“Mối nguy hại lớn nhất, mang tên đánh mất chính mình, có thể biến mất trên thế giới này một cách lặng lẽ như thể nó chẳng là cái thá gì; tất cả những mất mát khác, một cánh tay, một cái chân, 5 đô la, một người vợ, vân vân. Chắc chắn sẽ được chú ý nhiều hơn.” (Soren Kierkegaard, The Sickness Unto Death)
Với tư cách là một triết gia, Kierkegaard cực kỳ hứng thú với những ý tưởng như tự do, lo âu, tuyệt vọng, và ý nghĩa của việc sống như một con người chân chính. Suy nghĩ của ông về những đề tài này đã được các nhà hiện sinh thế kỷ 20 quan tâm sâu sắc, như là Heidegger, Camus, và Satre, đó là lý do vì sao ông thường được gọi là “cha đẻ của chủ nghĩa hiện sinh.”
Theo như Kierkegaard, con người là một sự tổng hợp những điều đối lập. Một trong những cặp đối lập này được ông gọi là vô hạn và hữu hạn, viết như sau:
“Bởi bản thân là một sự tổng hợp mà trong đó, yếu tố hạn chế là cái hữu hạn, và yếu tố nở rộ là cái vô hạn.” (The Sickness Unto Death)
Cái vô hạn tương ứng với tiềm năng, khả năng vạch ra những suy nghĩ và ý tưởng mới mẻ, mang đến những sáng kiến mới cho sự sống, thay đổi con người và lựa chọn dựa theo vô vạn tiềm năng.
Cái hữu hạn tương ứng với tính thực tế và tất yếu, hiện tại và bây giờ, hiện thực của một người như điều gì đó rõ rệt trên thế giới.
Có một sự thúc ép phải để bản thân hấp thu hoàn toàn cái hữu hạn hoặc vô hạn, mặc dù khi làm thế, một người sẽ từ bỏ trách nhiệm trở thành chính mình.
Đánh mất bản thân trong cái hữu hạn chính là sống cuộc đời nhìn nhận sự đổi thay hoàn toàn bất khả thi. Trong tình huống này, một cá nhân như vậy sẽ thường xuyên bị trầm cảm, mù quáng và lệ thuộc người khác, giam cầm trong điều họ nhìn nhận như là một môi trường ko có lối thoát, nơi ko tồn tại những lựa chọn. Những cá nhân như vậy thường sẽ tìm sự an toàn và che chở bằng cách đồng hóa bản thân mình vào các mạng lưới xã hội, thể chế hay gia đình, nhận thấy
“trở thành chính mình là điều quá mạo hiểm, giống như bao người khác lại dễ dàng và an toàn hơn nhiều, trở thành một kẻ bắt chước, một con số, một kẻ tầm thường trong đám đông.” (The Sickness Unto Death)
Đánh mất bản thân trong cái vô hạn chính là sống như thể cuộc đời chỉ là một chuỗi những thử nghiệm bất tận; những con đường khác nhau được kinh qua và những tính cách được thử nghiệm để xem có phù hợp hay ko, nhưng chẳng có lựa chọn hay cam kết lâu dài nào được đưa ra. Người lạc lối trong cái vô hạn bị ám ảnh với những gì họ có tiềm năng trở thành, thế nhưng, trên thực tế lại chẳng trở thành điều gì, huống chi là trở thành bản thân:
“Bây giờ, nếu tiềm năng [vô vạn] vượt qua điều tất yếu [hữu hạn], bản ngã sẽ chạy trốn khỏi chính nó… Bản ngã sẽ trở thành một khả năng trừu tượng tự thử nghiệm chính bản thân nó một cách lúng túng trong cái khả dĩ, nhưng nó ko nhích khỏi vị trí, cũng chẳng tới vị trí nào, bởi, nói một cách chính xác, cái tất yếu chính là cái vị trí; trở thành chính mình rõ ràng là một bước đi tại vị trí đó.” (The Sickness Unto Death)
Giải thích đôi chút: Vấn đề của cái vô hạn chính là thiếu đi nền tảng của hữu hạn, giống như 1 người hay mơ tưởng về mọi thành công hoặc trở thành ông này bà kia, nhưng nếu thiếu đi cái tất yếu là “thực hiện ước mơ đó”, vậy thì người đó sẽ liên tục đắm chìm trong nhưng mơ tưởng đến rối đầu. Túm lại, cái vô hạn chính là bản đồ tiềm năng, nhưng chỉ nhìn bản đồ mà ko làm gì thì chẳng tới đâu, do đó, cái tất yếu sẽ đóng vai trò là con tàu vật lý để ta đi đến những nơi mình muốn trên bản đồ.
