Tâm trí của chúng ta tương đối bận rộn nếu không phải nói là hỗn loạn – được lấp đầy bởi những dòng suy nghĩ nặng cảm xúc, những lo lắng, đố kỵ, tủi hổ, vân vân. Và dù cho thừa biết đa phần những suy nghĩ như thế đều vô dụng, ta vẫn để mặc cho chúng chiếm trọn tâm can và ảnh hưởng đến chính trải nghiệm sống của mình.
Để deal với mớ bồng bông đó, đa phần chúng ta hay tìm đến những nguồn kích thích bên ngoài nhằm lái sự chú tâm của mình sang một nơi khác, tránh đi cảm giác chịu đựng những lấn cấn trong lòng. Đối mặt với nội tâm là một nỗi sợ lớn của con người. Chúng ta tìm đến nhiều hình thức giải trí qua Tivi, điện thoại mặc dù những thứ xuất hiện trên màn hình thậm chí không thú vị với ta. Khác hơn thì ta tìm đến bạn bè, rượu bia hay tình dục để giải toả cảm xúc – tất cả thảy những phương thức trên tạm thời nó có thể giúp ta xua đi phần nào tiêu cực nhưng tự nó không cải thiện hơn chất lượng sống của mình thêm chút nào, nếu không nói là còn trở nên tệ hại hơn thế nữa.
Rồi, giờ dô nè anh em.
Được rời xa những rối loạn cảm xúc đồng nghĩa với mong muốn có được “trật tự từ trong tâm”, là trạng thái ý thức rõ ràng giúp trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của anh em nhiều màu sắc và có ý nghĩa hơn, là thời khắc mà anh em có thể tự tin rằng mình đang làm chủ được hành vi và suy nghĩ của bản thân. Trải nghiệm nhập tâm là một trong những cách đưa anh em đến được nơi đó.
Nhập tâm là trạng thái anh em chú tâm hoàn toàn vào công việc hay hành động của mình lúc hiện tại, có thể xem nó như là một sự hăng say đối với việc làm của anh em đến mức quên mất mọi ý thức về bên ngoài như tiếng ồn xe cộ, thời gian trôi hay thậm chí quên cả ăn uống. Chẳng hạn như khi anh em đọc sách, tâm trí lúc này chỉ dành trọn cho một mạch tư duy duy nhất, cố gắng mường tượng ra những viễn cảnh mà tác giả vẽ ra; hoặc khi anh em nghe một bài nhạc hay, ngắm một bức tranh đẹp, chơi một trận bóng căng thẳng, thì nó tựu chung cũng cùng một cảm giác. Cảm giác của sự trơn tru, của sự hoà làm một với hành động, của sự tận hưởng tự nhiên đến nổi bản thân mình vì quá tập trung mà không nhận ra cảm giác khoan khoái đó đang chảy trong người mình. Để rồi sau khi nó qua đi, anh em chỉ có thể nhớ lại và thốt ra rằng “lúc đó mọi thứ thật tuyệt vời”
Anh em như thể đang sống cùng mạch truyện, đồng cảm với những niềm riêng của tác giả, cảm được cái ẩn ý không thành lời trong các bức tranh; hoà vào cái tinh thần của người nghệ sĩ hay là cảm giác hoàn toàn hưng phấn xuyên suốt nhịp trận bóng diễn ra với tốc độ rất cao. Như thể, giờ đây anh em đã được sống ở một thế giới riêng biệt, thế giới của sự chú tâm hoàn toàn vào thời khắc hiện tại.
Sau mỗi lần được trải nghiệm sự nhập tâm, là một cơ hội để tâm hồn của anh em được phát triển, cái tôi của anh em trở nên phức tạp hơn với nhiều ý niệm và cảm giác mới mẻ; hoặc nếu đó là một kỹ năng nghề nghiệp, thể thao hay sở thích, sự hài lòng khi bản thân ngày một giỏi hơn từ việc đánh mất mình vào hành động là một cảm giác hoàn toàn có gây nghiện, và dĩ nhiên rồi, mỗi ngày được lấp đầy bởi những trải nghiệm quên đi thời giờ như thế, chất lượng cuộc sống của anh em sẽ cải thiện hơn rất nhiều. Anh em sẽ thôi đặt cho mình những câu hỏi mà tự nó đã là câu trả lời, rằng “liệu mình có đang hạnh phúc?” hay “mình có đang hài lòng với hiện tại hay không?”
