trong cái cảnh thiếu cha, còn mẹ nó đi làm bỏ bê con mãi ở nhà, môi trường bạn bè xung quanh tào lao cũng không thiếu mặt, nó vẫn không nát, thì xem như là cái phước lớn của gia đình rồi. Anh em thử hỏi có bao nhiêu đứa hỏng cũng trong chính cái môi trường như vậy.
Đời một con người đánh giá giờ còn quá sớm, nhưng đôi khi nhiều thằng toả ra cái cốt cách mình nhìn thấy rất tín. Nếu không có biến cố gì lớn không thể tránh khỏi, những thằng đó đem lại cho mình cảm giác đời nó chắc chắn rất ra gì. Điểm chung của hội này đa phần đều là chịu cày và chịu “tu tập”. Có nhiều người hình tướng có cái gì đâu, mà lại toát ra một nguồn năng lượng dồi dào và dễ chịu, ai cũng muốn lại gần. Thì dễ hiểu anh em chỉ cần không đốt thời gian và khí lực vào mấy việc làm vô nghĩa và độc hại thì nhìn anh em đã khác rồi. Huống gì còn bỏ thời gian ra theo đuổi một lý tưởng gì đó cho bản thân.
Biến chuyển của một con người cũng từ những gì người ta theo đuổi là vậy. Mấy khi gặp gỡ nhiều thằng lâu năm vắng bóng, mình cũng hay để tâm xem nó thay đổi ghê như thế nào trong tâm tánh – không phải là từ ngoại hình hay hành vi ăn nói của nó, mà từ chính nguồn năng lượng mà nó toả ra, đủ để trực giác của mình có thể nắm bắt được.
Tử tế
Hơn tuần nay nằm viện giúp mình nhận ra nhiều điều thú vị về bản thân, rằng quả thật cá nhân mình là người may mắn và có số hưởng. Chuyến này về giúp mình thấy biết ơn cuộc đời hơn, biết sống tử tế hơn – vì có vẻ như mình nhận được rất nhiều thứ, hơn cả thảy những thứ mình từng cho đi. Một phần mình tin cũng từ chính những gì mình nhận được từ người đi trước trong gia đình.
Nhà ngoại mình sống thiện, ông ngoại mình đi đâu người ta cũng thương, ông “không dám hại đến một con kiến”. Đâm ra con cháu, về mặt tâm lý, đứa nào cũng theo ông mà thành người, cũng sống đường quàng lương thiện. Xa hơn, mình nhìn về mặt phước đức, rằng cái phước ông ngoại mình để lại là quá lớn, nó bao trùm lên hầu khắp con cháu trong nhà. Dĩ nhiên lúc này lúc kia khó khăn cơ cực, nhưng sau cùng đứa nào cũng có ăn có mặc, có nhà có xe, gia đình đầm ấm đuề huề. Nhờ vậy mà mỗi ngày tụ họp, gia đình ngoại mình được phủ lên một bầu không khí hài hoà và vui vẻ. Anh chị em trong nhà cũng yêu thương nhau, dù ông có không còn trên đời, những gì ông để lại chưa từng có ai đứng ra tranh giành cả, mà được ưu tiên nhường hết cho “thằng út”.
Cái tâm lý đó, các dì các cậu mang xuống dạy lại con mình. Đâm ra bên “dây tộc” nhà ngoại mình, nhà nào có anh chị em cũng biết yêu thương nhau. Có thể mình đã kết luận quá sớm, song mình nhìn sang gia cảnh một số người khác, thấy anh em trong nhà có bao giờ ngồi xuống nói được tiếng nói chung nào đâu. Vậy nên có thể gọi là gia đình mình may mắn là thế. Ba mẹ mình đều rất thương yêu các anh chị em, giờ thì 2 anh em mình cũng vì thế mà gắn kết, dù cho lúc xưa không thiếu dịp đánh nhau chảy cả máu đầu.
Tâm lý và vô thức của người đi trước ảnh hưởng rất đậm cho thế hệ sau. Cha mẹ mà sống tử tế, lương thiện hay giúp người thì con cháu cũng noi theo như tấm gương sáng mà trở nên lành tính và dĩ hoà vi quý hơn. Xa hơn thì chính những con người đó, cuộc sống của họ khi khó khăn luôn có người đưa tay ra giúp đỡ, họ lại biết biết ơn, đâm ra càng nhận nhiều hơn nữa. Nhiều khi anh em sẽ thấy đó là cái nền tảng “ẩn” mà không phải gia đình nào cũng có được.
