Do khá nhiều anh em có sự nhận thức sai lệch về nghiệp, nên hôm nay mình sẽ chắp bút, bắt đầu chuỗi bài viết về nghiệp, trình bày một số hiểu biết của mình về chữ nghiệp trong Phật gia, cùng một vài tool cheat game đời, hy vọng hữu ích.
Anh em yên tâm, theo tinh thần Vangabond của Pỏn chủ, mình sẽ không truyền bá mê tín dị đoan hay gieo niềm tin vô căn cứ cho anh em, trái lại mình sẽ cố gắng giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu từ căn bản đến nâng cao, từ khoa học thực tiễn đến khoa học tâm linh aka khoa học vũ trụ. Anh em nào thấy trái tai gai mắt thì cứ diz cho vui, haha.
Nghiệp là một chủ đề rất rộng lớn; đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ tư tưởng nhà Phật. Tuy nhiên, chữ nghiệp có vẻ hơi xa vời, nên mình sẽ giáng xuống một cấp để gần gũi với anh em hơn, có ai đoán được là gì không ta? Đúng rồi, là thói quen, một dạng biểu hiện của nghiệp. Chú thích: nghiện là một hình thức cực đoan của thói quen, hết chú thích.
Bàn về thói quen, để dễ hình dung, mình xin phép mượn anh Sang Do hình ảnh về sông cái và những nhánh sông con làm phép ẩn dụ (trong đó, cuộc đời anh em là sông cái; thói quen là những nhánh sông nhỏ được tách ra từ con sông cái rộng lớn; nước tượng trưng cho thời gian, sinh lực, trí lực, thể lực, nguồn sống…). Theo luật tập trung, nhánh sông nào được anh em quan tâm khai phá, đào bới, cho nó nhiều nước (thời gian, công sức…) thì nhánh sông đó sẽ rộng hơn, chảy siết hơn. Để rồi một ngày anh em chẳng cần quan tâm nữa mà nhánh sông vẫn tự chảy, âm thầm rút nước từ sông cái, xin chúc mừng, lúc này có thể gọi thói quen đó là nghiệp của anh em.
Để mình giải thích thêm, chẳng hạn như việc chạy bộ, lần chạy đầu tiên (bắt đầu khai phá một nhánh sông) chắc hẳn anh em cảm thấy rất mệt mỏi, đau đớn. Tuy nhiên, sau nhiều lần rong ruổi bằng chính đôi chân của mình (nhánh sông đã tự có thể chảy) anh em sẽ cảm thấy một thôi thúc đến từ bên trong, chính là cái cảm giác ngứa ngứa, bứt rứt khi không được chạy.
Lại nói về thói quen hút thuốc hay đúng hơn là nghiện thuốc, mình dám chắc khi mới bập điếu đầu tiên vào mồm, 9 thằng thì hết 10 thằng sặc khói, tất nhiên lúc bấy giờ cơn nghiện chưa hình thành. Nhưng có lẽ vì thiếu não để nhận thức vấn đề, muốn thể hiện ta đây dân chơi cool ngầu nên chúng nó tiếp tục đến với điếu thứ hai, thứ ba… Và bởi vì có sự xúc tác là cơn phê, nên nhánh sông được mở rộng rất nhanh, kéo rất nhiều nước từ sông cái, chẳng bao lâu nó đã trở nhành một trong những nhánh sông rộng nhất, có dòng chảy mạnh nhất mà anh em sở hữu. Biểu hiện là cơn trạo cử, mệt mỏi, căng thẳng, chán chường, ngáp ngắn ngáp dài của mấy thằng thiếu thuốc nói riêng hay mấy thằng nghiện nói chung, kèm theo đó là sự thôi thúc tìm thuốc mãnh liệt, không thể chống lại. À, tình trạng sầu đời này có thể gọi là nghiệp quật nha anh em, hahahaha.
