Hôm rồi tôi có đọc được một bài post, chuyện rằng có con bé người miền Trung (chính xác thì là Đà Nẵng – Quảng Nam) vào Nam làm việc, được một gia đình Sài Gòn nhận làm rồi cho sống hẳn tại quán ăn của họ. Đợt dịch ở Sài Gòn bùng lên ghê quá, con bé chuyển sang trọ ở với bạn trai, đến lúc cần khai báo thì con bé này khai nó sống ở quán và không đi đâu cả. Thế là gia đình anh chủ quán bị vạ lây, đến lúc gặp nó hỏi cho ra nhẽ thì nó nói sợ cha mẹ ở Đà Nẵng biết sang sống với trai nên khai gian. Thực tình thì người miền Trung họ có cái tật thích nói dối, ăn vào tận trong thói quen. Tức là dù không có vấn đề gì nghiêm trọng thì họ cũng sẽ nói dối. Ngày xưa cái thời đất nước phân hai, khu vực trung tâm này chẳng phải là nơi hứng chịu nhiều thì là gì? Dân miền Trung vì khiếp sợ mà đôi lúc phải nói dối cho qua việc, từ đó mà hình thành nên cái có thể gọi là “bản sắc”. Ngại va chạm và hay nói dối để tránh mích lòng, hoặc chính họ nghĩ như vậy. Đọc được vậy thì không thể không chạnh lòng.
Trước tôi cũng nghĩ ở đâu cũng sẽ có người nói dối, người này người kia, cho đến khi chứng kiến chính bản thân và một vài người quen biết nói dối những chuyện không đáng thì tôi mới thấy rõ được tình trạng này.
Tôi nhớ có nhiều lần với những câu chuyện cỏn con, như nhà ở đâu, học trường nào hay đơn giản là tại sao làm việc này việc kia, thì tôi cũng tự động sẽ nói dối. Lúc đó mặc nhiên không nghĩ gì nhiều, tôi cứ vậy mà viện ra hàng tá lý do khác nhau. Nhớ có đợt đi đá bóng về, mãi mê nói chuyện với thằng bạn mà tôi đi quá nhà mình cũng chục km; thay vì thừa nhận là chuyện trò xôm quá đến quên mất thì tôi bảo nó rằng nhà ở xa như này thật. Mấy lâu sau tôi lại dẫn nó đến nhà mình chơi và mọi thứ bẽ bàng từ đó, tôi tiếp tục viện lý do có tận 2 3 nhà khác nhau để biện hộ cho cái lý do lần trước. Cứ sau mỗi lần nói sai sự thật thì tôi ngay lập tức cảm thấy trong người bứt rứt khó chịu, cứ kém hèn hẳn đi.
Con người phần nhiều khi nói dối, cơ thể sẽ có một số phản ứng nhất định, chẳng hạn như chuyển động rụt rè không thoải mái, môi mấp máy, mắt nhìn đâu đâu, vò đầu tóc hay lấy tay vuốt miệng. Thậm chí tinh vi hơn nữa là nói dối với vẻ tự tin và chắc ăn đến kỳ lạ (hoặc kèm theo một chút cáu bẩn trong lời nói), thông thường để bù đắp cho những thiếu sót và nỗi lo âu từ nội tâm, chúng ta thường cố gắng thể hiện bề ngoài theo cách đối nghịch nhất có thể. Dù lời nói là thứ có thể làm giả được (quá lắm là cao giọng) chứ ngôn ngữ cơ thể và đặc biệt là ánh mắt sẽ là thứ tố giác bạn với người ta. Dù lời nói có thể rõ ràng, âm điệu có thể vang xa, dáng ngồi có thể thoải mái nhưng đâu đó trên cơ thể vẫn phản ứng hoàn toàn ngược lại. Một cái khoanh tay phòng thủ, lòng bàn tay hướng vào trong thay vì hướng ra ngoài chẳng hạn, chúng ta không thể fake 100% cơ thể của mình, những người tinh ý sẽ nhận ra ngay. Hoặc với mấy ông lớn tuổi trải đời, chuyện láo lếu gần như sẽ không thể xảy ra.
