Vào năm 1887, Friedrich Nietzsche viết ra điều trở thành một trong những đoạn văn nổi tiếng nhất của ông:
“Chủ nghĩa hư vô là gì? Rằng những giá trị cao quý nhất tự hạ thấp chính mình. Mục đích bị thiếu sót; câu hỏi “tại sao?” ko có câu trả lời.” (The Will to Power, Friedrich Nietzsche)
Cái nhìn của Nietzche về chủ nghĩa hư vô là một trong số những điều được thảo luận nhiều nhất bởi những người nghiên cứu Nietzsche và chủ nghĩa hư vô. Trong serie bài giảng này, ta sẽ tìm hiểu chủ nghĩa hư vô và vai trò của nó đối với tư tưởng của Nietzsche.
Trong bài giảng giới thiệu này, ta sẽ tìm hiểu chủ nghĩa hư vô là gì, lịch sử, và tầm quan trọng của nó đối với Nền Văn Minh Phương Tây. Trong khi ở các bài giảng tiếp kế, ta sẽ tìm hiểu góc nhìn của Nietzsche về chủ nghĩa hư vô và cao kiến về cách vượt qua chúng.
Trong khi mầm mống triết lý hư vô trải dài hàng nghìn năm trước, thuật ngữ “chủ nghĩa hư vô” chỉ bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở Phương Tây vào giữa thế kỷ 19.
Một cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1862, bởi tác giả người Nga mang tên Ivan Turgenev, với tựa đề Fathers and Sons thường được xem là tác phẩm thúc đẩy sự phát triển rộng khắp của thuật ngữ này. Trong cuốn tiểu thuyết, một trong số những nhân vật chính được hỏi ý nghĩa của việc trở thành một người hư vô, và anh ta trả lời:
“[một] người hư vô ko cúi đầu trước bất kỳ uy quyền nào, họ ko tuân theo bất kỳ nguyên tắc đức tin nào, bất kỳ sự sùng kính nào mà nguyên tắc đó có thể ca tụng tán dương.” (Fathers and Sons, Ivan Turgenev)
Ngày nay, ý nghĩa của thuật ngữ được sử dụng trong cuốn Fathers and Sons này sẽ được coi là một dạng của chủ nghĩa hư vô chính trị – sự khước từ chuẩn mực thể chế và chính trị.
Kể từ thời điểm cuốn tiểu thuyết này xuất bản, nhiều nhà văn và triết gia đã tán thành góc nhìn hư vô ở nhiều lĩnh vực khác, và theo đó, sự khó hiểu của thuật ngữ này cũng tăng lên, do vậy, việc làm rõ ý nghĩa của chúng sẽ là điều rất hữu ích. Ta có thể phân biệt 4 loại chủ nghĩa hư vô, tất cả chúng có chung một đặc điểm, đó là thái độ phủ nhận hoặc phản đối ý nghĩa nói chung.
Nietzsche ám chỉ điều này trong phần phác thảo cuốn sách The Will to Power, ông viết rằng:
“chủ nghĩa hư vô (…sự thoái thác giá trị, ý nghĩa và ham muốn cực đoan).” (The Will to Power, Friedrich Nietzsche)
4 loại chủ nghĩa hư vô đã được tổng hợp lại bởi Donald Crosby trong tác phẩm dấy lên suy nghĩ về đề tài hư vô, mang tên The Specter of the Absurd.
