(hay trò chơi của tâm trí)
Thấy nhiều anh chị chia sẻ về chủ đề này, nhưng sự thật, để nói như thế nào là ‘đáng sống’ thì thực sự rất khó để có một hệ quy chiếu áp chung cho tất cả.
Vì ‘đáng sống’ của người A, cũng chưa chắc là đáng sống với người B, nhưng chúng ta lại hay áp đặt lên nhau, sống như thế này thì mới ý nghĩa chứ.
Có ý nghĩa hay không, đó là một khái niệm rất tương đối và nó cũng chỉ diễn ra trong đầu người đó mà thôi. Chính xác nó là một mind-game, một trò chơi của tâm trí.
Về mặt xã hội, thì phần nhiều là do một tập thể đủ lớn, cùng thống nhất ngầm, đây là những tiêu chuẩn hay thước đo để đánh giá xem cuộc đời người này có ý nghĩa hay không.
Ví dụ, ở văn hóa của quốc gia X, thì đàn ông phải lấy vợ sinh con, tự xây nhà, rồi kiếm được 1 tỷ đầu tiên thì đó mới là một cuộc sống ý nghĩa của người đàn ông đấy.
Tuy nhiên, cũng là người đàn ông trên, nhưng đưa qua văn hóa của quốc gia Y, thì có thể những gì anh ấy đang cố gắng theo đuổi, lại vô cùng vô nghĩa với tiêu chuẩn của văn hóa số đông nơi đó.
Nên khúc này, anh em nào tinh ý sẽ thấy rõ được một sự thật, trong thế giới tương đối này, thì giá trị của một người sẽ khác đi hoàn toàn khi đặt ở những môi trường hay văn hóa khác nhau. Nên việc quyết định chọn một nơi (hay một văn hóa) để mình sống, để mình thuộc-về, thì cũng là một lựa chọn rất cốt lõi của đời người.
Có lần tôi đi vào khu Chợ Lớn của người Hoa, loay hoay mua vài thứ cần thiết rồi tôi định bắt taxi về quận 1 để ăn trưa. Đang đi bộ ra cổng chính thì tôi thấy một bác tầm U60 đạp xích lô đang chờ khách, thế là không gọi taxi nữa, tôi lên xích lô của bác để đi hóng mát rồi sẵn ôn lại kỷ niệm xưa luôn.
Bác hỏi tôi đi đâu, tôi nói bác cho ra chợ khu quận 1, chợ Bến Thành ấy, Bác cười lắc đầu bảo “bác chưa bao giờ đạp xa đến thế, mà chưa ra đi quận 1 lần nào, chủ yếu là đạp cho khách quen đi chợ loanh quanh đây thôi !”
Bác là người Hoa, hỏi ra mới té ngửa, bác chưa bao giờ ra khu quận 1 thật, chủ yếu kiếm sống và sinh hoạt quanh khu này hơn 40 năm rồi, con cháu bác thì đi khắp Sài gòn, chứ bác thì cứ ngày đạp xe 5-6 tiếng rồi về nhà nghỉ ngơi, vợ bác cũng thế, buôn bán rau ở chợ gần đó, cũng tầm trưa là dọn hàng thì 2 vợ chồng bác đèo nhau về nhà, nấu cơm, xem tivi, điểm danh con cháu, là vui vẻ xong hết một ngày.
Tôi có kể câu chuyện này cho vài người, ai cũng bảo, sống thế thì chán quá, không ý nghĩa gì hết, vì cả đời cứ quanh quẩn có đúng bán kính 10km gần khu chợ đó.
Tôi thì không nghĩ vậy, vì có đáng sống hay không thì do vợ chồng bác ấy quyết định, chứ không phải do chúng ta quyết định… sống không phiền ai, không gây hại cho ai, làm ăn đàng hoàng, cặm cụi siêng năng, thì đâu có gì để chê trách.
Có thể chúng ta đang nghĩ, một đời người là phải đi vòng quanh thế giới, hay ít nhất cũng phải đi 5-10 nước gì đấy thì nó mới ý nghĩa chứ. Đúng là nghe nó ý nghĩa đấy, nhưng nó chỉ ý nghĩa với ai thấy chuyện đó quan trọng thôi.
Và có thể chúng ta cũng đang nghĩ, phải cống hiến cái A, phải để lại cho đời cái B, rồi sở hữu được cái C thì cuộc sống mới đáng sống… Và cũng như trên, nó đáng sống với ai đang quan trọng những cái đó thôi.
Nó là một mind-game, tâm trí anh em đang quan trọng cái gì thì tự động anh em sẽ thấy cái đó ý nghĩa, cũng như có người dành cả đời để tu tập, mục tiêu là giác ngộ giải thoát, và người đó cho rằng như thế mới là một cuộc đời ‘đáng sống’… thì cũng như ở trên, nó ý nghĩa với ai quan trọng nó thôi.