Khi nói dối, bộ não chúng ta sẽ chạy cùng một lúc 2 3 chương trình khác nhau. Đáng tiếc là nó gặp khó khăn trong việc phân định tốt xấu, đúng sai – đúng vậy, bộ não không tốt bụng gì với bạn đâu, nó chỉ đơn giản phản ánh đúng chính xác những gì thằng khổ chủ này tiếp nhận vào. Việc chạy hai chương trình khác nhau (hoặc có phần đối nghịch) sẽ làm bộ não bị rối, tệ hại hơn thì nó đồng hóa chính bản thân với lời nói dối vừa được thốt ra. Về cơ bản, chúng ta chỉ nói dối khi bản thân thấy sợ hãi một điều gì đó – một cơ chế phòng vệ, và chúng ta tìm cách để dối mình và dối người – điều này trong tức thời làm dịu cảm giác lo âu. Cứ như vậy nói dối sẽ trở thành thói quen, một khi tật này không được sửa đổi thì cuộc đời của bạn với tư cách một cá nhân trong xã hội sẽ còn khổ dài dài – hậu quả đến từ việc không có cho mình sự uy tín.
Một lần cho phép bản thân được nói ra điều không đúng sự thật, hoặc đúng những gì mình nghĩ là mỗi lần bạn đang chà đạp lên lòng tự trọng của bản thân. Nếu bạn không cảm thấy một nỗi sợ sâu thẳm nào đó, một mặc cảm mà bạn không muốn thừa nhận thì bạn đâu phải viện lý do trên trời? Con người đối xử với nhau không như vẻ bề ngoài chúng ta vẫn thấy, chúng ta đối đãi với nhau hoàn toàn dựa vào sự cảm nhận từ vô thức cả. Và sự tôn trọng bản thân cũng không phải là ngoại lệ, mọi người đối xử với bạn giống hệt như cái cách bạn đối đãi với bản thân mình. Nếu bạn tin mình là con người ngay thẳng thì họ sẽ không nghĩ đến chuyện lợi dụng bạn làm gì. Ngược lại, bạn tin (hoặc vô thức tin) rằng bạn là thằng khố rách áo ôm, đi đâu cũng sợ sệt đến phải dối trá đủ điều thì sẽ không bất ngờ nếu một ngày nào đó, người thân cận nhất với bạn cũng lừa dối bạn như cách họ chơi đùa với một con chó con.
Hành vi nói dối thường xuất phát từ những hành động bộc phát, thay vì suy nghĩ cho chín chắn chúng ta sẽ phản ứng lại khá nhanh (bằng cách viện cớ) – để cải thiện cần một quá trình lùi lại đánh giá những gì bạn đã phạm phải trong quá khứ của mình, đồng thời ý thức được những gì bạn sắp và đã nói. Nếu trót dại nói sai, thì mau chóng sửa lại hoặc không có cơ hội để sửa thì tôi nghĩ bạn nên có hình phạt nhỏ cho chính bản thân mình. Dĩ nhiên chúng ta không thể mãi nói thật, đôi khi có những tình huống đòi hỏi sự tinh tế mà không thể không nói dối, dù sao cũng nên hạn chế hoặc tìm cách nói nào đó đúng với suy nghĩ của bản thân hơn.
Và vẫn như mọi khi, tôi đã nhiều lần chả giá bởi những cái sai như thế. Bài của tôi viết ra không chứng tỏ tôi đã thành người hoàn toàn tử tế, mà chỉ là tôi vẫn đang trên con đường tu tập và chia sẻ lại với mọi người. À, nếu muốn sửa những thói xấu ở đời như đố kỵ, tham lam, thiển cận,…. cũng như tật dối trá, bước đầu tiên luôn là cay đắng thừa nhận cái tính đó ở nơi mình. Sự thay đổi chỉ xảy ra nếu chúng ta thực sự chấp nhận những mặt tối tiềm ẩn sâu bên trong. Hoặc chí ít, dành cho bản thân sự tôn trọng cần có bằng cách trở nên thành thật với chính mình hơn!
“Khi ko muốn nói thật thì bạn có thể im lặng, nói dối làm con người hèn đi.” của ai không nhớ.