Mình thấy cuộc đời này về cơ bản là khó sống. Người ta vì thế mới cần giúp đỡ và tử tế với nhau. Mấy hôm nằm viện, người dưng từ đâu cứ đến giúp, không dìu mình đi dăm ba bận, thì cũng gửi gắm mình chút này chút kia cho mau chóng lành. Rồi anh em bè bạn cũng tìm cách gửi chút quà bánh, động viên dù đôi khi mình thấy bệnh tình của mình không nghiêm trọng đến mức nhận nhiều đến vậy.
Có tâm linh hay không, mình không hề dám chắc. Chỉ là mình chứng kiến rất nhiều người biết nổ lực giúp người khác, nổ lực giúp chính bản thân thì về sau nhìn chung cuộc sống đều đáng hài lòng cả. Anh em biết sống chuẩn sống tốt thì anh em cũng tự kéo về những con người có chung tầng số như vậy bước vào cuộc đời anh em. Đôi khi xung quanh nhìn đâu cũng thấy toàn là người tốt có lẽ cũng chính bản thân anh em đang tốt đẹp hơn từng ngày.
Trong nhiều trường hợp, nếu bản thân mách bảo nên giúp ai, thì cứ dừng lại mà giúp, trong khả năng của bản thân. Hơn nữa là duy trì sự tử tế trong đời sống của mình, cái này nghe thì dễ chứ để thực hành xuyên suốt thì khó như đi lên trời. Có mất gì từ đó đâu, toàn nhận lại được rất nhiều thứ, mãi sau này anh em thực sự mới thấy biết ơn về những gì mình đã cho đi.
Cố chấp
Con người buồn cười. Bản thân chúng ta cố chấp và lì lợm, song lại luôn khổ sở và cáu bẩn khi người khác không theo ý mình. Dù chúng ta có hiểu về thứ mình đang nói hay không, một cách bản năng, chúng ta vẫn sẽ cố gắng cho bằng được, để thuyết phục, uốn nắn người ta theo luồng tư tưởng của mình. Rồi khi nhận ra mình đã sai, vì tự ái, chúng ta lại tự huyễn ra những cái cớ không liên quan, cốt chỉ để xoa dịu cái Tôi nhỏ bé đang bị tổn thương của mình.
Rất khó để làm chủ được bản thân, nó không đơn thuần chỉ là hạn chế việc mất bình tĩnh, hạn chế nổi cơn tam bành. Hơn cả như thế, anh em phải chật vật lắm mới có thể quản đặng những cái dục vi tế từ vô thức của mình. Cái dục được hơn người khác, cái dục được nói, được làm khôn, sau cùng, cái dục đó mà càng lớn thì đó là dấu hiệu cho thấy nội tâm của anh em đang càng nghèo nàn, càng sợ hãi và càng bất lực hơn.
Người trí dũng đôi khi không cần phải cất lời, vì biết có thở ra một câu dù đúng cũng chỉ gợi lên trong lòng người đối diện cái khiêu khích được cãi nhau. Một trận võ mồm chỉ tổ làm tiêu tốn thời gian và khí lực của bản thân mình thôi anh em. Và dù kết quả có như thế nào, anh em cũng sẽ làm người ta tự ái, hoặc ngược lại, bị tự ái. Mà cái tự ái đó rất dễ làm nảy sinh trong lòng người ta nhiều ganh ghét và đố kỵ hướng đến nhau. Sau cùng nhìn lại, thấy mọi chuyện thật vô nghĩa và chúng ta đã cư xử không khác gì những đứa con nít trong thân xác của kẻ già nua.
Dĩ nhiên là không phải mạnh ai người nấy sống, nhiều người ngoài kia vẫn cần lời khuyên từ anh em và ngược lại. Có điều cái tâm anh em khi đưa ra những lời khuyên (tự nguyện) như thế là để đưa ra cho người ta một lựa chọn, hay là một cách vi tế để thể hiện mình? Vì nếu chỉ để cung cấp cho đối phương thêm một góc nhìn, mà anh em lại đi nổi điên lên khi người ta không chấp nhận góc nhìn đó, thì xem ra anh em đang vô lý rồi.