“Chủ nghĩa hư vô đạo đức phủ nhận ý nghĩa của bổn phận đạo đức, tánh khách quan của các quy tắc đạo đức, hay quan điểm đạo đức. Tri thức luận hư vô phủ nhận sự xuất hiện của những thứ như chân lý hay ý nghĩa ko bị kiểm soát ngặt nghèo từ bên trong, hoặc hoàn toàn liên quan tới một cá nhân đơn lẻ, nhóm, hay lược đồ khái niệm. Chủ nghĩa hư vô vũ trụ chối bỏ tính dễ hiểu hoặc giá trị trong tự nhiên, coi chúng như là điều dửng dưng hoặc thù địch với những mối bận tâm cơ bản của con người. Chủ nghĩa hư vô hiện sinh phủ định ý nghĩa cuộc đời.” (The Specter of the Absurd, Donald Crosby)
Dựa trên đoạn văn này, ta có thể thấy rằng 3 loại chủ nghĩa hư vô đầu tiên; đạo đức, tri thức luận, và vũ trụ, mỗi loại phủ nhận ý nghĩa đến từ một khía cạnh quan trọng của đời sống mà con người hay tìm kiếm. Trong phần lớn lịch sử, con người cho rằng cần phải có một nền tảng khách quan về mặt ý nghĩa – một nhận định về tính hợp lệ của điều mà ta sẽ tìm hiểu ở bài giảng sau – và như ta sẽ thấy trong bài giảng hôm nay, điều này đã dẫn tới sự ấn định các thế giới thay thế, nơi có thể tìm thấy ý nghĩa khách quan.
Nhưng khi con người phủ nhận một nền tảng giá trị, chân lý, hay ý nghĩa tuyệt đối hoặc khách quan, sẽ rất khó để ko rơi vào sự hư vô. Ví dụ như trường hợp của chủ nghĩa hư vô đạo đức, khi chối từ tính khách quan của các quy tắc đạo đức, một người cho rằng sẽ thật sai lầm khi nói những quy tắc đó là sai hay đúng, thay vào đó, chúng lệ thuộc vào ý kiến chủ quan và do vậy vô nghĩa.
Khi con người chấp nhận 3 loại chủ nghĩa hư vô đầu tiên, họ sẽ có khả năng đạt đến kiểu chủ nghĩa hư vô phổ biến hơn – gọi là hư vô hiện sinh. Hư vô hiện sinh có thể được xem là bao hàm cả 3 loại trên bởi khi con người phủ nhận ý nghĩa cuộc đời, họ cũng, rõ ràng hoặc hoàn toàn, phủ nhận ý nghĩa ở những lĩnh vực được 3 loại kia bao quát. Nếu con người phủ nhận các quy tắc đạo đức và chân lý thực sự hiện hữu trong nội tại vũ trụ, và nếu họ tin rằng vũ trụ hoàn toàn lãnh đạm hay thậm chí thù địch với mối bận tâm và hy vọng của con người, vậy thì họ sẽ có khả năng trở thành một kẻ hư vô hiện sinh và nhận định rằng cuộc đời vô nghĩa và ngu xuẩn.
Hư vô hiện sinh cũng là loại thường được đề cập khi thuật ngữ hư vô được sử dụng riêng, nhưng nó cũng là loại hư vô mà Nietzsche để tâm nhất.
Với tầm quan trọng của chủ nghĩa hư vô hiện sinh tới triết học Nietzsche, và sự thực rằng nỗi tuyệt vọng về tính vô nghĩa hay vu vơ của đời chính là vấn đề nhiều cá nhân gặp phải trong thời kỳ hiện đại, ta sẽ tập trung vào chủ nghĩa hư vô hiện sinh trong phần còn lại của bài giảng này và trong các bài tiếp kế của serie này.
Khi bàn luận về chủ nghĩa hư vô, một câu hỏi thường xuất hiện đó là việc phủ định ý nghĩa chính xác là gì? Để làm rõ câu hỏi này, điều quan trọng là ta phải hiểu từ “ý nghĩa” mang ý gì.
Triết gia David Roochnick trong cuốn sách Retrieving the Ancients: An Introduction to Greek Philosophy chỉ ra rằng từ “ý nghĩa” có thể được định nghĩa theo 2 cách khác nhau: “dùng để biểu thị” như trong câu “con lợn có nghĩa là một loài động vật có vú bốn chân thường được tìm thấy ở trang trại”, hoặc thứ hai, từ “ý nghĩa” có thể định nghĩa như là “có ý định hoặc có mục đích”, như trong câu “Tôi định làm điều đó.”
Dựa vào những định nghĩa này, ông cho rằng ý nghĩa cuộc đời con người chính là niềm tin rằng “cuộc sống mang một mục đích có thể biểu lộ hoặc giải thích.”
