Anh em đọc sách self help, thấy nó cổ vũ rất nhiều thói quen cần thực hiện, đọc xong thấy có động lực, thấy ảo ảo, rồi bắt tay vào làm. Chẳng chóng thì chày, phần lớn những thói quen đó cũng lụi tàn bởi sự lười biếng và dễ dãi của anh em. Đây cũng là cái hại mà sách self help rẻ tiền nó mang lại, nó chỉ tiêm cho anh em một liều kích thích, gợi mở cho anh em vài ba điều cần làm (mà anh em trước đây đã biết) – như thể giờ anh em có ai đó bên cạnh để cổ vũ mà thôi.
Thói quen nó không được xây lên bởi vài ba câu văn bay bổng, hay một kế hoạch được soạn ra một cách hợp lý. Thói quen tốt được tổng hoà từ kỷ luật và sự hiểu biết về việc mình làm. Đôi khi, kiến thức là thứ thúc đẩy hành động còn mạnh hơn cả sự kiên trì hay tính kỷ luật nữa. Đa phần anh em từ bỏ sớm những thói quen đang dang dở, 1 phần là vì anh em không thực sự thấy hiểu công việc đó mang lại tác dụng gì, chỉ biết nó cần và nó tốt thôi.
Đọc vì biết đọc sách sẽ tốt và khôn ra, khôn như thế nào thì không rõ. Biết ngủ sớm là tốt nhưng cụ thể tốt thế nào thì hiếm ai biết. Tập thể dục không phải để phục vụ mỗi lớp vỏ bên ngoài, mà còn là hoạt động bồi bổ máu cho lớp vỏ não bên trong, nhưng mấy ai hay. Vậy nên anh em khi bắt đầu một thói quen mới, từ bỏ những cái xấu cũ, thường rất khó để thành công.
Cái cốt của quá trình này, là phải hiểu tường tận từng việc mình làm trong ngày, cái lợi ích sâu xa mà nó mang lại. Chỉ những điều như thế, mới đủ giữ anh em vững bước trước tà ma cám dỗ bên ngoài. Không thể chỉ hình thành nên thói quen, vì có người bảo với mình nó đơn giản là tốt như z được. Anh em sẽ không thể tự tâm muốn đi ngủ sớm, trừ khi anh em biết cách giấc ngủ tác động hầu như mọi quá trình sinh hoá bên trong cơ thể mình.
Nhiều người có cái nhìn về thói quen tốt như một chuỗi công việc tách biệt khỏi cuộc sống của họ. Làm thế này để nhận được cái kia, nhìn chung hoàn toàn vị lợi. Trong khi thói quen, cái đích cuối cùng mà anh em nên hướng tới cho nó, là biến nó trở thành phong cách sống của anh em. Là một phần không thể tách rời, nó tồn tại trong lịch trình của anh em một cách hiển nhiên, như giờ ăn giờ ngủ, và không mất quá nhiều cố gắng để sắn tay vào làm. Không có gì đáng để tự hào, vì bản thân tôi không cần phải cố gắng nữa, nó không còn là thành tựu, tự thân nó là một phần trong tôi rồi, kiểu vậy.
Thói quen, cái hay của nó không nằm ở kết quả mà nhiều người vẫn hướng về. Thói quen tập thể thao cái đích không phải là để có một body đẹp đẽ hơn, thói quen đọc sách sau cùng không phải để nâng cao tầm vóc của anh em vượt lên so với người đời. Phần thưởng của thói quen, chính là tự thân quá trình anh em thực hiện nó. Mọi kết quả đạt được mà tôi nêu trên, nó cơ bản cũng chỉ là phần thưởng sau một quá trình dài theo đuổi cái tốt. Và anh em nhận được quà rồi, không lẽ lại thoả mãn rồi từ bỏ thói quen? Cái sướng của việc xây dựng thành công, dù chỉ một nhánh thói quen nhỏ, là cái sướng được tận hưởng cả quá trình, không phải chỉ riêng kết quả không thôi. Nhiều người đi chạy bộ thường xuyên, vì họ thích được chạy, không chạy không chịu được, thích cảm giác nhập flow khi cơ thể và hơi thở trở nên nhịp nhàng – lúc ấy, người ta có nghĩ về việc cơ thể sẽ mí nhon ra sao không? Tôi đoán là không nhiều.
Cho nên cái đích của việc xây dựng thói quen tốt, bài trừ đi những việc vô ích tốn thời gian, gây hại đến thể xác và tâm hồn – là việc biến nó thành một lối sống thường trực. Nhìn chung, kỷ luật chỉ dành cho những kẻ tay mơ, mới chập chững bước chân vào con đường đập đi xây lại bản thân mình (theo cả nghĩa đen lẫn bóng). Chứ thói quen thực sự, không cần đến ngần ấy nổ lực để có thể diễn ra, nó tự đến như một lẽ tất nhiên của cuộc đời anh em thôi.
(Còn tiếp)