Bản thân anh em khi lắng nghe người đời cũng vậy. Vì mindset đã được xây vững từ lâu, dễ gì anh em chịu để mình bị chi phối. Cái kiểu cố chấp cố hữu đó không ít thì nhiều chắc chắn sẽ ngăn anh em không tiếp cận được những thứ mà bản thân từ lâu vốn bỏ quên. Vậy nên thường thì trừ content và tư tưởng dạng rác phải loại ngay từ đầu, các luồng tư tưởng (dù trái chiều) đều nên được tiếp nhận. Tiếp nhận mà hạn chế đi thành kiến, vì hẳn phải có cái hay riêng mới được người ta ưa chuộng. Còn về sau, anh em có sống với nó hay không, có lọc nó đi cho phù hợp hay không, cũng đều là do anh em tự chủ được mà.
Nghe được cứ nghe, mất gì đâu phải đi cãi vã, biết đâu toàn những cái hay đang chờ đón. Anh em ít tỏ ra chống đối, thì đối phương cũng đâu có lý do gì để mà phòng hờ anh em.
Đêm
Dạo này mình không thể tập trung viết được một bài cho hoàn chỉnh. Không biết là lần thứ bao nhiêu trong tháng này mình giật dậy giữa đêm, quằn quại không dám phát ra tiếng. Mình viết xuống bài này cũng là khi mình đang ở đêm thứ 3 liên tiếp không thể ngủ cho trọn vẹn. Chừng đó đủ để đưa bộ não mình vào nơi dày đặc sương mù, không thể tỉnh táo, không thể tập trung.
Có lo lắng gì đâu anh em, đôi khi cũng thầm thấy may mắn là mình hiếm khi mất ngủ vì “tâm bệnh” – cách giải toả tâm bệnh tốt nhất hẳn là một giấc ngủ chất lượng và an lành. Chỉ có điều thứ mình đang đối mặt hiện tại là cơn đau dai dẳng về mặt thể xác. Tầm chiều thì không sao, cứ hễ nửa đêm mình lại bị lôi đầu dậy để rồi toàn thân ướt đẫm mồ hôi vì đau đớn.
Vừa buồn ngủ vừa không thể ngủ, anh em cứ chuyển qua chuyển lại giữa trạng thái mê tỉnh bất chợt. Nhiều câu nói văng vẳng bên tai, như thể có người nào đó khác đang ngồi trò chuyện. Cảm giác về một “ai đó khác” dường như rất rõ, mình tách mình khỏi bản thân mình và mình lại đi phán xét lại chính mình.
Kể ra cũng thật buồn cười. Mình vẫn không rõ nguyên do của những cơn đau, chỉ biết là dây chằng có vấn đề, âm ỉ nhói ở bất cứ khớp nào có trên cơ thể. Cổ tay cổ chân khớp gối, ở đâu cũng thấy đau được. Bác sĩ yêu cầu mình không được phép đi lại, mà kỳ thực giờ mình đứng còn không vững huống gì đi đâu. Từ giường đến nhà vệ sinh chưa được 2 bước chân, mình vẫn phải cà lê cà lếch bò vào, anh em đủ hiểu nó phiền hà mình cỡ nào.
Mấy lúc như này mới thấy, quả thật “một thân thể không đau” luôn là điều kiện tiên quyết để sống đời hạnh phúc. Dù mình không có gì để hối hận, thực sự mình tập tành ngu sao đó dẫn đến chấn thương toàn thân này hay vì một lý do trùng hợp nào đó mà tất cả các khớp nó viêm cùng 1 lần. Mình chịu chết, chỉ biết đón nhận thôi.
Tâm bệnh có thể gây ra thân bệnh và ngược lại. Trải qua nhiều đau đớn và yếu đuối về thể xác, tính cách tối tăm của anh em cũng dần rõ rệt hơn. Tâm tính con người nhiều khi cũng méo mó bởi họ không quản nổi thân thể của mình vậy. Nói xong mới thấy mắc cười, một đứa “què quặt” lại đi luyên thuyên về chuyện sức khoẻ cho anh em nghe.
Bài này không có nội dung gì đâu. Chỉ là anh em khi còn có thể, hãy biết cách giữ gìn thể xác của mình. Khi đôi chân không còn đi được nữa, mới thấy khát khao những bước đi mà ngày thường ta chẳng mấy để tâm.
Nice day anh em.