Chào mừng đã quay trở lại với ĐỜ MỜ THỨ HAI, chuyên mục duy nhất trên mạng xã hội sẽ không thúc giục bạn bỏ tiền ra để mua một sản phẩm nào đó. Mỗi tuần, tôi sẽ đưa ra 3 ý tưởng để giúp tôi và bạn trở thành những con người bớt tồi tệ hơn một chút.
3 QUAN ĐIỂM VỀ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN GIÚP BẠN BỚT NGHÈO HƠN
Tất cả chúng ta đều mong muốn trở nên giàu có, nhưng cách quản lý tài chính cá nhân của ta thì thật tệ hại. Cũng dễ hiểu vì chúng ta không hề được học bất cứ điều gì liên quan đến lĩnh vực này cho đến khi trưởng thành. Dưới đây là 3 quan điểm về quản lý tài chính cá nhân có thể sẽ giúp bạn bớt nghèo hơn.
Hoặc là không, tôi biết thế đếch nào được.
1. TÀI SẢN VÀ TIÊU SẢN
Đây là một trong những quan điểm nổi tiếng nhất của Robert Kiyosaki. Ông phân chia của cải của mỗi người ra làm 2 loại: Tiêu Sản và Tài Sản. Kiyosaki định nghĩa “Tài Sản là những gì bỏ tiền vào túi bạn” và “Tiêu Sản là những gì lấy tiền ra khỏi túi bạn”.
Xét trường hợp một căn nhà. Nếu bạn sử dụng nó để ở, hàng tháng bạn phải bỏ tiền ra để chi trả cả chục thứ chi phí như: điện, nước, truyền hình cáp, internet, đổ rác,… Căn nhà đã lấy tiền ra khỏi túi bạn, nên nó là một Tiêu Sản.
Trong trường hợp khác, thay vì ở, bạn cho thuê căn nhà của mình. Mỗi tháng, bạn nhận được tiền thuê nhà. Căn nhà đã mang lại tiền cho bạn, vậy nên nó là Tài Sản của bạn.
Các món đồ khác mà bạn sử dụng như xe hơi, điện thoại, những chuyến du lịch là Tiêu Sản. Trong khi đó, những khoản đầu tư sinh lời như chứng khoán, tiền gửi ngân hàng, hoặc mua bán nhà đất là Tài Sản.
Kiyosaki cho rằng “người giàu thì có nhiều Tài Sản còn người nghèo thì có nhiều Tiêu Sản”. Người nghèo dùng số tiền tích lũy để mua nhà, tậu xe hay sắm một chiếc điện thoại mới. Những thứ này bòn rút tiền của họ, trong khi không mang lại chút lợi nhuận nào. Những Tiêu Sản làm ta mất tiền, nên có càng nhiều thì ta càng nghèo.
Ngược lại, những người giàu thực hiện một nguyên tắc mà Kiyosaki gọi là “bắt đồng tiền làm nô lệ cho mình, thay vì làm nô lệ cho đồng tiền”. Những người giàu dành số tiền tích lũy của mình để đầu tư vào những Tài Sản như chứng khoán, nhà đất, vàng,… Những Tài Sản này sẽ sinh lợi và làm cho số tiền của họ tự động nhân lên. Nhờ đó họ mới có thể trở nên giàu có.
Tất nhiên, không ai sống nổi mà không có một chút tiêu sản. Ta đâu thể ngủ trong hang đá như Adam và Eva. Nhưng nếu bạn muốn đạt được tự do tài chính, bạn cần phải có nhiều Tài Sản hơn là Tiêu Sản.
2. SỰ NGHIỆP VÀ NGHỀ NGHIỆP
Kiyosaki thường hỏi khách hàng nhờ ông tư vấn tài chính rằng: “Sự nghiệp của anh là gì?”
Họ sẽ trả lời: “Tôi làm ngân hàng”. Kiyosaki sẽ thêm một câu hỏi khó chịu nữa: “Vậy là anh sở hữu một ngân hàng?”. “Không phải thế, tôi chỉ là một nhân viên ở đó thôi”.