Trở thành chính mình đòi hỏi một người cân bằng những áp lực đối nghịch này, theo một cách độc nhất với cá tính của mình. Bởi lẽ, đánh mất bản thân trong cái vô hạn hoặc hữu hạn dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng nhiệm vụ trở thành chính mình đòi hỏi sự thận trọng, nỗ lực liên tục, và can đảm rất nhiều, khiến nó trở thành nhiệm vụ vĩ đại nhất:
“…có một bản ngã, trở thành chính mình, là một sự nhượng bộ lớn nhất dành cho con người, nhưng đồng thời nó cũng là nhu cầu vĩnh cửu đối với anh ta.” (The Sickness Unto Death)
Gánh nặng của nhiệm vụ này gây ra sự lo âu. Chẳng có sách hướng dẫn nào chỉ lối con người tới quá trình trở thành chính mình và chẳng có các tiêu chuẩn thành công bên ngoài nào. Trên bước đường trở thành chính mình, con người phải “sải bước mà chẳng gặp được một người lữ khách nào.” (Fear and Trembling). Cá nhân bị bỏ mặc trong công cuộc cân bằng sự sống này, và một sự choáng váng và lạc lối nổi lên khi họ nhìn chằm chằm vào vực thẳm của những tiềm năng trước mắt mình:
“Sự lo âu có thể so sánh với cái choáng váng. Kẻ vô tình nhìn xuống vực thẳm sâu hoắm sẽ trở nên choáng váng. Nhưng lý do cho điều này là gì? Nó cũng tương tự những gì đôi mắt anh ta nhìn thấy khi ở trong vực thẳm… Do vậy, lo âu chính là cơn choáng váng đối với tự do.” (The Concept of Anxiety)
Khác với việc báo hiệu một trạng thái bệnh lý mà con người phải gắng sức làm dịu, Kierkegaard thừa nhận nỗi lo âu hiện sinh chính là một yêu cầu cần thiết trên con đường trở thành chính mình:
“Tôi sẽ nói rằng đây là một chuyến phưu lưu mà mỗi con người phải trải qua – học cách lo âu… Bất kỳ ai biết lo âu đúng cách chính là kẻ đã lĩnh hội được điều tối thượng.” (The Concept of Anxiety)
Lo âu là phản ứng đối với nhận thức về sự tự do, về sức mạnh để nhìn thẳng vào vực thẳm của những tiềm năng, và thông qua hành động lựa chọn để hiện thực hóa một trong số những tiềm năng đó. Nó là phản ứng đối với sự công nhận rằng con người được tự do chọn lựa những tiềm năng, và theo đó hoàn toàn chịu trách nhiệm cho tương lai và bản thân mình. Cảm giác tự do và trách nhiệm tuyệt vời này được nhìn nhận như là điều vừa hấp dẫn vừa ghê tởm, một mâu thuẫn được Kierkegaard gọi là “nỗi kinh hãi” (dread):
“Trong kinh hãi tồn tại vô vạn khả năng vị kỷ, ko cám dỗ như một lựa chọn rõ ràng, nhưng nó gây hoảng sợ và quyến rũ bằng nỗi lo lắng ngọt ngào của mình.” (The Concept of Anxiety)
Thiếu đi sức mạnh và can đảm để chịu đựng nỗi lo âu triền miên cần thiết để đi trên con đường trở thành chính mình, theo một mức độ nhận thức nào đó, hầu hết sẽ làm dịu nỗi lo bằng cách ko trở thành chính mình. Một lựa chọn như vậy đẩy họ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, một “căn bệnh tinh thần”, đặc trưng bởi nỗ lực loại bỏ bản thân ra khỏi bản thân, và theo đó đánh mất trách nhiệm trở thành chính mình:
“Thất vọng về bản thân, về ý định loại bỏ chính mình – đây là công thức cho mọi sự tuyệt vọng.” (The Sickness Unto Death)
Tuyệt vọng mang nhiều hình thái, và ko nhất thiết đi kèm với cảm giác vô vọng và trầm cảm. Trên thực tế, Kierkegaard nghĩ rằng một người có thể trong “trạng thái sức khỏe tốt nhất…chính xác là khi bệnh tình nguy khốn nhất.” (The Sickness Unto Death). Một cá nhân như vậy sẽ hoàn toàn vô thức về sự tuyệt vọng của mình, và do đó ở trong một vị thế nguy hiểm nhất. Bởi một căn bệnh có thể gây ra nhiều tổn hao nhất khi một người ko nhận thức được rằng mình thậm chí đang bị ốm:
“Người tuyệt vọng ko có ý thức về việc mình bị điều đó, so với người để ý tới nó, chỉ đơn thuần là một bước phủ định xa hơn khỏi sự thật và cứu rỗi. Ngược lại, ko nhận thức được việc loại bỏ cơn tuyệt vọng cho đến nay, có thể được xem là hình thái tuyệt vọng nguy hiểm nhất. Bằng cách lơ là, người tuyệt vọng ở trong tình trạng bảo đảm (nhưng đánh đổi bằng sự hủy diệt bản thân mình) đi ngược với việc trở nên ý thức – nghĩa là, anh ta bị bó chặt bởi sức mạnh của tuyệt vọng.” (The Sickness Unto Death)
Trong khi có rất nhiều cách để một cá nhân, thông qua vô vạn hình thái tự lừa dối bản thân, giấu nhẹm sự nhận thức của mình khỏi sự thật rằng anh ta thiếu đi 1 bản ngã, Kierkegaard tin rằng “sự tuyệt vọng về trần thế” chính là “kiểu tuyệt vọng phổ biến nhất”. Tuyệt vọng về trần thế xảy ra khi một cá nhân cố gắng bù đắp bản ngã bị thiếu của mình bằng cách gắn liền cá tính của họ với điều gì đó ở bên ngoài thế giới này: ví dụ, một công việc, mối quan hệ, gia đình, của cải, hay địa vị xã hội.
Nếu một cá nhân mất đi những lợi ích bên ngoài này, họ có thể nghĩ rằng nỗi sầu khổ và trống rỗng đi kèm mà họ cảm nhận được chính là kết quả của sự mất mát này, mà ko nhận ra sự trống vắng nội tâm đã tồn tại từ trước đó: họ thiếu một bản ngã và cố bù đắp bằng cách phóng chiếu cá tính của họ vào điều gì đó bên ngoài và hữu hạn, một nỗ lực chắc chắn lần nào cũng thành công cốc:
“Một cá nhân trong tuyệt vọng, sẽ thất vọng về điều gì đó. Vậy nên, dường như trong 1 khoảnh khắc, nhưng chỉ trong chốc lát; cùng khảnh khắc đó, nỗi tuyệt vọng thực sự hay hình thái chuẩn của nó hiện ra. Khi thất vọng về điều gì đó, anh ta thực sự thất vọng về bản thân, và bây giờ anh muốn loại bỏ bản thân mình, khi một người tham vọng với câu khẩu hiệu “Hoặc là Ceasar hoặc chẳng là gì” ko trở thành Ceasar, anh ta thất vọng về điều ấy. Nhưng nó cũng có nghĩa khác: cụ thể là vì anh ta ko trở thành Ceasar, anh bây giờ ko thể chịu đựng việc trở thành chính mình. Vì vậy, anh ta ko thất vọng bởi vì ko trở thành Ceasar mà là thất vọng về bản thân mình bởi vì anh ta ko thể trở thành Ceasar.” (The Sickness Unto Death)
Nếu một cá nhân sầu khổ về một mất mát trần thế bị đảo ngược vận mệnh của mình, anh ta sẽ quay về trạng thái sức khỏe trước kia, và nỗi tuyệt vọng sẽ quay trở lại màn đêm trong vô thức.