Mình thấy sống như vậy là ý nghĩa, thì mình cứ trải nghiệm con đường đó, còn người khác nghĩ kiểu khác mới ý nghĩa, thì cứ để họ sống con đường họ chọn.
Mình chọn gì, sướng khổ được mất trong cái không gian đó, thì cũng do chính mình gieo/nhận và trải nghiệm nó thôi… vì không có ai sống giùm mình được cả.
Câu chuyện Bác đạp xích lô, nó tựa tựa cuộc đời của Mẫu thân tôi và cũng của rất nhiều thế hệ đi trước, cứ cặm cụi lặng lẽ sống, đủ tiền lo cho con cháu, ăn uống đơn giản, cũng không thích đi đâu chơi xa, cứ quanh quẩn trong nhà rồi bắt cái ghế ra trước nhà nhìn trời nhìn đất.
Đối với họ, đó là một cuộc sống ý nghĩa…
Và tôi thấy, không có gì sai cả, và cũng không có gì trái với luật trời đất cả,
Ai thấy mình còn kẹt, còn bị trói buột, mà muốn đi giải thoát thì cứ đi giải thoát.
Còn ai thấy mình không kẹt, thì có gì đâu để giải thoát.
Mà kẹt hay không kẹt, chỉ cách nhau ở một ý niệm mà thôi. Mind game!
Cheers,
Bác 7B
——
Hình của Tomas Sanchez
tích luỹ vật chất, cũng là trò chơi của tâm trí.
tích luỹ trí tuệ, cũng là trò chơi của tâm trí,
nên không thể nói, theo đuổi cái nào thì ý nghĩa hơn cái nào,
vì đôi lúc, bài học của người đó phải ở con đường A, còn bài học của người kia thì phải ở con đường B.
nên tiêu chuẩn xã hội đang đề cao vật chất thì ai theo nó, mình cứ tôn trọng.
mình đừng áp tiêu chuẩn lên người ta,
và cũng đừng để người ta áp tiêu chuẩn lên mình,
nếu vào thế khó lắm, thì 50 50, sống vì mình 1 nửa, sống vì xã hội 1 nửa, fair.
có người đi hết nửa vòng trái đất, vẫn chưa thấy đủ,
có người hết nửa cuộc đời chỉ lòng vòng trong khu hẻm nhỏ, vậy mà cũng không cần gì hơn,
biết đủ, là trò chơi của tâm trí,
như thế nào là đủ, là sự lựa chọn của người chơi
có người mong thành Phật, mới là đủ,
có người, cái gì cũng thấy đủ, thì Phật liền kề bên.
khó mà lại dễ,
ngay bây giờ, không qua thời gian, không trở thành, thấy đủ là đủ ngay bây giờ.
Chồng mình hay đi “rêu rao” thế này: “người đàn ông thành đạt là người lấy được cô vợ vui vẻ với bất kỳ khoản tiền nào chồng đưa về, dù ít hay nhiều”. Lạ cái là ko ai cãi ông í cả, kể cả mình, mà chỉ lăn ra cười ngặt nghẽo (mình ko bao giờ bắt ông í đưa tiền, cho bao nhiêu cầm bấy nhiêu, vui vẻ suốt mấy chục năm, từ lúc lấy nhau cho đến nay). Chịu ko cãi ông í được ?
Cảm ơn bác vì một bài viết hay nữa. Em tặng bác và mọi người bài thơ lấy cảm hứng từ chủ đề này:
Cuộc đời đáng sống
Em cứ mãi băn khoăn
Về một đời đáng sống
Phải để lại những gì?
Và trở nên ra sao?
Em suy nghĩ, đắn đo
Những lựa chọn mưu sinh
Những gì mình đang sống
Có phải hơi hèn kém
Và có tầm thường không?
Em ơi chớ quẩn quanh
Với trò chơi tâm trí
Làm gì em thấy đúng
Sống vui, không hại người
Hoa ngoài sân vẫn nở
Chim đang hót sau vườn
Chúng chẳng cần lo lắng
Về ý nghĩa cuộc đời.
HN 05/07/2023
Đúng vậy! Mỗi người đều có suy nghĩ và cảm nhận khác nhau cho nên khái niệm cuộc đời đáng sống của mỗi người nó cũng sẽ khác nhau!
Có điều là trong xã hội ngày con người công nghiệp khá đại trà nên số người hiểu được như thế nào là một cuộc đời đáng sống thì không phải chiếm số đông, cảm nhận cá nhân mình là như vậy.