Đa số chúng ta nhầm lẫn giữa sự nghiệp và nghề nghiệp. Sự nghiệp là những thứ mà toàn bộ lợi nhuận tạo ra dựa trên công sức của bạn sẽ thuộc về bạn. Nghề nghiệp là những thứ mà bạn chỉ nhận được một phần lợi nhuận được tạo ra bởi công sức của mình.
Nói dễ hiểu thì nếu bạn là một kỹ sư và phần mềm bạn viết mang lợi nhuận 50 triệu mỗi tháng cho công ty, bạn sẽ chỉ được trả mức lương 10 triệu. Nếu bạn là một nhân viên sale, bạn chỉ được nhận vài % trên tổng doanh số mà bạn bán được. Công việc làm thuê là nghề nghiệp của bạn.
Ngược lại, nếu bạn thành lập một công ty, toàn bộ lợi nhuận từ hoạt động của công ty sẽ thuộc về bạn. Nếu bạn tham gia nột phi vụ đầu tư chứng khoán hay nhà đất, số lãi thu được sẽ hoàn toàn là của bạn. Các hoạt động đầu tư và kinh doanh là sự nghiệp của bạn.
Các trường học là nơi rất tốt để học một nghề nghiệp nào đó, nhưng hầu như không có trường học chính thống nào trên đời dạy ta cách xây dựng sự nghiệp cả.
Đó là lý do đa số mọi người đều không thể đạt tới mức giàu. Những người giàu có sự nghiệp còn người trung lưu và nghèo chỉ có nghề nghiệp. Đồng lương từ nghề nghiệp rất ít ỏi và không thể mang lại mức sống cao. Sự nghiệp của bạn mới làm giàu cho bạn, còn nghề nghiệp của bạn sẽ làm giàu cho người khác.
3. LÀM GIÀU VÀ LÀM NGHÈO
Nền văn hóa của chúng ta tôn sùng sự giàu có. Tất cả mọi người đều hướng đến phú quý vì ảnh hưởng của nền văn hóa. Mỉa mai thay, những quan điểm phổ biến trong xã hội lại là nguyên nhân khiến ta bị giam chân trong cái nghèo.
Đầu tiên là, nền văn hóa của chúng ta khuyến khích mọi người có nhiều tiêu sản thay vì tài sản. Nó thúc giục mọi người hãy mua sắm nhiều hơn, có một ngôi nhà đẹp hơn, đi du lịch nhiều hơn. Các quảng cáo oanh tạc màn hình của chúng ta 24 giờ mỗi ngày về một món đồ nào đó được tích hợp máy ép hoa quả trong một cái máy xay sinh tố. Bởi vì nền văn hóa luôn thúc giục chúng ta sở hữu thêm thật nhiều Tiêu sản, nó khiến mọi người quay cuồng trong việc tiêu dùng và chẳng còn chút tiền tích lũy nào để đầu tư.
Thứ hai là, nền giáo dục của chúng ta đào tạo ta trở thành những người làm công thay vì những người làm chủ. Các trường học dạy chúng ta nghề nghiệp nào đó thay vì định hướng cho ta tự xây dựng sự nghiệp của mình. Khi người ta tổ chức hướng nghiệp, đó là người ta đang “hướng nghề nghiệp”, chứ không phải “hướng sự nghiệp”. Thế là ta cố gắng vất vả mỗi ngày để kiếm về đồng lương bèo bọt, chỉ để ngay sau đó chi tiêu hết cho những tiêu sản.
Điều này không có nghĩa là bạn nên ném thẳng cái đơn xin thôi việc vào mặt ông sếp quý hóa rồi bắt đầu một công việc kinh doanh triệu đô, hay bạn nên từ bỏ tất cả những thú vui và xa xỉ phẩm mà bạn muốn có. Nhưng có lẽ bạn nên suy nghĩ nhiều hơn một chút, về những quan niệm của nền văn hóa mà bạn vẫn chạy theo suốt bấy lâu nay. Có lẽ bạn nên học cách đầu tư vào tài sản thay vì vác thêm nhiều tiêu sản về nhà. Có lẽ bạn nên bắt đầu xây dựng sự nghiệp riêng của mình, thay vì cứ tập trung xây dựng sự nghiệp cho người khác.