Cuộc sống của chúng ta chịu ảnh hưởng sâu sắc từ một nét đặc biệt trong tâm trí con người – một điều mà ta hiếm khi để ý tới: kỳ vọng. Chúng ta mang trong đầu những bức tranh tưởng tượng về cách mọi thứ “nên” diễn ra. Những kỳ vọng ấy định hình cách chúng ta nhìn nhận mọi sự kiện trong đời, là cơ sở để ta cho rằng một khoảnh khắc là đáng nhớ, hay (thường xuyên hơn) tầm thường và bất công đến khó chịu.
Chính những gì đi ngược lại kỳ vọng mới là điều khiến ta giận dữ. Có vô số việc không diễn ra như ý muốn nhưng không khiến ta nổi nóng. Khi một vấn đề đã được lường trước, tâm trạng của ta sẽ không bị xáo trộn. Ta có thể buồn, nhưng không mất kiểm soát. Nhưng nếu không tìm thấy chìa khóa xe (trong khi nó luôn nằm ngay ngăn kéo cạnh cửa) hay khi người bạn đời không đón ta bằng một nụ cười rạng rỡ sau chuyến đi dài, phản ứng của ta có thể khác hẳn. Ta tức giận vì ta đã tin tưởng một cách ngây thơ vào thế giới nơi chìa khóa xe không bao giờ thất lạc và người thân luôn tỏ ra niềm nở sau những ngày xa cách. Chính những hy vọng ngây thơ, tưởng chừng vô hại ấy lại mở ra một vùng trời đầy xao động trong tâm hồn ta.
Kỳ lạ thay, ngay cả khi ta đã trải qua những thất vọng ê chề, ta vẫn không đánh mất niềm tin vào kỳ vọng của mình. Niềm hy vọng chiến thắng kinh nghiệm. Ta tự nhủ rằng, lý do mọi chuyện không suôn sẻ lần này chẳng phải vì kỳ vọng của ta quá cao, mà chỉ đơn giản là do ta “kém may mắn”. Thay vì điều chỉnh lại cách nhìn về cuộc đời, ta tiếp tục đặt niềm tin vào tương lai.
Giải pháp cho sự bất an của ta nằm ở một khái niệm nghe có vẻ xa lạ: triết lý bi quan. Bi quan thường gắn liền với thất bại và sự yếu kém, nhưng khi đối mặt với cuộc đời, kỳ vọng chính là kẻ thù của bình yên. Bi quan – một cách chuẩn bị tinh thần – lại chính là con đường dẫn đến sự điềm tĩnh.
🌹 Seneca và triết lý chấp nhận mọi điều
Nhà triết học La Mã cổ đại Seneca đã từng khẳng định rằng sự giận dữ bắt nguồn từ những ý niệm sai lệch trong suy nghĩ của ta. Nếu thay đổi được cách ta nghĩ, ta sẽ thay đổi được cách ta phản ứng. Theo Seneca, cơn giận dữ bùng phát khi ta ôm những niềm tin quá lạc quan vào con người và cuộc đời.
Mức độ chúng ta phản ứng tiêu cực với một sự việc phụ thuộc vào việc chúng ta cho rằng điều gì là “bình thường”. Chúng ta không nổi giận khi bị từ chối một điều gì đó, trừ khi ta tin rằng mình xứng đáng được nhận nó. Những cơn giận dữ lớn nhất nảy sinh khi thực tế đi ngược lại “luật lệ ngầm” trong tâm trí ta về cách thế giới vận hành.
Vì ta dễ bối rối bởi những điều không ngờ tới, nên cách tốt nhất là tập chuẩn bị cho mọi tình huống. Seneca nói: “Không điều gì nên khiến chúng ta ngạc nhiên. Hãy để tâm trí đi trước và chuẩn bị đón nhận mọi vấn đề, không chỉ những gì thường xảy ra, mà cả những gì có thể xảy ra.”
Seneca phê phán sự lạc quan mơ hồ của con người khi nghĩ về tương lai. Ông nhắc nhở rằng cuộc đời luôn mở rộng cánh cửa cho thảm họa: “Bao nhiêu đám tang ngang qua trước cửa nhà ta, vậy mà ta chẳng bao giờ nghĩ đến cái chết. Biết bao người chết trẻ, vậy mà ta vẫn ung dung lập kế hoạch cho con cái. Không ai hứa với bạn rằng đêm nay bạn sẽ sống – à không, thậm chí cả giờ phút này cũng không ai dám hứa hẹn.”
Seneca khuyên chúng ta nên dành chút thời gian mỗi ngày để suy ngẫm về những điều có thể xảy ra, chuẩn bị tinh thần đón nhận chúng. Ông gọi đó là praemeditatio – “thiền định trước”:
🌹 Bài thực hành Praemeditatio của Seneca
“Người khôn ngoan sẽ bắt đầu mỗi ngày với suy nghĩ: Vận may chẳng trao cho ta điều gì có thể thực sự nắm giữ. Không điều gì, dù là của chung hay của riêng, là vĩnh cửu; số phận con người cũng như thành phố, đều xoay vần không ngừng. Những công trình được xây đắp qua bao năm tháng, bằng mồ hôi và công sức, có thể sụp đổ chỉ trong một ngày. Không, nói ‘một ngày’ vẫn còn là một khoảng thời gian quá dài; một khoảnh khắc, một cái chớp mắt cũng đủ để mọi thứ tan biến. Đã bao thành phố ở châu Á, bao vùng đất ở Hy Lạp bị hủy diệt chỉ sau một trận động đất. Bao thị trấn ở Syria, ở Macedonia đã bị nuốt chửng. Bao lần đảo Cyprus bị xóa sổ. Chúng ta sống giữa một thế giới mà mọi thứ đều được định sẵn để tan biến. Ta được sinh ra làm kiếp người, và ta sinh ra những kẻ cũng chỉ là phàm nhân. Hãy chuẩn bị tinh thần cho mọi điều, hãy kỳ vọng mọi khả năng có thể xảy ra.”
🌹 Bài tập
Hãy thử viết một Praemeditatio của chính bạn. Những điều gì bạn nên chuẩn bị tinh thần đối mặt? (Trích từ cuốn sách Calm của The School of Life)