Có người thấy cuộc sống bình bình quá, nhìn thấy người ta đi này đi nọ, làm nọ làm kia xong nghĩ xong thấy thích, nghĩ như vậy mới đáng sống làm theo, rồi bị đời vả cho sấp mặt trong khi sức chịu đựng kém, thậm chí bản thân vốn dĩ không chấp nhận nổi những thứ đó, cuối cùng lại quay ra trách cuộc đời.
Việc hiểu thế nào là một cuộc đời đáng sống, với mình, luôn bắt đầu bằng việc hiểu bản thân mình trước. Biết mình muốn gì, thích gì, chấp nhận được gì, có giá trị gì….chấp nhận sự khác biệt của người khác, thừa nhận sự kém cỏi của bản thân… Rất nhiều thứ cần phải tự tìm hiểu mình mới vạch ra được cái bản đồ thực sự muốn đi của mình là như thế nào.
Quá trình hiểu bản thân cũng như hiểu thế giới ngoài kia vậy, cần thời gian và thay đổi theo thời gian, và mình vẫn đang trên quá trình đó…..
Trong những bài viết của Bác Nghệ , bài này làm tôi liên tưởng và nhớ tới Ba tôi : chẳng quan tâm tới việc hơn thua , tiền nhiều hay tiền ít , cơm ngày 3 bữa , ngủ ngon là vui vẻ hạnh phúc . Bị khinh rẻ chê bai vẫn vui vẻ ăn ngon miệng ( dù chỉ là rau luộc chấm nuớc mắm trứng luộc ) và vẫn ngủ ngon . Rồi sáng mai lại là một ngày mới, chẳng ghét ai chẳng giận ai …
Nhiều người quánh giá Ba tôi tầm thường ,nhưng với tôi : Ba tôi có một lối sống theo chủ nghĩa khắc kỷ mà hiếm ai có thể sống được như vậy !
Giống như ca dao có câu : dù ai nói ngả nói nghiêng thì Ba tôi vẫn cứ là Ba tôi !
xin nói lời cảm ơn Bác Nghệ về bài viết này !
cá nhân mình thì nghĩ việc bố mẹ chăm lo cho con từ bé đến lúc trưởng thành, họ không màng đến lợi ích cá nhân của mình thì cũng kh chứng minh việc bố mẹ đang hài lòng với cuộc sống hiện tại. Chỉ là tạm gác ước muốn của bản thân thay vào đó là trách nhiệm lo cho các con. Nếu bố mẹ cảm thấy con độc lập thì họ sẽ vẫn muốn đi đến những vùng đất mới, tìm hiểu những thứ kỳ lạ. Và theo như bác 7B đã nói đó là ý niệm, mình cũng luôn đứng từ góc nhìn khác để biết liệu bố mẹ đã sống hạnh phúc cuộc đời của họ chưa, hay từ lúc có con họ mới cảm thấy đó chính là niềm vui sống của mình.
Vì góc nhìn của mình chỉ là một đứa nhóc, luôn luôn tìm kiếm những thứ mới, xa bố mẹ về thăm nhà cũng không thường xuyên. Mình lại có xu hướng áp đặt cái việc bố mẹ nên lo cho bản thân, yêu thương mình hơn là con cái.
Không biết đã sắp xếp và biểu lộ rõ suy nghĩ của mình qua con chữ chưa. Haha một mớ bòng bong.
Vẫn cảm ơn bài viết của bác 7B, mỗi lần đọc post của bác, mình đều có hàng chục góc nhìn đấm đá nhau trong tâm tưởng. Nhiều lúc thấy cũng mệt, rằng làm sao mình cứ phức tạp hoá mọi chuyện lên như vậy, nhưng dần dà à mình thấy nó đơn giản nhẹ nhàng quanh đây.
Vấn đề là bác Nghệ đã đi rất xa khỏi cái 10km đó, sống tận nửa vòng trái đất, từng trải đủ thứ mới nhìn ra vấn đề. Nếu bác xích lô đạp tới Q1, thì có khi lại nhận ra đời mình vô nghĩa 40 năm thật.
Có thể bác nói vậy thôi, cũng muốn đi Q1 lắm nhưng do cuộc sống đưa đẩy, giờ già rồi cảm thấy không quan trọng nữa. Có cam chịu trong đó.
Đức Phật cũng chẳng trải qua muôn nghìn kiếp mới thấy rõ chân lý, tìm ra điểm chung, mới buông tất cả. Nếu chỉ quanh quẩn làm hoàng tử bao nhiêu đời thì chẳng có đạo Phật.
Nếu trúng vé số và có tiền, liệu bác xích lô có còn loanh quanh 10km?
Mình thấy internet càng phát triển, chúng ta càng được tiếp xúc nhiều với hệ quy chiếu “đáng sống” của người khác (và hầu như giống nhau, đều thiên về tích lũy của cải vật chất) nên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng đó. Những người trẻ, những người ko tỉnh táo dễ bị tác động sẽ dễ bị stress, dễ bất chấp để đạt được. Như vậy những người gieo rắc mầm mống tham lam có phải tội ko nhỉ (theo quan niệm của Phật giáo và các tôn giáo khác)?