Tiếp theo, mình sẽ giải thích cho anh em tại sao thói quen tốt thì khó thành hình hơn thói hư tật xấu? Mấu chốt nằm ở cơn phê; bởi hai lý do, thứ nhất cơn phê là động lực rất lớn để anh em dành thời gian, buff thêm năng lượng cho anh em đào bới một nhánh sông aka thói quen nào đó. Thứ hai, cơn phê còn tượng trưng cho sự cứng – mềm của lớp đất, quy luật là chỗ nào càng phê thì đất càng mềm. Fact: ngày nay, đất của mấy thứ phá đời đã mềm lại càng mềm hơn. Như pỏn chủ đã từng bàn, ngày xưa muốn phê khi xem phim, hay xem hài, anh em cần phải mất từ 45 – 90 phút để hiểu tường tận cốt truyện, theo dõi từng tình tiết phim. Giờ thì sao? chỉ với 5 phút review phim, anh em đã có một cơn phê, một liều dopamine tiêm thẳng vào não bộ… Chưa dừng lại ở đó, ta cùng đến với tiktok 6s, chỉ với 6s đầu bạn đã có thêm một mớ rác, hahaha. Rồi pỏn, sukcard, nấm, cần sa, vân vân, mây mây những thứ phê pha, bủa vây, tràn ngập đời anh em.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là, làm sao để từ bỏ những thói quen xấu, phát triển thói quen tốt? Trước khi trả lời câu hỏi này, mình cần làm rõ với anh em một vấn đề quan trọng. Bấy lâu chúng ta hay nghĩ chính mình là người làm chủ cơ thể (thân) và trí óc (tâm) của ta. Haha, xin chia buồn là anh em đã sai, dựa vào các tài liệu Đông Tây, cũng như sự thực chứng của bản thân mình, “ý thức”, cái mà anh em dùng để suy nghĩ, chẳng đóng vai trò to lớn gì trong việc ra quyết định, hành động của anh em đâu, nếu mình nói sai thì đã không có rất nhiều lần anh em tự hứa sukcard lần cuối rồi, hahaha, mình còn lạ gì. Trên thực tế, tiềm thức + vô thức (phân tâm học), hay những dòng chảy của nghiệp (Phật gia) mới là trùm cuối, thực sự nắm quyền kiểm soát, chi phối cuộc đời anh em.
Để thay đổi một cách bền vững, thay đổi từ gốc rễ của vấn đề, anh em cần phải thực sự loại bỏ tà kiến, tà chấp rằng “Ta làm chủ đời ta” ra khỏi đầu. Muốn vậy, cần trải qua quá trình chiêm nghiệm, tư duy sâu cho đến lúc nhận thức được sự bị động trong sinh hoạt hằng ngày, muốn chạy bộ mà sao lười quá, học tiếng anh mà sao sợ ghê, đéo muốn quay tay mà sao cứ sukcard mãi thế này… cùng rất nhiều những mâu thuẫn nội tâm khác thường trực trong tâm trí. Do nhận thức được như vậy, anh em tách bản thân ra khỏi dòng chảy của nghiệp, bắt đầu công cuộc cải tạo tự nhiên, dùng nhân lực xây lên những con đê cao bền, ngăn những dòng sông đưa đến tàn lụn; khai phá những vùng đất tươi sáng, tốt đẹp, dẫn vào đó nguồn nước mát, đưa cuộc đời trở về với sự lành mạnh, vui khỏe.
Nhưng nói thì luôn dễ hơn làm, thiên nhiên bao la, sức người thì có hạn. Ở bài sau mình sẽ bàn rõ hơn về phương thức cải tạo tự nhiên, cũng như tiết lộ một vài tool chơi game hay hay. Nếu anh em cảm thấy hứng thú thì nhớ cho mình biết, lấy động lực viết bài sau, hehe.
À, bài viết của mình có mượn một số ý tưởng từ bài Thiền, định, quán của anh Sang. Nếu có điều kiện, anh em nên đọc lại.
Thân chào anh em!