Năng lượng hóa thạch, khí nhà kính không bao giờ là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, con người mới là nguyên nhân của việc đó. Những thứ đó đã có mặt trên trái đất hàng tỷ năm nay và chúng chẳng gây ra vấn đề gì cả, cho tới khi con người quyết định rằng thỏa mãn các ham muốn vật chất vô tận là ưu tiên số một trên đời.
Theo World Bank, mỗi năm con người thải ra môi trường 2 tỷ tấn rác thải. Nếu bạn chất hết số rác này lên xe tải và xếp chúng vòng quanh trái đất, bạn có thể “quấn” được 24 vòng. Tất cả rác thải này đến từ tự nhiên, và dù có đốt, chôn lấp, thả xuống biển, hay xử lý theo bất kỳ phương thức hiện đại nào, chúng cũng sẽ quay trở về với tự nhiên, nhưng là theo những dạng thức thiếu lành mạnh hơn nhiều cho con người. Trong thức ăn mà bạn đang ăn có lẫn những hạt vi nhựa từ đồ dùng điện tử mà bạn thải bỏ. Trong nước bạn đang uống có những sợi polyester mà bạn từng mặc trên người. Trong không khí bạn hít thở có khí độc từ tất cả các rác thải mà bạn đã sử dụng. Cứ tiếp tục cái đà này và ngày mà chúng ta cần đến một Thanos sẽ không còn quá xa.
Cá nhân tôi thấy “bảo vệ môi trường” là một trong những cụm từ đang bị hiểu sai nhiều nhất hiện nay. Môi trường đâu có bao giờ cần con người phải bảo vệ? Tự nhiên đâu có bao giờ đòi hỏi bạn phải trồng thêm cây, làm sạch nguồn nước hay thanh lọc không khí. Những cái cây tự biết cách sinh sôi, môi trường thủy sinh và không khí sẽ tự biết cách tái tạo chính nó. Tự nhiên không bao giờ cần con người phải bảo vệ, nó cần con người đừng tiếp tục hủy hoại một cách quá đà. Môi trường bị tàn phá bởi những ham muốn của chúng ta ngày nay nhiều đến mức kinh hoàng. Bạn có thể thấy điều đó qua tủ quần áo của mình. Hàng năm có khoảng 4,3 triệu tấn quần áo, tương đương cỡ hơn 10 tỷ bộ đồ bị vứt bỏ.
Nếu như người ta không thích mua một chiếc áo về chỉ để đăng một tấm ảnh lên Instagram rồi vứt đi, có phải môi trường sẽ tự khắc tốt đẹp rất nhiều không? Người ta cứ hủy hoại môi trường rồi lại cố gắng bảo vệ môi trường, điều đó thật ngớ ngẩn làm sao. Tôi có thể thấy rất nhiều người và rất nhiều công ty đang hưởng ứng việc bảo vệ môi trường, nhưng tôi phải tự hỏi những hành động của họ bù đắp nổi bao nhiêu so với mức độ tàn phá tự nhiên của họ? Người ta đang bảo vệ môi trường, hay đang cố bảo vệ nỗi bất an của họ? Các doanh nghiệp đang bảo vệ môi trường, hay đang bảo vệ danh tiếng của mình? Nếu chúng ta không giảm thiểu việc hủy hoại tự nhiên, những nỗ lực chống biến đổi khí hậu, trồng cây xanh, và đủ thứ khác của chúng ta có thể tạo ra bao nhiêu tác động?
Vậy nên nếu bạn thực sự muốn tốt cho tự nhiên, điều đầu tiên không phải là hưởng ứng Giờ Trái Đất, mà hãy giảm bớt các nhu cầu vô nghĩa của mình.