Và thường những người có cuộc đời nhiều người khát khao, tán thưởng, như dư dả về vật chất, được khám phá nhiều nơi, nhiều người ngưỡng mộ sẽ được áp đặt làm tiêu chuẩn của đa số người. Thực ra việc tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống chỉ để làm người ta thấy mình tồn tại rõ ràng hơn, động lực hơn, nhưng đây là trò may rủi, đặc biệt là nguy hiểm nếu kẻ nào đó nghĩ cuộc đời hắn có sứ mệnh nào đó. Với tâm kiên định và rộng mở, sẽ chẳng cần ý nghĩa nào cho cuộc đời này, ngày nào cũng là ngày đáng sống.
Trải nghiệm của mình hiện giờ, giống như đang tháo từng lớp mặt nạ xuống, tựa như ta dùng búa đập vỡ từng cái tôi giả tạo mà ta từng ngỡ là ta. Cái tôi “giải cứu thế giới”, cái tôi “nhân từ”, cái tôi “luôn đúng”, nhiều lắm, rất nhiều. Mình đã có rất nhiều trải nghiệm tâm linh kỳ lạ thời gian qua, và rồi lại phát hiện thêm “cái tôi tâm linh”, đúng thật cái tôi con người rất phức tạp và có bản ngã sinh tồn quá mạnh mẽ ?.
Nhưng quá trình đó, nó đau đớn đến vỡ vụn, ví dụ như bạn làm việc cả đời vì mục tiêu nào đó, từng tưởng nó là lẽ sống. Nay phát hiện điều đó vô nghĩa, nó không phải là cái mình cần, và nó chỉ tô vẽ thêm cho cái tôi của mình mà thôi. Giây phút đó, bạn phải gỡ tiếp lớp mặt nạ đó, thôi tự cho rằng mình là người tốt, tài giỏi, đặc biệt, và hối hận vô cùng với những gì mình đã nói, đã làm, đã gây tổn thương cho người khác chỉ để tô vẽ cho cái tôi của mình.
Cho đến cùng, thấy mình không còn gì cả, trần trụi không nhân dạng. Nhưng lúc đó bản thân mình lại nhận ra, mỗi phút giây trôi qua đều là đáng giá, chẳng cần bất cứ mục tiêu, điều kiện nào cả.
Qua từng bài của bác Nghệ, m luôn thấy mình trong đó. Bài học này mình vẫn tiếp tục học, con đường này m vẫn tiếp tục đi và chỉ có thể đi một mình. Chúc cho anh chị em luôn sáng suốt và vững bước, yêu thương.
Thao túng, chiêu trò và chủ nghĩa vị lợi dưới con mắt của truyền thông và những người thấu hiểu bản chất loài người đứng sau, lại mạnh vì gạo, bạo vì tiền thì vẫn còn khổ đau ?
Thì không thấu hiểu chính mình (tâm lý, thấu hiểu người khác, sự vận hành của vạn vật, nguyên lý và quy luật chung)…kèm theo sự trí tuệ thì đời còn khổ dài dài, vì cảm xúc và fomo ?
Hết nhân danh điều này đến điều khác, hết cộng đồng lạinai đén dân chủ, hết chủ nghĩa cá nhân lại đến dân chủ bình quyền nam- nữ, hết tham vấn tâm lý, lại đến chữa lành buông bỏ, an nhiên. Trường phái này, nguyến lý chủ nghĩa kia…tất cả đều complicated để bán cái gì đó, cho một nhu cầu hay vấn đề xh của con người…
Tất cả kiểu lùa từ cái lồng này, sang cái chuồng khác bởi những người thực sự hiểu “nỗi đau hay nhu cầu” của loài người là gì. Và khi hiểu loài người ở tầng khoa học thần kinh, hành vi, phân tâm học, vô thức, sinh học tế bào và di truyền học, di truyền cận gien ?, thì không bao giờ thoát được tay họ…giờ lại thêm data analysis, AI nữa thì biết mức độ “trùm bao phủ” sẽ như thế nào ?
Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống ?
Ko có gì là sai. Mọi thứ đều đến đúng thời điểm và là duyên nghiệp của từng người
Giờ thân thể còn khoẻ mạnh, giàu có, xinh đẹp …. thì còn thấy hạnh phúc và tưởng rằng đó là bình an
Nhưng 1 ngày cũng thể qua được sinh – già – bệnh – chết. Nhan sắc ko còn. Tiền tài còn đó mà ko làm gì được … lúc ấy mà còn bình an được ấy mới là ko bị kẹt