Điều quan trọng cần lưu ý ở đây chính là để cuộc sống có ý nghĩa, thì mỗi mục đích thôi là chưa đủ, nếu mục đích đó là điều ko ai nhận thức được. Thay vào đó, để cuộc đời có ý nghĩa, nó nên sở hữu một mục đích mà con người có thể biết rõ và nhận ra.
Tại sao con người cần ý nghĩa cuộc đời? Đã có rất nhiều suy đoán về nguồn gốc của nhu cầu dường như dành cho ý nghĩa ở mọi con người, nhưng cũng như nhiều câu hỏi triết học, nó vẫn chưa có một sự đồng thuận rõ ràng. Triết gia Arthur Schopenhauer, người ảnh hưởng rất lớn tới Nietzsche, cho rằng chính sự khó tránh khỏi của nỗi đau cùng với nhận thức về cái chết chắc chắn xảy đến là điều tạo ra ham muốn sở hữu ý nghĩa cuộc đời bên trong con người.
Nhưng ngoài vấn đề này, một câu hỏi sâu xa hơn cần được giải đáp đó là: Con người thường tìm thấy ý nghĩa này ở đâu? Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng ý nghĩa cuộc đời theo thông lệ sẽ nằm ở một thực tại khác. Thực tại thay thế này, thường gọi là “thế giới thực sự” được xem như là nguồn gốc chân lý và giá trị và được xem như là một đích đến, với mục đích cuộc đời chính là vào được hoặc tiếp cận thế giới thay thế này sau khi con người chết đi, hoặc trong một số trường hợp còn trên đời. Những lý thuyết ấn định sự tồn tại của thế giới thay thế như là nguồn gốc ý nghĩa được gọi là lý thuyết 2 thế giới (Two-world Theories)
Lý thuyết 2 thế giới đã chi phối tư tưởng hơn hàng nghìn năm, và nhờ đó mang đến ý nghĩa cho vô vàn cá nhân. Các lý thuyết 2 thế giới phổ biến bao gồm thế giới hình thái của Plato, thế giới tinh thần của Descartes, vật tự thể của Kant, và thiên đường trong Cơ Đốc Giáo.
Đặc biệt, thiên đường trong Cơ Đốc Giáo chính là lý thuyết 2 thế giới nổi bật nhất trong phương Tây gần 2000 năm. Lời dạy của Cơ Đốc Giáo đã mang đến những cá nhân niềm tin rằng cuộc đời của họ, bất kể khó khăn đến đâu, đều là vì một điều gì đó; nghĩa là, có một mục đích cho sự tồn tại trần tục và mục đích này chính là sống theo ý muốn của Chúa để được vào vương quốc thiên đường sau khi chết đi. “Câu chuyện” này chính là “liều thuốc giải” quyền năng cho chủ nghĩa hư vô, bởi nó mang đến những cá nhân một mục đích và ý nghĩa cuộc đời đáng mong muốn hơn, bảo đảm cho tín đồ rằng bất kể họ phải chịu đựng bao nhiêu đau khổ trong cuộc đời này, họ vẫn sẽ được bảo đảm bước vào một hiện thực phước lành sau khi chết đi.
Điều quan trọng là phải hiểu cội nguồn của chủ nghĩa hư vô, đã trải dài trước cả lúc bắt đầu kỷ nguyên hiện đại. Nietzsche cho rằng cảm giác bi quan chính là khởi đầu của chủ nghĩa hư vô, và bi quan với ý nghĩa cuộc đời có thể được trông thấy rõ ràng ở các tài liệu của người xưa, bao gồm nhà thơ người Hy Lạp mang tên Theognis, sống ở thế kỷ thứ 6 trước công nguyên:
“Con người tốt nhất ko nên được sinh ra và trông thấy ánh nắng mặt trời, nếu một khi được sinh ra (điều tốt lành thứ hai cho anh ta chính là) trải qua cửa ải tử thần càng nhanh càng tốt.”
