Thi thoảng anh em sẽ bắt gặp tình trạng những người lớn tuổi cư xử như trẻ con, hoặc họ có những thứ chơi không còn phù hợp. Chẳng hạn như nhiều ông nhiều bà mới chơi fb rồi tham gia các hội nhóm “chị em 1 đời chồng” gì gì đó, đăng hình rùm beng lên dậy.
Tôi không có ý trách cứ bất kỳ ai, nhưng ít nhiều người thế hệ trước không thể chịu nổi cái chán chường của tuổi qua trung niên. Một phần nữa nguyên do đến từ bối cảnh xã hội thời đó nữa.
Ngày xưa khác với bây giờ, điều này anh em hẳn rõ. Nhưng cái khác của nó nằm ở mức khắt khe và quy tắc hơn nhiều. Người ta đè nặng dư luận xã hội ghê gớm. Tại vì sao? Đơn giản vì vòng tròn xã hội của một con người khi đó chỉ xoay quanh làng xã, láng giềng hay đồng nghiệp. Một lần mang tiếng bằng một lần mất đi cơ hội kết nối với xung quanh. Cho nên “cái sợ” bị cô lập từ trong bản năng sâu thẳm không cho phép con người thời trước được phép làm những trò điên khùng.
Họ phải giữ được nề nếp, họ không được lố lăng, họ cư xử và hành động theo ám thị và ý muốn của người khác. Họ bị gò ép vào một khuôn khổ, họ mang một lớp mặt nạ dày còn hơn cả bê tông. Và họ thiếu kiến thức cũng như ý thức về thế giới nội tâm của mình. Cái thời mà cái ăn cái mặc còn không đảm bảo, lấy gì khao khát những tầng nhu cầu cao hơn. Tháp nhu cầu Maslow chỉ ra rất rõ điều này.
Quay trở lại thế giới thực tế. Vòng tròn xã hội bây giờ đã được mở rộng hơn, người ta được hưởng sự tiện nghi ở mức cao hơn nhiều so với quá khứ. Những nổi đau bị chèn ép hàng thập kỷ qua cuối cùng cũng tìm được chỗ hở để chui ra. Ma quỷ nội tâm bắt nguồn từ những thứ chơi giải trí gây mê muội.
Và người lớn tuổi, họ bám víu vào cảm giác dễ chịu từ giải trí mang lại, họ tò mò và phấn khích như những đứa trẻ. Họ chụp hình, nhảy nhót lố lăng, họ chơi cả Típ tóp. Những đứa trẻ tổn thương khi xưa ùa về, nó tràn ra bên ngoài thông qua nhiều hành vi khó lòng kiểm soát. Không phải vì họ hết sợ dư luận, họ vẫn ghê sợ nó lắm. Nhưng hơn thế nữa, họ bị đứa trẻ bên trong nó kiểm soát mất rồi.
Trong nhiều trường hợp, người ta cố tỏ vẻ ra là mình trưởng thành. Vì số năm trong giấy khai sinh không cho phép họ bị những người khác đánh giá là trẻ con. Càng chối bỏ nó bao nhiêu, họ càng bị nó thống trị. Vì thiếu kiến thức, vì xã hội, vì chưa từng nhìn vào bên trong, họ chật vật giữa hai thế giới trong và ngoài. Cái thời điểm mà một con người ngũ – lục tuần sống nhẹ nhàng, tận hưởng thế giới nội tâm.
Nhiều người ngoài kia vẫn chạy theo những giá trị hư ảo như đứa trẻ đòi cho bằng được một cây kẹo ngon.
Cả tôi và anh em, trong nhiều thập kỷ nữa, khi sự phát triển và tiện lợi lên cao đến ngút trời. Chúng ta liệu có trở thành trò hề cho những đứa trẻ con hay không, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng?
Càng xây dựng đời sống tinh thần phong phú bao nhiêu, anh em càng có cơ hội tách những tiện nghi ra khỏi mưu cầu và khao khát của mình. Tiện nghi, những phương tiện giải trí, những giây phút đầu óc bị dẫn dắt và ám thị bởi những người làm nội dung, là khi anh em cho phép những gì đục đen nhất từ bên trong trồi ra ngoài một cách thiếu kiểm soát.
Trong một thế giới “dễ dàng” theo rất nhiều mặt như bây giờ, anh em chọn tìm học về bản thân hay giải trí trên Típ tóp? Âu cũng là lựa chọn của cá nhân thôi. Còn tôi chọn đi theo con đường của anh Cương. À nhầm anh Cường.