Không một con người nào là không có ham muốn, nhưng có những mong muốn có ý nghĩa và có những ham muốn vô nghĩa. Có những mong muốn mang lại hạnh phúc và có những khao khát chỉ mang lại sự trống rỗng. Những ham muốn về vật chất luôn chỉ có thể đổ đầy được một góc của tâm hồn, và chúng sẽ sớm chạm tới ngưỡng bão hòa. Nếu giờ bạn thêm một chiếc áo phông hot trend vào tủ quần áo đủ cho 3 kiếp sống của mình, điều đó sẽ làm bạn vui vẻ trong bao lâu? Nếu bạn có thêm một đôi giày để trông mới lạ hơn mỗi khi ra đường, mất bao lâu để bạn lại muốn có một đôi giày mới? Chiếc Iphone X mà bạn đang sử dụng là thứ đồ chơi bạn từng ao ước, nhưng nếu giờ bạn thấy chán với nó, tại sao bạn lại nghĩ rằng nâng cấp lên một phiên bản mới sẽ giúp mình hạnh phúc hơn? Chúng ta nhiều khi chạy theo những ảo giác về việc mua sắm. Chúng ta mua không phải vì đó là đồ dùng cần thiết, mà để lấp đầy những sự chán nản và trống rỗng bên trong mình. Nhưng bạn càng cố gắng lấp đầy sự trống rỗng đó, bạn chỉ càng cảm thấy trống rỗng hơn mà thôi.
Tôi thích nhìn nhận sự việc dưới góc độ lợi ích hơn là góc độ đạo đức. Tôi giảm thiểu ham muốn không phải vì Kinh Thánh nói ham muốn là một điều sai trái, mà là vì đó là điều tốt cho tôi. Ham muốn là một thứ rắc rối. Nếu bạn ham muốn và bạn không có, bạn sẽ vật vã. Nếu bạn ham muốn và bạn có, bạn sẽ lo sợ rằng mình sẽ mất đi. Nếu bạn mất đi rồi, bạn sẽ đau khổ. Có lợi ích gì từ việc có quá nhiều ham muốn, nhất là khi những ham muốn đó không quá cần thiết trong cuộc sống này? Vậy nên Đức Phật khuyên người ta nên sống Thiểu Dục và Tri Túc. Thiểu Dục là ít ham muốn, Tri Túc là biết thế nào là đủ. Như vậy không có nghĩa không mong muốn điều gì, mà là hãy giảm đi những ham muốn vô nghĩa. Điều đó tốt cho bạn, và nó cũng tốt cho tự nhiên.
Nếu bạn tham gia một phong trào trồng cây xanh hoặc dọn rác thải bên bờ biển, phải mất hai mươi năm để bạn có thể nhìn thấy kết quả của những điều này cho bản thân mình. Nhưng nếu bạn giảm thiểu những ham muốn vô nghĩa lý của mình, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình tốt đẹp lên ngay tức khắc. Ham muốn có nghĩa là bạn cảm thấy thiếu thốn, và nếu bạn bớt ham muốn chẳng phải là bạn sẽ thấy mình đủ đầy hơn sao?
Người ta thường không nhận ra rằng họ chính là một phần của tự nhiên. Cơ thể của bạn là một sự tích lũy của lượng thức ăn mà bạn tiêu hóa, lượng nước mà bạn hấp thụ và lượng không khí mà bạn hô hấp. Điều gì có hại cho môi trường sẽ có hại cho bạn, và điều gì tốt cho môi trường cũng sẽ tốt cho bạn. Nếu bạn muốn bảo vệ môi trường, hãy bảo vệ bản thân mình. Nếu bạn muốn bảo vệ bản thân mình, trước tiên hãy ngừng hủy hoại nó. Khi ngọn lửa dục vọng ngừng thiêu đốt bạn, bạn sẽ ngừng thiêu đốt môi trường. Tâm hồn bạn sẽ trở nên thư thái hơn. Khi đó, bạn có thể trải nghiệm hạnh phúc ở mức độ cao hơn nhiều so với những khoái lạc mà vật chất có thể đem lại. Môi trường sẽ rất biết ơn bạn nếu bạn làm thế. Và sau đó, bạn có thể bắt đầu trồng cây.