Tuy nhiên, như Nietzsche giải thích, bi quan chỉ là một “hình thái sơ bộ của hư vô”. Cho dù con người buộc phải chịu đựng sự dày vò, đau đớn, và trắc trở trong cuộc sống, sự hư vô sẽ ko nảy sinh miễn là họ tin chắc rằng có một ý nghĩa hay mục đích trong cuộc đời. Sự phổ biến của Cơ Đốc Giáo nằm ở chỗ nó có thể truyền tải đến cho mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội – ngay cả kẻ tàn tật, mắc bệnh nan y và khố rách áo ôm – niềm tin rằng bất chấp mọi nỗi đau khổ và tội lỗi họ phải chịu đựng trong đời, cuộc sống của họ sau cùng vẫn có một ý nghĩa.
Như Ernest Becker đã nói:
“thành tựu đáng nể nhất của bức tranh thế giới đến từ Cơ Đốc Giáo: đó là nó có thể lấy đi những tên nô lệ, tàn tật, khờ dại, kẻ nghèo hèn và mạnh mẽ, và bảo đảm biến họ thành những người anh hùng, đơn thuần bằng cách lùi 1 bước từ thế giới này để sang một chiều ko gian sự vật khác, nó được gọi là thiên đường.” (The Denial of Death, Ernest Becker)
Trong cuốn sách The Death of God and the Meaning of Life, Julian Young giải thích rằng:
“Trong phần lớn lịch sử phương Tây hiện đại, chúng ta ko bàn về ý nghĩa cuộc đời. Điều này là do ta từng khá chắc chắn rằng mình biết nó là gì.” (The Death of God and the Meaning of Life, Julian Young)
Và như đã đề cập trước đó, chính Cơ đốc Giáo mang đến cho nền văn minh phương Tây lời giải đáp cho câu hỏi, “ý nghĩa cuộc đời là gì?” Nhưng ai cũng biết rằng, vai trò của Cơ Đốc Giáo trong thế giới phương Tây bắt đầu phai nhạt vào thế kỷ 16 và 17. Và chính sự lên ngôi của khoa học là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến sự trung thành với các giáo điều Cơ Đốc giảm dần. Nietzsche sử dụng câu văn “Chúa đã chết” để tượng trưng cho sự mất đi niềm tin về lý thuyết 2 thế giới của Cơ Đốc Giáo, và hiểu rõ rằng, với việc mất đi niềm tin này, một cuộc khủng hoảng ý nghĩa cuộc đời sẽ là điều ko thể tránh khỏi.
Nếu con người nhìn lại thời kỳ đầu của cách mạng khoa học, rõ ràng là khoa học và chủ nghĩa hư vô đi đôi với nhau. Ý tưởng này được lĩnh hội thông qua một câu trích dẫn đến từ nhà vật lý học hiện đại đoạt giải Nobel, mang tên Steven Weinberg, nói rằng:”vũ trụ càng có vẻ dễ hiểu bao nhiêu, nó càng vô nghĩa bấy nhiêu.”
Nietzsche, trong cuốn sách The Gay Science của mình, đã lặp lại ý tưởng rằng khoa học và sự vô nghĩa của đời đi liền kề với nhau.
