Tính ra tôi không phải là người đọc nhiều. Chỉ mới bắt đầu đọc sách khoảng 2 năm trở lại đây, tôi nói tôi không đọc nhiều là bởi vì giờ nếu ai yêu cầu tôi liệt kê ra những đầu sách tôi đã từng đọc, những kiến thức mà tôi học được từ sách – tôi bất giác cảm thấy ít ỏi.
Không bàn về lợi ích từ việc đọc sách vì tôi thấy nó hơi thừa. Chỉ là tôi viết về đủ thứ cả, và một trong những nguồn học thú vị nhất với tôi là từ sách. Không biên một bài cho nó trên con page này đúng là thiếu sót.
Mấy môn học trên trường nhìn chung là chán, phần vì nó không áp dụng được gì nhiều, phần nữa là vì nó không đúng sở thích của người học. Tôi thấy trong quá trình học, để được bền chí thì cái quan trọng nhất chắc chắn phải là sự thích thú. Nó đi trước cả tính kỷ luật. Sự ham thích tìm tòi và học hỏi từ một lĩnh vực là động lực thúc đẩy sự tự giác giúp bạn đặt mông xuống ghế và cày. Còn ngược lại, với môn học dù cho bạn biết là cần thiết, nếu không đủ hứng thú bạn cũng sẽ khó lòng học được. Não người có một cơ chế rất hay, nó sẽ phản ứng ngay với những gì nó thấy sai sai với ý thích của khổ chủ. Đơn cử là học mà thấy bức bối trong người, nặng hơn thì thấy buồn ngủ. Feng nào thấy khó ngủ thì cứ lấy sách Mác ra tụng, cố gắng học cho thuộc; khả năng cao sẽ buồn ngủ rất nhanh. Còn nếu không buồn ngủ thì chí ít cũng đã được ánh sáng chân lý soi sáng con tim mình haha.
Quay lại với việc đọc. Tôi nghĩ những người mê đọc sách (dù con số này khá ít) họ đều tìm tới sách với sự tự nguyện, tức là nơi họ có sự hứng thú. Vì thế mà việc học từ sách đỡ đi phần nào chông gai. Người đọc càng nhiều càng thấy tâm hồn mình rộng mở, đọc đến đoạn nào hay, thấy tâm đắc quá không thể không mỉm cười mãn nguyện. Nên học từ sách thấy nó vô nhanh, thời gian trôi mà ta không để ý mấy. Việc học lại càng thấy thêm hiệu quả.
Nhưng đọc và phê với việc đọc là một chuyện. Vấn đề tiếp thu lại là một chuyện khác. Lý do tại sao ở đầu bài có đề cập đến kiến thức tôi không có bao nhiêu, là vì sau mỗi cuốn sách tôi đọc, đọng lại đâu đó khoảng 20 30% là nhiều. Một cuốn sách hay (sách hay nha), để mà lĩnh hội được, nói đúng hơn là để nó thấm vào đầu thì phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Con số ấy có thể lên 40 50% – đó cũng kể là thành công rồi. Đọc sách thì tốt nhất là không nên bị giục. Công trình cả đời người tóm lại chỉ qua một tập giấy, có đọc 10 lần cũng không ngộ hết. Lần đầu đọc thì nên đọc hết một mạch không quay lại, cốt là để nắm được đại ý của quyển sách. Những lần đọc tiếp theo, cam đoan sẽ nhận ra những điều mới mẻ mà lần đọc trước đó không thấy được. Và việc đọc muốn toại phải kéo dài nhiều năm, không thể đọc sách chỉ 2 3 năm mà đã giỏi, thói quen đọc sách phải được vun đắp chục năm kia. Sau này lớn tuổi đã có thêm kinh nghiệm sống thì việc đọc sách có thể là gặt được quả. Với sách hay sách xịn, chỉ có đọc đi đọc lại nhiều lần thì mới may ra tiếp thu hiệu quả. Đọc một cuốn sách mà thẩm thấu hết, còn hơn đọc nhiều cuốn sách khác nhau mà sau cùng chẳng động lại gì nhiều.
