Cách đây mấy năm, có một người anh bị ưng thư có ngồi tâm sự với tôi. Chuyện là anh còn sống được hơn 3-4 năm nữa, nên niềm hạnh phúc cuối cùng của anh là muốn làm gì đó ‘để lại cho đời’ rồi ra đi cho thanh thản, ít nhất là anh không thấy hối tiếc gì nữa.
Tôi bảo, để lại gì cho đời cũng tốt, mà không kịp làm gì để lại cũng không sao cả, mà có khi như thế lại tốt hơn. Thế giới này đã quá hỗn loạn và quá tải rồi… vì cơ bản ông nào cũng muốn ‘để lại’ di sản nào đó của mình cho nhân loại… nhưng ít ông nào nhận thức ra được là nhân loại có CẦN di sản đó hay không.
Đơn cử như 2 năm trở lại đây, khá nhiều bạn kêu tôi viết sách đi, mà tôi uhm uhm cho qua thôi. Dù sống một đời người mà phát hành ra được quyển sách mình viết, nghe cũng oách thật, nhưng cơ bản vẫn câu hỏi trên, nó có thực sự giúp ích cho đối tượng tôi hướng tới hay không… hay nó chỉ làm cho mọi người càng rối thêm (vì rất có khả năng có nhiều cuốn sách khác đã viết những điều tương tự mà tôi chưa được biết tới)
Nên cái suy nghĩ ‘để lại gì đó cho đời’, anh em phải hết sức cẩn trọng quan sát, là do bản ngã anh em đang muốn, hay do cái tâm chân thật muốn?
Phân biệt rất dễ,
Khi anh em làm gì, để lại gì, nếu có bản ngã dẫn dắt thì nó luôn muốn mọi người biết cái đó là do nó làm, phải công nhận nó, và nó muốn hưởng thành quả đó. Nó không chấp nhận được chuyện không ai biết nó đã làm việc đó.
Còn ngược lại, khi làm với tâm trong sáng, thì đó sẽ là hành động không vụ lợi (karma yoga). Vẫn kiểu ‘để lại cho đời’ nhưng không cái ngã nào ở đây cả. Lúc đấy, anh em làm chỉ vì việc đó là việc ‘nên làm’, không ai biết cũng không sao cả, xa hơn là không nhận luôn cả thành quả đã tạo ra.
Làm mà không nhận công thì rất khó, chính xác là cực khó,
Con người mà, ai mà không tham, không sân, không nhiều thì cũng ít ít.
Trong các loại tham, thì ‘tham danh’ là cái khó bước qua nhất.
Nhiều người có thể từ bỏ tất cả, nhưng trừ việc mọi người phải biết là ‘tao dám từ bỏ đó nha’, cái danh đó khó bước qua lắm anh em ah. Tình huống này ở ngoài đời nhiều, kiểu cố gắng làm việc tốt, để được công nhận là người tốt.
Tôi cũng trải qua chuyện này nhiều,
Trước tôi cũng cố gắng xây dựng hình ảnh là một người thân thiện, tử tế, luôn giúp đỡ mọi người… quy chung là muốn xây dựng hình ảnh ‘một người tốt’ trong mắt tất cả.
Rồi cũng đến lúc tôi phải học bài học về ‘tham danh’ của chính mình, là có vài người nói xấu tôi dù trước đó tôi cũng hỗ trợ họ nhiều lắm…
Thế là tôi sân hận, bố mày giúp mày mà lại đi nói xấu sau lưng… thế là tôi ôm cục khổ vào người.. vì bám chấp vào cái danh ‘người tốt’…
Sau này, ai cần gì thì tôi vẫn hết lòng giúp (nếu việc đó cần thiết), còn người ta nghĩ gì về tôi sau đó thì tôi bớt quan tâm rồi. Điều đó cũng khiến tôi thanh thản hơn rất nhiều khi làm gì đó cho đời… còn đời có đáp lại hay không thì cứ nhân-quả tự nhiên đã sắp xếp.. nên tôi không xen cái bản ngã của mình vào nữa.
cốt lõi bài này, là tôi muốn chốt ý, về việc thực hành ‘hành động không vụ lợi’ (karma yoga). Kể cả khi, anh em có một sứ mệnh lớn lao muốn thay đổi thế giới, hay như ông anh trên muốn để lại gì đó cho đời trước khi ra đi… thì anh em phải luôn tự hỏi mình, thế giới có thực sự cần cái đó hay không?
Nếu không, thì anh em cứ tận hưởng cuộc sống đi, cố thay đổi cái người ta không cần để làm gì..
còn có, thì anh em lại hỏi tiếp, nếu mình làm mà không nhận lại bất kỳ điều gì, dù cả một lời công nhận hay lời khen, thậm chí là không ai biết đến chuyện anh em đã làm việc đó… thì ae có sẵn sàng làm tiếp hay không?
Khó đó !
Cheers,
Bác 7B
——
Hình nhà thờ Hồng Đức