“Như ta đã biết, một sự diễn dịch “khoa học” về thế giới theo đó có thể vẫn là một trong số những cách diễn giải ngu xuẩn nhất trong mọi sự giải thích khả dĩ về thế giới, tức nghĩa nó sẽ là một trong những cách diễn dịch nghèo nàn nhất về mặt ý nghĩa. Tư duy này chỉ dành cho đôi tai và lương tâm của những kẻ theo thuyết cơ giới ngày nay thích thể hiện mình là triết gia và khăng khăng rằng cơ học chính là học thuyết của quy luật đầu tiên và cuối cùng mà mọi sự sống phải dựa trên nền tảng của nó. Nhưng một thế giới cơ học về mặt bản chất sẽ là một thế giới vô nghĩa. Giả dụ người ta ước tính giá trị của một bản nhạc dựa trên bao nhiêu điều có thể cân đo đong đếm, tính toán, và thể hiện được ở dạng công thức: một sự ước lượng âm nhạc mang tính “khoa học” này sẽ thật lố bịch làm sao! Người ta sẽ lĩnh hội, hiểu rõ, nắm bắt được điều gì? Chẳng có gì, thực sự chẳng có thứ gì được gọi là “âm nhạc” trong đó cả.” (The Gay Science, Friedrich Nietzsche)
Một lý thuyết được triết gia Giordano Bruno tán thành vào cuối thế kỷ 16 được xem như là một trong những mầm mống ban sơ của chủ nghĩa hư vô đến từ khoa học và nó là một ví dụ tiêu biểu về cách các lý thuyết khoa học hạ thấp ý nghĩa con người tìm thấy ở góc quan tôn giáo:
Khi kết hợp quan điểm của Copernicus với vũ trụ nhật tâm của mình, Nicholas xứ Cusa và ý tưởng về bản chất vô tận của vũ trụ của ông, và quan điểm về nguyên tử của những triết gia tiền Socrates như Leucippus và Democritus, Bruno đã đề ra một giả thuyết cho rằng Mặt Trời chỉ là một trong số vô vạn vì sao nằm rải rác trong một vũ trụ vô tận. Bruno cũng đề xuất rằng có thể sẽ có những hành tinh đi kèm với một số ngôi sao giống như Trái Đất, có khả năng tồn tại sự sống. Quan điểm này mâu thuẫn với Cơ Đốc Giáo bằng cách loại bỏ con người khỏi trung tâm vũ trụ.
Trong khi khoa học mang đến lời giải đáp cho nhiều vấn đề thực tiễn và cải thiện cuộc sống theo nhiều cách bất ngờ, ko như tôn giáo, khoa học ko giải đáp các câu hỏi liên quan tới mục đích và ý nghĩa cuộc đời, thay vào đó, nó khuyến khích một thái độ đa nghi gây ra sự ngờ vực trong góc quan Cơ Đốc Giáo và những tôn giáo khác.
Nietzsche, viết vào cuối thế kỷ 19, dường như đã biết trước làn sóng phát triển của chủ nghĩa hư vô sẽ bao trùm thế giới phương Tây, nhất là sau chiến tranh thế giới thứ nhất, khi mà nó đóng vai trò chủ chốt trong tư tưởng của những triết gia như Bertrand Russell, John Paul Satre, Albert Camus, và Franz Kafka. Ông hiểu rằng Cơ Đốc Giáo cho đến nay đã mang đến những cá nhân niềm tin rằng cuộc đời có ý nghĩa, và do vậy cùng với “cái chết của Chúa”, một cảm giác cuộc đời vô nghĩa dày vò sẽ giáng xuống nhiều người hơn nữa. Nietzsche nghĩ rằng, nền văn minh hiện đại sẽ được định hình bởi cách đương đầu với cảm giác này và sau cùng vượt qua nó. Trong phần mở đầu của tác phẩm mang tên The Will to Power của Nietzsche, ông nói rằng:
“Điều tôi đồng cảm chính là lịch sử trong 2 thế kỷ tiếp tới. Tôi diễn tả điều sẽ đến, điều ko còn trở nên khác biệt: đó là sự ra đời của chủ nghĩa hư vô…Từ rất lâu, toàn bộ nền văn hóa Châu Âu đã tiến tới một thảm kịch, cùng với tình trạng căng thẳng dày vò phát triển từ thập kỷ này sang thập kỷ khác: ko ngừng nghỉ, đầy bạo lực, liều lĩnh, như một con sông muốn đi đến tận cùng, điều ấy ko còn được phản ánh nữa, đúng hơn là ngại phản ánh.” (The Will to Power, Friedrich Nietzsche)
Nietzche có một góc quan độc nhất đối với chủ nghĩa hư vô, đó là lý do vì sao ông ấy là một trong những người được đọc và trích dẫn nhiều nhất về chủ đề này. Và trong vài bài giảng kế tiếp, ta sẽ tìm hiểu chi tiết một số ý tưởng trong đó. Trong bài giảng tiếp theo, ta sẽ nhìn vào nỗi đau khổ và vai trò của nó tới chủ nghĩa hư vô của Nietzsche.