Ít đoạn trích hay trong quyển Thành Cát Tư Hãn của Jack Weatherford. Sách hay, nên mua đọc.
Một đoạn là nói về khúc Chinggis Khan đang không biết quyết định nên ông cầu nguyện với thần linh. Một đoạn thì nói về ít khía cạnh miêu tả nhận thức của ông về chiến tranh và quân đội Mông Cổ.
…..
Bí sử thuật lại rằng Thiết Mộc Chân, cảm kích vì đã thoát khỏi cái chết dưới tay người Miệt Nhi Khất, trước tiên đã gửi lời cảm ơn tới ngọn núi đã bảo vệ cậu và tới mặt trời đi ngang qua bầu trời. Cậu đặc biệt biết ơn người phụ nữ già bị bắt đã cứu những người khác với đôi tại như chồn của mình. Để cảm ơn những linh hồn quanh mình, theo tập quán Mông Cổ, cậu rắc sữa vào không khí và lên nền đất. Cậu tháo thắt lưng quanh chiếc áo choàng của minh và đeo lên cổ. Thường chỉ có nam giới đeo thắt lưng, và đây là đặc trưng nhận dạng của một người đàn ông Mông Cổ. Việc Thiết Mộc Chân tháo thắt lưng như vậy tức là trút bỏ sức mạnh, hoàn toàn bất lực trước những vị thần quanh cậu. Sau đó cậu bỏ mũ, đặt bàn tay lên ngực, và quỳ xuống nền đất chín lần để lạy mặt trời và ngọn núi linh.
Với các bộ lạc trên thảo nguyên, quyền lực chính trị thế tục không thể tách rời khỏi quyền lực siêu nhiên vì cả hai đều bắt nguồn từ Thanh thiên Vĩnh hằng. Để thành công và chiến thắng kẻ khác, một người trước tiên phải được ban quyền lực siêu nhiên từ thế giới linh hồn. Để được Dải cờ thiêng dẫn dắt tới thắng lợi và quyền lực, Dải cờ trước hết phải thấm đẫm quyền lực siêu nhiên. Ba ngày Thiết Mộc Chân cầu nguyện trong khi ẩn thân trên núi Burkhan Khaldun đánh dấu sự bắt đầu của một mối quan hệ tâm linh lâu dài và thân thiết của cậu với ngọn núi này, và với sự bảo hộ đặc biệt mà cậu tin rằng bắt nguồn từ ngọn núi. Ngọn núi này là cội nguồn sức mạnh của cậu. Thay vì đơn thuần là cho cậu sức mạnh, dường như Burkhan Khaldun đầu tiên phải thử cậu với một lựa chọn khó khăn. Mỗi con sông chảy ra từ ngọn núi cho cậu một phương án hành động.
Cậu có thể quay về vùng đông nam, hạ lưu sông Kherlen, nơi cậu sống trên thảo nguyên, nhưng dù cậu có thu được bao nhiêu gia súc hay vợ đi nữa, cậu sẽ luôn có nguy cơ mất hết tất cả nếu người Miệt Nhi Khất hay bất kỳ ai khác tấn công. Sông Onon, nơi cậu sinh ra, chảy về hướng đông bắc và là một chọn lựa khác. Bởi nó chảy qua vùng đất rậm rạp cây cối và hẻo lánh hơn sông Kherlen, sông Onon là nơi ẩn náu tốt hơn, nhưng ít đồng cỏ cho gia súc. Cuộc sống trên dòng Onon sẽ an toàn, nhưng thiếu sự sung túc và danh dự. Lựa chọn thứ ba là đi theo dòng Tuul chảy về tây nam, để nhờ Vương Hãn, người cậu đã tặng chiếc áo khoác lông chồn đen, giúp đỡ. Vào thời điểm đó, Thiết Mộc Chân đã từ chối lời đề nghị làm thủ lĩnh dưới quyền Vương Hãn. Giờ đây, chỉ một năm sau, khi cuộc sống cậu chọn lựa cho mình đã đổ khi người Miệt Nhi Khất tấn công, Thiết Mộc Chân dường như vẫn chần chừ không muốn lao vào cuộc giao tranh cốt nhục tương tàn giữa các hãn, nhưng có vẻ đây là cách duy nhất để cậu giành lại vợ mình.
Dù đã cố gắng sống một cuộc sống yên bình, cách xa cảnh chiến loạn thường trực trên thảo nguyên, cuộc tấn công của người Miệt Nhi Khất đã dạy Thiết Mộc Chân rằng cuộc sống đó đơn giản chỉ là mộng tưởng. Nếu cậu không muốn sống cả đời làm kẻ nghèo hèn ngoài rìa xã hội, luôn nằm trong tay những kẻ muốn tấn công trại của mình, giờ cậu phải chiến đấu giành lấy vị trí của mình trên hệ thống thứ bậc của các chiến binh thảo nguyên, cậu phải tham gia trò chơi chiến trận triền miên khắc nghiệt mà cậu đã luôn tránh xa.
Bên cạnh các vấn đề chính trị, thứ bậc, và quyền lực tâm linh, Thiết Mộc Chân còn thể hiện cậu nhớ Bột Nhi Thiếp nhiều thế nào. Cô là người duy nhất đã đem hạnh phúc tới cuộc đời ngắn ngủi ngập tràn bi kịch của cậu. Dù đàn ông Mông Cổ thường ít bộc lộ cảm xúc bên ngoài, nhất là trước mặt những người đàn ông khác, Thiết Mộc Chân đã công nhận một cách đầy xúc động tình yêu của cậu dành cho Bột Nhi Thiếp và nỗi đau khi không có nàng ở bên. Cậu kêu than rằng những kẻ tấn công không những đã khiến chiếc giường cậu nằm vắng bóng người, chúng còn đã cắt mở lồng ngực cậu, làm trái tim cậu tan nát.