“Nếu có sự giúp đỡ bên ngoài, vậy thì cuộc sống sẽ quay lại với kẻ tuyệt vọng, anh ta bắt đầu nơi mình dừng lại; ko có bản ngã, và một bản ngã anh ta ko thể trở thành, nhưng anh vẫn tiếp tục sống…” (The Sickness Unto Death)
Kierkegaard tin rằng sự tuyệt vọng là một căn bệnh khốn khổ; bởi cá nhân trong trạng thái này “Có một cánh cửa mù mịt phía sau tâm hồn, đằng sau nó chẳng chứa đựng điều gì.” Tuy nó đi cùng với “Sự đau khổ và bất hạnh nhất”, ông chủ trương rằng “có khả năng tuyệt vọng chính là một lợi thế vô hạn.” – bởi nó ngầm định rằng con người có tiềm năng sở hữu một bản ngã. Chìa khóa then chốt chính là việc họ có nhận thức được cơn tuyệt vọng đó hay ko. “Nhận thức càng cao, nỗi tuyệt vọng càng mãnh liệt”, nhưng nhận thức càng cao thì con người càng gần tới việc loại bỏ tuyệt vọng, và “sẵn lòng trở thành bản ngã mà họ thực sự là.”
Khi còn là một cậu thanh niên ở tuổi 22, Kierkegaard đã phải vật lộn với những áp lực của cuộc sống con người, rơi vào hố sâu của hư vô và tuyệt vọng. Vào thời điểm này, ông viết trong nhật ký kiếm tìm
“niềm vui và sảng khoái khi thưởng ngoạn những người vĩ đại tìm ra hòn đá quý báu mà họ bán đi tất thảy, thậm chí mạng sống của mình…tiếp tục con đường đã chọn mà ko do dự…đắm chìm bản thân và nỗ lực hướng tới những mục tiêu cao cả hơn của họ.” (Soren Kierkegaard)
Việc kiếm tìm “hòn đá” quý báu (Precious Stone) hay “mục tiêu cao cả” này đã trở thành niềm đam mê mãnh liệt đối với Kierkegaard, và con đường để trở thành bản thân mà ông nhận ra là vắng bóng trong cuộc đời của quá nhiều người:
“Điều tôi thực sự thiếu chính là phải làm rõ trong đầu thứ tôi sẽ thực hiện, chứ ko phải điều tôi cần biết…Vấn đề là tìm một mục đích…tìm một chân lý hợp lẽ với tôi, tìm lý tưởng tôi sẵn lòng sống và chết vì…Đây chính là điều tâm hồn tôi thèm khát y như sa mạc Châu Phi thèm khát nước.” (Soren Kierkegaard)
Chân lý mà Kierkegaard thèm khát ko phải là chân lý trừu tượng tách lìa khỏi cuộc sống cá nhân. Những chân lý “khách quan” hay tư biện này, chỉ hữu dụng nếu con người phấn đấu cho sự hiểu biết về khoa học hay tri thức xa rời, nhưng khi nói đến ý nghĩa của việc trở thành con người và cách để định hướng thành công trong áp lực hiện sinh của cuộc đời, “những chân lý khách quan” này chẳng có nghĩa lý gì:
“…Điều này có ích lợi gì cho tôi”, Kierkegaard viết, “nếu chân lý đứng trước mặt tôi, lạnh giá và trần trụi, ko quan tâm liệu tôi có nhận ra cô ấy hay ko?” (Soren Kierkegaard, Journals)
Thay vào đó, chân lý Kierkegaard kiếm tìm chính là chân lý chủ quan hoặc hiện sinh, một chân lý được biểu hiện trong “nội tâm” cá nhân, thể hiện thông qua lời cam kết nồng nhiệt với một ý tưởng hay phong cách sống nhất định:
“sâu bên trong và thông qua sự hiện hữu, chính là chân lý.” (Concluding Unscientific Postscript to Philosophical Fragments)