Một trong những cái rất hay của trải nghiệm đắm chìm vào dòng chảy hành động này chính là khả năng quên đi sự tự ý thức về bản thân. Thông thường, chúng ta vẫn rất hay lo nghĩ về hình tượng của bản thân mình, dáng đi của tôi có buồn cười không, hôm qua ngủ hơi nhiều nên mắt tôi bụp rõ trông buồn cười ghê, tôi ăn mặc thế này có phù hợp với hoàn cảnh hiện tại? – đó đều là những dấu hiệu của sự tự ý thức (đôi khi không cần thiết), luôn đi kèm với các suy nghĩ cảm xúc phiền phức mà tôi đã nêu ra cho anh em ở đầu bài. Khi nhập tâm, mọi kiểu tạp niệm sẽ trôi vào góc nào đó khác, bây giờ là sân khấu của sự tập trung, chỉ có anh em và hành động của bản thân mình, hầu như là mọi thứ diễn ra xung quanh như tiếng ồn bên ngoài, ánh nhìn người khác hướng về anh em, những lời thì thầm to nhỏ, những ý nghĩ tiêu cực vụt qua,… tất cả chỉ đơn giản là không còn nữa, vì trọn bộ năng lượng tập trung đều đã hướng vào một mục tiêu duy nhất – hành động ngay lúc này.
Nghe thì có vẻ cao siêu và khó đạt được, nó không phải là một năng khiếu bẩm sinh, dù cho có những người tự thân họ có thể tập trung tốt hơn người khác, nhưng nhập tâm vẫn là điều có thể đạt được thông qua việc tập luyện hàng ngày. Như mọi kỹ năng tuyệt vời khác, nó đòi hỏi sự kiên trì và chấp nhận cái khó chịu với sự tham gia của nhiều tạp niệm và xao nhãng ngoại lai; đa phần người ta thích những thứ dễ dàng có được, dễ dàng đạt được nên họ nếu không bỏ cuộc thì cũng tìm đường tắt mà đi, tâm thái như thế rất khó để tối ưu trải nghiệm của mình.
Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân, anh em trước tiên có thể chọn cho mình một việc mà mình hứng thú, đọc sách, viết lách, nghe nhạc, chơi cờ, đá bóng – những thứ anh em nghĩ có thể thu hút được sự chú tâm lâu dài cho bản thân, tắt đi điện thoại, rời xa những thứ phân tâm, thử một lần được đắm chìm vào hành động, làm không màng mục đích, làm chỉ vì làm thôi, tự thân công việc đang làm đã là một phần thưởng rồi. Chắc chắn sẽ có những phân tâm, cái cốt là anh em thoải mái với chính mình, “ừ mình vừa nghĩ linh tinh, giờ quay lại với những trang sách thôi”, thiệt ra ngay cả việc ý thức được mình vừa bị tạp niệm làm phiền cũng đã là một dạng tập trung vào bản thân và đưa tâm trí vào đúng trật tự.
Nhớ nhé, nhiều người hay ép bản thân phải mau ra kết quả, try hard ghê nhưng có những thứ không phải cứ ép là nó ra được, càng ép thì càng khó vào hơn. Anh em nếu muốn thì cứ từ từ, bản thân tôi cũng từ từ, mỗi ngày nhập tâm thêm một chút, đều đặn như thế một cách tự nhiên – thậm chí tôi nghĩ việc cảm nhận và quan sát những thứ phân tâm xuất hiện trong đầu mình cũng là một cách khá hay để anh em đưa trật tự vào lại trong tâm trí và ý thức của mình.
Thôi bài dài, chủ đề này khá rộng, mà tôi cũng chưa trải nghiệm nó nhiều, mỗi lần thấy điều gì hay ho tôi sẽ lại tiếp tục chia sẻ với anh em. Còn giờ thì anh em tận hưởng nhớ.