Điều đó xảy ra cho hầu hết tất cả mọi người. Bạn càng nhiều kiến thức, bạn càng ít cảm thấy kinh ngạc về mọi sự. Và cha mẹ, trường học, xã hội… tất cả đều cố ép bạn trở nên có thật nhiều kiến thức. Toàn bộ nỗ lực của họ là trao cho bạn thêm kiến thức. Không gian bên trong của bạn trở nên đầy ắp kiến thức đến nỗi sự kinh ngạc biến mất, sự kinh ngạc không còn chỗ trống nào để trú ngụ trong bạn.
Một đứa trẻ có đôi mắt của kinh ngạc. Nó cảm thấy “wow” – ngạc nhiên và bối rối về từng và mọi thứ. Những thứ nhỏ bé nhất cũng làm nó ngạc nhiên; nó sống trong bong bóng lớn của niềm vui, bởi vì cuộc sống của nó là sự khám phá bất tận.
Kinh ngạc đưa bạn vào cuộc phiêu lưu để biết bí ẩn của cuộc sống. Bạn càng biết nhiều, bạn càng ít ngạc nhiên về mọi sự. Nhưng khoảnh khắc sự ngạc nhiên chết trong bạn, tính tôn giáo cũng chết, bởi vì tính tôn giáo bao gồm sự kinh ngạc, ngạc nhiên.
Bạn hỏi, “Tại sao tôi không có cùng sự kinh ngạc về mọi thứ như tôi có khi còn nhỏ?” Bạn hẳn là một người rất học thức. Vứt bỏ kiến thức của bạn đi. Kiến thức làm người ta bước đi như kẻ mộng du, vô cảm, không gì làm họ ngạc nhiên, không gì chạm được tới tim của họ. Hoa hồng nở, họ không thấy, họ bị mù.
Chim hót buổi sáng, họ không nghe, họ bị điếc. Họ mất đi mọi sự nhạy cảm với cuộc sống. Họ trở thành xác khô đến nỗi không gì có thể khiến họ nhảy múa, không gì có thể ngân lên bài ca trên môi họ, không gì thắp sáng những bước chân của họ. Và thủ phạm của tất cả những điều này là kiến thức.
Trong một thế giới hiểu biết hơn, kiến thức sẽ vẫn được trao cho bạn nhưng bạn cũng sẽ được dạy để sao cho vẫn tiếp tục bảo vệ khả năng ngạc nhiên của mình. Thơ ca của bạn sẽ không bị giết chết hay bị phá vỡ trước sức nặng của kiến thức.
Trong một đại học thực thụ, chỉ nên một nửa thời gian được dành cho các mục tiêu tiện dụng, và nửa còn lại nên được dành cho những chủ đề không-tiện-dụng khác như thơ ca, âm nhạc, hội hoạ, nhảy múa, thiền và cầu nguyện. Hay chỉ ngồi thư giãn dưới một tán cây, chỉ ngồi im lặng dưới cây và không làm gì cả.
Nửa thời gian ở trường lớp nên dành cho những hoạt động không-tiện-dụng, làm những việc chẳng ý nghĩa gì ngoài mục tiêu tìm thấy niềm vui nội tại trong việc bạn làm nó. Chỉ thế thì chúng ta mới có một nhân loại toàn bộ trong thế giới.
Osho, cuốn “Innocence, knowledge and wonder”, Phi Tuyết dịch
Hình hoa lá ad chụp vội ở Nhựt á, thấy ghét hông