Trong khi những chân lý khách quan có được thông qua hiểu biết, thì những chân lý chủ quan có được bằng cách tồn tại và trải nghiệm. Về phần sự thật chủ quan,
“Nếu con người ko trở thành điều họ hiểu, vậy thì họ cũng chẳng hiểu nó.” (Soren Kierkegaard)
Kierkegaard nhận thấy rằng trên thực tế, cuộc đời mỗi người đều bị ảnh hưởng bởi một vài hình thái tuyệt vọng, tham gia vào “lối sống” ko tương xứng với một cá tính đích thực. Thông qua những bài viết đồ sộ của mình, ông tìm cách thuyết phục những độc giả của mình rằng họ thiếu tính chủ quan hoặc “hướng nội” (Inwardness), rằng giá trị, thái độ, và mối quan hệ bên trong với hiện thực bị khuyết sót, có khả năng sản sinh nỗi tuyệt vọng.
Cảm quan tâm lý của Kierkegaard đủ sắc bén để nhận ra rằng điều này ko phải là một công việc dễ dàng – ông ko trực tiếp lên án lối sống của những độc giả, bởi hầu hết sẽ phản ứng với lời công kích như vậy bằng các cơ chế phòng vệ, chiến lược biện minh, và thậm chí là tức giận. “Truyền đạt trực tiếp” sẽ ko giúp ích gì cho kế hoạch này; Kierkegaard nhận ra rằng cần phải có một hình thức truyền tải tinh tế hơn:
“Ko, sự ảo tưởng ko thể bị phá hủy một cách trực diện, và chỉ thông qua những cách gián tiếp, nó mới có thể bị loại bỏ tận gốc…Nghĩa là, một người phải tiếp cận từ phía sau kẻ đang bị ảo tưởng.” (Soren Kierkegaard)
Kierkegaard sử dụng kỹ thuật mang tên “truyền tải gián tiếp”. Thay vì lên án thẳng thừng những lối sống sai lệch, và áp đặt ý tưởng riêng mình về cách sống lên độc giả, ông phớt lờ các cơ chế phòng vệ bằng cách khuyến khích họ tự suy nghĩ về những lựa chọn trong đời, cùng lúc khiến họ nhận thức về những con đường đời khác có sẵn. Theo cách này, nếu một độc giả nhận ra sự vô nghĩa của cách thức tồn tại bên trong bản thân mình, và quyết định men theo một con đường khác có lợi cho sự tồn tại chân chính hơn, điều này sẽ hiện lên như thể một sự “tỉnh thức” đã được bản thân người đọc mở màn.
“Để ngăn một người trên đường phố và đứng yên trong khi nói chuyện với anh ta, ko phải là điều quá khó so với việc nói một thứ gì đấy với một kẻ đi đường ngẫu nhiên, mà ko đứng yên hoặc ko trì hoãn người kia, ko cố gắng thuyết phục anh ta đi cùng hướng, nhưng thay vào đó, tạo cho anh ta một sự thúc ép để đi đúng chính xác con đường của mình. Đó là mối quan hệ giữa một cá nhân hiện hữu và người khác, khi giao tiếp dính líu tới sự thật với tư cách là sự tồn tại nội tâm.” (Concluding Unscientific Postscript to Philosophical Fragments)
Kierkegaard áp dụng cách truyền tải gián tiếp thông qua sử dụng những bút danh (Pseudonym). Trong phần lớn tác phẩm của mình, ông ko viết dưới tên của mình, mà là thông qua vỏ bọc của vô vàn nhân vật hư cấu phát biểu từ quan điểm của một người đắm chìm trong góc quan cuộc đời cụ thể, thậm chí còn cố gắng biện minh một lối sống mà bản thân Kierkegaard cho là khuyết sót cho việc trở thành chính mình.