Thiết Mộc Chân chọn giao chiến. Cậu sẽ tìm được vợ mình, dù có phải chết. Sau ba ngày gian khổ suy tính, cầu nguyện và lên kế hoạch trên núi, Thiết Mộc Chân lần xuống theo sông Tuul để tìm trại của Vương Hãn và xin viện trợ. Nhưng cậu sẽ không làm vậy với tư cách là kẻ cô độc ngoài lề xã hội, mà là cậu con trai đã mang cho Vương Hãn chiếc áo khoác lông chồn quý giá và tuyên bố trung thành với ông.
……..
Một đoạn trích hay khác
Người Mông Cổ biết bố trí và sử dụng vũ khí từ các nền văn hóa khác nhau mà họ đã tiếp xúc, và nhờ những kiến thức tích lũy được này, họ tạo ra một kho vũ khí toàn cầu có thể thích ứng với mọi tình huống. Với các vũ khí cháy nổ, họ thử nghiệm các loại binh khí sơ khai mà sau này sẽ trở thành súng cối và đại bác. Theo miêu tả của Juvaini, chúng ta thấy sự bối rối của các nhân chứng khi kể lại chính xác những gì đã diễn ra xung quanh họ. Ông mô tả cuộc tấn công của quân Mông Cổ “giống như một cái lò cháy đỏ do mấy chiếc gậy cứng ném từ ngoài vào trong các khe hở, các tia lửa từ lòng của lò bắn ra không trung.\”\” Quân đội của Thành Cát Tư Hãn kết hợp sự mãnh liệt và tốc độ của chiến binh thảo nguyên với trình độ kỹ thuật tinh vi cao cấp nhất của nền văn minh Trung Hoa. Thành Cát Tư Hãn vừa sử dụng đội kỵ binh thần tốc và tinh nhuệ của ông để đối đầu với bộ binh trên đất liền của quân địch, vừa vô hiệu hóa sức mạnh bảo vệ của tường thành với công nghệ đánh bom mới sử dụng hỏa lực và những cỗ máy phá hủy chưa từng thấy để xuyên qua thành và khủng bố linh phòng thủ. Khi lửa và sự chết chóc dội xuống những người còn trong cố đô, các chiến binh của sultan theo lời của Juvaini nhanh chóng \”chim trong biển hủy diệt.\”
/ Thành Cát Tư Hãn biết rằng chiến tranh không phải là một cuộc thi thể thao hay một trận đấu đơn thuần giữa các đối thủ; nó là sự ràng buộc hoàn toàn của một nhóm người chống lại một nhóm người khác. Vinh quang không dành cho những người tuân thủ luật lệ; nó tới với ai làm ra luật lệ và buộc kẻ địch phải tuân theo. Thắng lợi không thể dở dang. Nó phải hoàn chỉnh, tuyệt đối, và không thể chối cãi – không thì nó chẳng là gì cả. Trong chiến trận, điều này có nghĩa là các yếu tố khủng bố và bất ngờ có thể được sử dụng tùy ý. Trong thời bình, nó có nghĩa là một số các điều lệ cơ bản nhưng vững chắc phải luôn được tuân thủ để tạo lòng trung thành trong dân chúng. Phản kháng sẽ dẫn đến cái chết, tận trung sẽ được an toàn.
Cuộc tấn công Bukhara của ông được tính là thành công, không chỉ vì người dân của thành phố đó đầu hàng, mà bởi khi tin tức về chiến dịch của người Mông Cổ tới kinh thành Sumarkand, quân đội ở đó cũng đã hàng phục. Sultan tháo chạy khỏi vương quốc của mình, và lực lượng Mông Cổ tiến bước. Bản thân Thành Cát Tư Hãn dẫn nhóm quân chính vượt núi Afghanistan tới sông Ấn, trong lúc một phân đội khác vòng qua biển Caspi, vượt dãy Kavkaz tới vùng đồng bằng Nga. Trong đúng bảy trăm năm, từ ngày ấy của năm 1220 tới năm 1920, khi quân Xô-viết tiến vào, hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn đã cai trị thành phố Bukhara với tư cách là các hãn và emir, một trong những triều đại gia tộc kéo dài nhất trong lịch sử
Năng lực điều khiển con người và kỹ thuật của Thành Cát Tư Hãn là đại diện cho kiến thức thực tiễn của hơn bốn thập kỷ chinh chiến gần như liên tục. Trong cuộc đời ông không có một khoảnh khắc cốt yếu nào mà ông đột nhiên có được tài năng chiến trận thiên phú, khả năng thu phục lòng trung thành của những người theo mình, hay kĩ năng tổ chức trên quy mô toàn cầu chưa từng có. Những điều này không bắt nguồn từ sự giác ngộ thần thánh hay trường lớp chính thống nào, mà từ một vòng quay ben bỉ của sự tiếp thu thực tiễn, thử nghiệm thích nghi, và liên tục cải thiện nhờ trí óc kỷ luật và ý chí tập trung độc đáo của ông. Sự nghiệp chiến đấu của ông bắt đầu rất lâu trước khi phần lớn binh sĩ của ông ở Bukhara được sinh ra, và trong mọi trận chiến ông đều học được thêm điều gì đó mới. Sau mỗi tranh chấp, ông có thêm nhiều người theo hầu và các kỹ thuật chiến đấu khác. Trong mỗi cuộc giao tranh, ông kết hợp các ý tưởng mới thành một tổ hợp liên tục thay đổi các thủ thuật, chiến thuật, và vũ khí quân sự. Ông không bao giờ đánh một trận chiến hai lần.