Mấy nay tính tình cộc cằn, ở nhà nhiều khi thấy obz anh em làm việc này việc kia ngứa mắt tôi hay bực mồm ý kiến vào. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” – từ ông nội đến ba tôi rồi hai thằng giặc con ổng, dù muốn dù không, phải thừa nhận tính tình có nét giống nhau khó mà sửa được. Nói thật với anh em là lúc trước mỗi khi ông già nóng mặt lên thì ớn lắm, mà bản thân tôi cũng không muốn trở thành người như vậy, hết lần này đến lần khác tôi ngấm ngầm khó chịu sao ông cứ hay cằn nhằn này kia, mệt cả óc, nhất quyết phải trở thành người cư xử tốt hơn.
Cơ mà đúng là càng lớn hơn thì anh em càng hiểu ra chuyện, mà hiểu chuyện rồi cũng sẽ có lúc thấy cảm thông cho thói xấu của người ta. Tâm lý học Carl Jung có một thuật ngữ gọi là Shadow Projection – tạm dịch là cơ chế phóng chiếu bóng âm, Shadow nói sơ lược là những thói xấu bản năng tăm tối mà anh em vẫn hay giấu đi, không muốn người đời nhìn thấy mà chính bản thân anh em có khi cũng chối bỏ (sẽ biên một bài riêng về cái Shadow này) ví dụ như là tham lam, nóng nảy, ấu trĩ, vô trách nhiệm, hay đố kỵ, etc.
Bóng âm là một phần không thể tách rời trong tâm hồn anh em, nó thậm chí đóng một vai trò vô cùng quan trọng, anh em ý thức được bóng âm của mình cũng giống như đang chấp nhận con người kém hoàn thiện bên trong, con người mà, có ai tốt đẹp hoàn toàn đâu. Có nhiều cách để giúp anh em nhận diện ra phần tối của mình aka nhận ra các tập tính bản năng kém hèn mà anh em vẫn hay kìm nén, có thể là anh em ghi lại giấc mơ của mình (tại sao thì sẽ biên ở bài tiếp theo), hoặc anh em thiền và dành thời gian ngẫm lại quá khứ mỗi khi anh em cư xử thiếu lý trí (cái này thì hơi khó vì thực ra anh em có nhớ lại, nhưng không chấp nhận bản thân là đứa tham lam thì cũng chịu) và cách tôi highly recommend cho anh em nhất là nhận diện ‘sự phóng chiếu lên người khác’
Bóng âm có một cơ chế rất hay, nó sẽ phóng chiếu mặt tối chính mình lên người khác, hình thành một định kiến nhất định về người ta. Ví dụ đơn giản thế này, anh em thấy rất ghét một đứa cùng công ty (trường lớp), thấy thằng này vô trách nhiệm, láo lếu hoặc bất kỳ tính xấu nào khác, hãy cẩn thận xét xem, bản thân anh em có cái tính đó hay là không. Nhiều khi là có đó. Xưa lớp tôi có một thằng, làm nhóm với nó ngán cực kỳ, đúng kiểu vô trách nhiệm, lười biếng với lì lợm ai nói gì cũng không chịu nghe – sau này mới phải cay đắng thừa nhận là hóa ra những thứ tôi thấy cáu nhất về nó lại nằm ngay chính bản thân mình. Ở một khía cạnh nào đó, những vấn đề nào đó mà tôi không mấy hứng thú thì chắc rằng sẽ thực hiện mà không có chút nhiệt tâm, tôi cũng lười biếng và độc đoán như chính những gì tôi nghĩ về thằng bạn cùng lớp đó luôn, obz nhiều khi hay nhắc này nhắc nọ mà đố tôi chịu làm, thà đừng nhắc gì thì tôi sẽ tự làm trong vui vẻ, chứ hễ nhắc tôi làm cái thứ tôi định làm thì tôi sẽ bỏ không buồn động đến nữa, anh em thấy có chướng con mắt không haha.