“Trong những tác phẩm mang bút danh, ko một từ ngữ nào thuộc về tôi. Tôi ko có quan điểm nào về những tác phẩm này ngoại trừ tư cách là bên thứ ba, ko có kiến thức về ý nghĩa của chúng ngoài trừ tư cách là một độc giả, ko có mối quan hệ riêng tư xa xôi đối với chúng.” (Concluding Unscientific Postscript to Philosophical Fragments)
Viết với tư cách là những nhân vật giả tưởng khác nhau mang những lối sống nhất định đã cho phép Kierkegaard buộc các độc giả của mình “thử” những góc quan cuộc đời khác nhau y như cách họ thử quần áo, tách rời bản thân họ khỏi cuộc đời và đắm chìm vào những triển vọng khác nhau. Kỹ thuật trở nên khách quan đối với bản thân và chủ quan đối với những phong cách sống khác được Kierkegaard gọi là “sự mỉa mai tinh thông” (Mastered Irony):
“Hầu hết con người đều chủ quan với bản thân họ và khách quan với những người khác, đôi khi khách quan một cách đáng sợ – nhưng nhiệm vụ thực sự chính là trở nên khách quan đối với bản thân và chủ quan đối với người khác.” (Soren Kierkegaard)
Được trang bị cách truyền tải gián tiếp, Kierkegaard phân tích điều ông cho là 3 phong cách sống thông thường, hay “những phạm vi tồn tại” đó là: thẩm mỹ, đạo đức và tôn giáo. 3 phạm vi này, và tính phù hợp trong việc xóa sổ tuyệt vọng của chúng và trau dồi một bản ngã, sẽ được tóm lược trong Video kế tiếp.
Để kết thúc Video này và chuyển sang phần kế tiếp, điều quan trọng cần lưu tâm chính là Kierkegaard đã nhiệt thành cam kết với ý tưởng rằng tất cả mọi người đều phải sải bước trên con đường trở thành chính mình với tư cách là một cá nhân “đơn độc” hoặc “riêng lẻ”. Tuy nhiên, ông nhận ra rằng hầu hết đều quá nhát cáy để chịu đựng sự lo âu và kinh hãi mà điều này mang lại, và do đó hầu hết sẽ muốn đánh mất bản thân và cảm giác trách nhiệm bằng cách hòa mình vào trong đám đông:
“bởi mỗi cá nhân đơn lẻ trốn chạy vào đám đông…chạy trốn trong sự hèn nhát để ko trở thành một cá nhân duy nhất.” (Soren Kierkegaard)
Như Kierkegaard viết, việc “làm bản thân nhu nhược, theo nghĩa tinh thần”, và bám víu vào bầy đàn “để ít nhất trở thành một thứ gì đó”, dễ dàng hơn nhiều so với việc đứng một mình, quan tâm tới nhu cầu vĩnh cửu đó là “trở thành chính mình”. Bởi một trong những nỗi sợ lớn nhất hiện hữu ở con người chính là sau cùng họ phải đơn độc, và theo đó hoàn toàn chịu trách nhiệm cho cuộc đời:
“Sâu thăm thẳm mỗi con người vẫn còn hiện hữu sự lo âu về khả năng đơn độc một mình trên thế giới này, bị Chúa lãng quên, bị ngó lơ trong số hàng triệu và hàng triệu người trong hộ gia đình rộng lớn này. Một người ngăn chặn sự lo âu bằng cách nhìn loanh quanh tìm những người có liên quan tới anh ta như gia đình và bạn bè, nhưng nỗi lo âu vẫn còn đó.” (The Concept of Anxiety)