Một trong những bí ẩn lớn nhất của tình yêu là “Tại sao lại là anh ấy?”, và “Tại sao lại là cô ấy?” Tại sao, trong tất cả những ứng cử viên tiềm năng, khao khát của chúng ta lại được đặt vào sinh vật đó một cách mạnh mẽ đến vậy, tại sao chúng ta lại trân trọng họ hơn mọi người khác trong khi câu chuyện mà họ nói trong bữa tối không phải lúc nào cũng là câu chuyện hay nhất, hoặc thói quen của họ không phải lúc nào cũng phù hợp nhất với ta? Và tại sao, cho dù có ý định tốt, chúng ta cũng không thể có được mối quan tâm về tình dục với một số người khác, những người có lẽ xét một cách khách quan cũng hấp dẫn không kém. Và sống với họ có khi còn dễ chịu hơn?
“Khoảnh khắc mà hai người bắt đầu yêu nhau – tơ tưởng về nhau, như cách nói rất chuẩn của tiếng Anh (to fancy each other) – thực ra được coi là xuất phát điểm của một cá nhân mới. Có điều gì đó khá lạ lùng trong sự nghiêm túc sâu sắc, vô thức mà hai người trẻ tuổi ở hai giới đối nghịch nghĩ về nhau khi họ gặp nhau lần đầu, trong ánh nhìn tìm kiếm và xuyên thấu mà họ dành cho người kia, trong sự xem xét cẩn thận mọi đặc điểm và bộ phận của người kia. Sự soi mói và kiểm tra này là sự suy ngẫm của giống loài thiên tài bậc nhất về khả năng một cá thể mới được sinh ra từ hai cá thể này.”
Tình yêu không là gì khác ngoài biểu hiện có ý thức của việc ước-vọng-tồn-tại phát hiện ra một người có thể cùng ta làm cha làm mẹ. Do cha mẹ chúng ta mắc sai lầm trong việc chọn bạn đời nên chúng ta khó mà là những cá thể cân bằng một cách hoàn hảo.
Chúng ta thường quá cao, quá nam tính, quá nữ tính; mũi thì to, cằm thì bé. Nếu sự mất cân bằng đó tiếp diễn hoặc nếu chúng tăng lên thì không bao lâu nữa loài người sẽ trở nên kỳ dị. Do đó, ước-vọng-tồn-tại phải đẩy ta về phía những người, với sự không hoàn hảo của mình, có thể khử được sự không hoàn hảo của ta (một cái mũi to kết hợp với một cái mũi nhỏ như chiếc cúc áo hứa hẹn sinh ra một cái mũi hoàn hảo), và do đó giúp chúng ta khôi phục lại sự cân bằng về thể chất và tâm lý trong thế hệ tiếp the.
Lý thuyết về sự trung hòa mang lại tự tin cho Schopenhauer trong việc dự đoán đường đi của sự hấp dẫn. Phụ nữ thấp sẽ yêu đàn ông cao, nhưng hiếm khi đàn ông cao lại yêu phụ nữ cao (vô thức của họ sợ sinh ra người khổng lồ). Những người đàn ông nữ tính không thích thể thao thường bị cuốn hút bởi những người phụ nữ tomboy, có mái tóc ngắn (và đeo những chiếc đồng hồ khủng).
Thật không may là thuyết hấp dẫn đưa Schopenhauer đến một kết luận u ám: một người rất phù hợp cho đứa con của chúng ta gần như không bao giờ rất phù hợp với ta (mặc dù lúc đó ta không thể nhận ra được vì ta bị mờ mắt bởi ước-vọng-tồn-tại).
“Một tình yêu vừa có sự tương hợp lại vừa nóng bỏng là điều may mắn hiếm hoi nhất”, Schopenhauer nhận xét. Người tình giúp con ta không có chiếc cằm khổng lồ hay tính tình ẻo lả lại hiếm khi là người sẽ khiến ta hạnh phúc trọn đời. Sự theo đuổi hạnh phúc cá nhân và việc sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh là hai công trình hoàn toàn đối lập mà tình yêu thường khiến ta nhầm rằng chúng là một.
“Tình yêu gieo mình vào những người mà ngoài quan hệ tình dục ra thì sẽ căm ghét, khinh bỉ, thậm chí là ghê tởm người yêu. Nhưng ý chí của giống loài mạnh hơn ý chí của cá nhân quá nhiều, khiến cho người đang yêu nhắm mắt trước mọi tính cách mà anh ta thấy phản cảm, lờ đi mọi thứ, phán xét sai mọi thứ và tự buộc mình vào đối tượng mà anh ta đam mê mãi mãi. Vì thế, anh ta hoàn toàn bị mê đắm bởi cái ảo tưởng đó, thứ sẽ tan biến ngay khi ý chí của giống loài đã được thỏa mãn, và để lại cho anh ta người bạn đời đáng ghét.”