Quay lại với các ví dụ hồi đầu, tôi không thích cái tính lâu lâu hay nổi nóng vô cớ của ông già, vậy mà mấy nay tôi cư xử y hệt vậy – đến mức chính ông cũng không phản ứng gì trước thái độ đó luôn.
*À off topic một chút, nhiều người thấy khó chịu với kiểu nói về cha mẹ với cái danh xưng obz, nghe nó thiếu tôn trọng sao sao. Với tôi tôi thấy chuyện này bình thường, bám chấp vào con chữ không giúp anh em trở thành người tử tế hay hiếu thảo hơn, quan trọng anh em bên trong như thế nào với người ta thôi, ông già tôi cũng hay nói “obz” vậy, thế mà nhà gần 10 người con, không ai quan tâm ông nội hơn ổng.*
Một khi nhận ra cái thói xấu ở người khác hóa ra cũng chính là thói xấu của mình thì có thể anh em sẽ thấy thông cảm hơn, vì đúng hơn là anh em đang thông cảm cho chính mình. Gần đây vẫn hay có cái vụ bộ đội người ta gửi lương thực cho dân SG chậm đến 6 7 ngày, dân chửi quá trời, mà thiệt ra bộ đội cũng giống như anh em thôi, họ cũng là dân mà làm theo chỉ thị từ trên đưa xuống – đứng ở vị trí đó có khi chính anh em cũng sẽ chậm muộn như vậy chứ không khá hơn là bao.
Thừa nhận thói xấu ở bản thân mình sẽ hơi khó một chút, vì thiệt tình có những thứ anh em không bao giờ dám thừa nhận ở bản thân mình đâu. Bóng âm nó quan trọng cũng ở khoảng dễ bị nổ tung nếu tích tụ quá nhiều. Nhiều người không thích chăm sóc tâm hồn mình, nhất là cái lúc gì cũng nhanh chóng như nay thì việc dành thời gian chậm lại chăm sóc thân tâm là rất khó, với họ đôi khi kiếm được chút tiền mua sắm ăn uống la cà này kia là hạnh phúc nhất đời rồi. Sau mỗi lần tổn thương, mỗi lần kìm nén đi cái xấu của mình mà không cho nó cơ hội được xả ra, lâu dần nó như quả bong bóng mỗi ngày được bơm thêm một tí, đến lúc quá căng, nó nổ tung ra khiến anh em làm những thứ mà lúc tỉnh táo có chết anh em cũng không dám làm. Nói đoạn này nghe khó tin và buồn cười, anh em thấy nhiều tình huống con cái xuống tay với bạn học, cha mẹ, người thân gì đó cứ nghĩ nó có bệnh có tà trong người, chứ thực ra nhìn kỹ lại thấy từ bé nó đã cư xử chịu đựng trước những cái xấu xa mà chính cha mẹ nó phóng chiếu lên con mình, bản thân mấy đứa đó đâu dám làm gì, nó chỉ trở thành con người khác khi đã bị Bóng âm bên trong chiếm trọn. Và biết đâu chính anh em cũng không ngoại lệ.
Nhìn chung anh em nên để ý đến những phản ứng của cảm xúc bên trong mình hơn, mỗi lần thấy trong người bực bội hay cau cáu thì cứ thừa nhận mình đang cảm thấy thế nào đã, sau đó dành thời gian ngẫm xem tại sao mình lại thấy như vậy, cái đứa làm mình trở nên như thế nó có điểm xấu gì, mình có điểm xấu đó không, và nếu mình rơi vào hoàn cảnh như thế, mình có phạm sai lầm như chính nó đã sai không. Hơi self help một tí, không nhất thiết anh em phải ngay lập tức thấy đồng cảm với người khác, tôi cũng nói với anh em nhiều lần là một ngày dành đâu đó 15 30p để tâm trí được thoải mái dạo chơi là vậy, miễn là anh em nhận ra cái tối của chính mình.