Cũng cần lưu ý thêm khoảng chọn sách mà mua. Mua thì mua sách xịn mà đọc, sách rác bây giờ nhiều lắm, tôi từng mua về 1 2 cuốn đọc thấy cứ sao sao, cứ lấn cấn chỗ nào. Việc đọc đôi khi nên tin vào trực giác một tí, tức là đọc mà thấy không vào nổi thì nên xét xem trình mình chưa đủ hay vì sách nó lởm thiệt. Đọc sách lởm mà cố đấm ăn xôi, đọc cho hết sách thì vừa tốn thời gian lại vừa nạp vào đầu những thứ không đâu. Với trường hợp đọc sách quá trình bản thân, thì cũng nên tạm cất chờ ngày mình đủ đọc được thì come back cũng chưa muộn. Đọc tôi nghĩ chỉ nên chọn cho mình những tác giả yêu thích, những bậc đại trí trong lịch sử loài người. Lâu lâu nên đổi tác giả khác cho mới mẻ; phần tôi tôi vẫn hay chọn sách của cụ Nguyễn Duy Cần, Robert Greene và sách của Carl Jung mà đọc đi đọc lại – nhất là những sách luyện tư tưởng, trau dồi mindset sống trong đời mà cụ Cần để lại.
Đọc xong còn phải thực hành, đọc xong ngộ ra nhiều cái à à hay đó xong không áp dụng thì cũng công toi. Những thứ áp dụng được mới đáng quý, phần tôi tin thằng đọc 10 quyển sách vẫn không sáng bằng đứa ra đời được trải nghiệm thực tế, được học từ đời. Đọc sách nhiều dễ bị ngáo chữ, ngáo kiến thức lắm mấy feng. Đọc không áp dụng được, bí bách trong người nên phải xí lô xí la ra ngoài thiên hạ nó mới thể hiện ta đây dân đọc sách. Đó là cái hại của việc học mà không hành, đọc thấy phê phê, thấy đầu óc rộng mở lên mạng mở máy gõ lộc cộc cả ngày thì có được miếng cơm cháo nào đâu. Như cái page tôi lập ra đây nè. Nó cũng giống như đọc với cái tâm thế lười biếng, sợ mình không đọc thì tốn thời gian, thấy áy náy có lỗi với bản thân. Nên thôi mở sách ra đọc, nhìn hàng chữ chạy trên trang giấy chứ đầu óc sức mấy tập trung, miễn sao cảm thấy đang đọc đang phát triển là được rồi. Cái tâm thế này là cái nôi sản sinh ra những thằng ngáo chữ, ví dụ thằng H.
Việc đọc ngó vậy mà khó quá trời. Đọc muốn vào thì khi đọc còn phải tư duy, lâu lâu pause lại đối chiếu với trải nghiệm thực tế. Đang đọc yên lành muốn tập trung thì đầu óc lại lơ đãng đâu đó. Vừa đọc vừa take note lại cho nhớ ý, đọc xong sách nào thì đọc lại note, tổng hợp những gì mình đã đọc. Lâu lâu dành thời gian ngồi không nhắm mắt nhớ lại sách nó nói gì quên trớt cha. Vậy nên đâu nhiều người ghiền đọc, cái dạng đọc sách mà lười biếng, đọc sách để mà ngáo chữ như thằng H thì còn thua mấy ông bà đọc sách để dễ ngủ nữa.
Nói chơi vậy thôi vẫn khuyến khích mọi người làm quen với việc đọc. Có những thứ xảy ra trong đời mà tôi nghĩ nếu không được trang bị từ trước nhờ đọc sách thì tôi không thể nào hiểu được. Đọc sách còn nhiều khía cạnh để nói lắm nhưng mà tôi viết không ra. Thôi hẹn dịp khác, nay tới đây thôi. Bonus con mim hài hài.